Đột quỵ – Những điều cần biết

Đột quỵ vẫn là nỗi ám ảnh với nhiều người. Những con số trong bài viết này, một lần nữa, gióng lên hồi chuông báo động!

Đột quỵ – những con số biết nói

2/10: Đột quỵ đứng thứ 2 trong số 10 nguyên nhân tử vong hàng đầu. Mặc dù đã có nhiều tiến bộ về Y học, theo số liệu từ tổ chức Y tế toàn cầu năm 2016, trong số 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thì đột quỵ chiếm hàng thứ 2 trên thế giới – với gần 6 triệu người chết, chỉ sau nhồi máu cơ tim.

1/5: Tại Việt Nam, cứ 5 người tử vong thì có 1 trường hợp là do đột quỵ. Tuy nhiên, di chứng do đột quỵ để lại mới là gánh nặng thật sự, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của chính bệnh nhân, gia đình và xã hội.

61 triệu DALYs: Số năm sống bị mất: Nếu tính số năm sống bị mất đi được hiệu chỉnh theo mức độ tàn tật (DALYs) thì đến năm 2020 chúng ta mất đi khoảng 61 triệu DALYs chỉ tính riêng gánh nặng do đột quỵ. Nếu như trước đây chúng ta quan tâm đến việc cứu sống người bệnh thì hiện nay, mục tiêu của đột quỵ không chỉ là cứu sống mà còn là giúp người bệnh có thể quay lại cuộc sống thường ngày, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Đột quỵ là gì?

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là tình trạng tổn thương não cấp tính, xảy ra khi não bị tổn thương do dòng máu nuôi tế bào não bị nghẽn. Khi đó, tế bào não bị thiếu oxy và bắt đầu chết, theo đó các chức năng của vùng não chết sẽ mất đi, dẫn đến người bệnh bị mất các chức năng cơ bản như vận động – ngôn ngữ – ý thức.

Có 2 dạng đột quỵ: đột quỵ thiếu máu não và đột quỵ xuất huyết não.

2 trong 3 bệnh nhân đột quỵ là đột quỵ thiếu máu não.

Có dạng nào tương tự đột quỵ không?

Cơn thoáng thiếu máu não cũng có biểu hiện tương tự như đột quỵ nhưng triệu chứng của nó chỉ xảy ra tạm thời, trong thời gian ngắn và thường kéo dài không quá 1 giờ.

Vậy có cần đưa bệnh nhân nghi ngờ cơn thoáng thiếu máu não tới bệnh viện không?

Rất cần thiết. Mặc dù chỉ thoáng qua, nhưng cơn thoáng thiếu máu não là một yếu tố nguy cơ cao xảy ra đột quỵ.

1 trong 10 bệnh nhân có cơn thoáng thiếu máu não thoáng qua sẽ xuất hiện đột quỵ trong 1 tuần kế tiếp.

Các dấu hiệu nhận biết đột quỵ là gì?

F.A.S.T

F (Face): Méo miệng, biểu hiện rõ khi bệnh nhân cười, nhe răng.

A (Arm): Yếu liệt tay chân, có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu bệnh nhân giơ hai tay, hai chân lên cao.

S (Speech): Ngôn ngữ bất thường, nói đớ, có thể đề nghị bệnh nhân lặp lại cụm từ gì đó xem họ có thể hiểu và lặp lại được không.

T (Time): Thời gian – đưa bệnh nhân đến bệnh viện có khả năng can thiệp cấp cứu đột quỵ gần nhất khi xuất hiện các triệu chứng trên một cách đột ngột.

Những việc có thể làm là gì?

NÊN:

Nhanh chóng gọi cấp cứu 115 hoặc đưa bệnh nhân đến bệnh viện có thể can thiệp cấp cứu đột quỵ gần nhất.

Cho bệnh nhân nằm nghiêng, làm sạch đàm dãi cho dễ thở, lấy dị vật (nếu có).

KHÔNG NÊN:

Tuyệt đối KHÔNG tự ý uống thuốc, ngậm thuốc hạ huyết áp hay uống bất kỳ loại thuốc gì.

KHÔNG cạo gió, cắt lễ, bỏ chanh vào miệng người bệnh.

Có phải đột quỵ là tình trạng CẤP CỨU?

Đột quỵ không chỉ là cấp cứu mà còn là tình trạng CẤP CỨU KHẨN CẤP, thời gian được tính bằng GIÂY. 

Tại sao đột quỵ phải được xử trí KHẨN CẤP?

Trong đột quỵ Thời gian là Não.

Khi tắc một mạch máu lớn ở trong não, bệnh nhân có thể mất khoảng 2 triệu tế bào thần kinh mỗi phút trôi qua.

Trong đột quỵ 15 = 4.

Cứ mỗi 15 phút tiết kiệm:

– Giảm thêm 4% tỉ lệ tử vong.

– Giảm thêm 4% xuất huyết nội sọ có triệu chứng.

– Tăng thêm 4% bệnh nhân hồi phục hoàn toàn ở thời điểm xuất viện.

Theo ước tính, cứ mỗi 30 phút, một bệnh nhân đáng lẽ được cứu lại phải chết hoặc tàn phế bởi vì họ được đưa vào điều trị tại bệnh viện không phù hợp.

Như thế nào là bệnh viện không phù hợp?

Đó là bệnh viện không có đơn vị đột quỵ, không có đội ngũ bác sĩ có thể điều trị đột quỵ bằng thuốc tiêu sợi huyết hoặc/và can thiệp mạch.

Do đó, việc lựa chọn bệnh viện phù hợp có thể giúp bệnh nhân được điều trị tái thông mạch máu não và chăm sóc ở đơn vị đột quỵ.

Hiện nay có bao nhiêu trung tâm đột quỵ tại Việt Nam?

Hiện nay, tại Việt Nam đã có nhiều bệnh viện có trung tâm đột quỵ (gọi tắt là đơn vị đợt quỵ – ĐVĐQ). Theo thống kê, năm 2016 chỉ có khoảng 40 ĐVĐQ trên cả nước thì năm 2017 con số này là 44 và năm 2018 chúng ta đã thành lập được 60 ĐVĐQ. Mục tiêu là đến năm 2020 sẽ đạt được con số 100 đơn vị đột quỵ trên khắp cả nước.

Nên đưa bệnh nhân đột quỵ đến đâu?

Chúng ta đã xây dựng được bản đồ các cơ sở can thiệp điều trị đột quỵ cấp tính – bản đồ đột quỵ.

Và các đơn vị đột quỵ khác tại các khu vực lân cận trên khắp cả nước.

Tại sao phải đưa bệnh nhân đến bệnh viện đột quỵ càng nhanh càng tốt?

THỜI GIAN VÀNG trong điều trị đột quỵ thiếu máu não rất ngắn.

Hiện nay phương pháp can thiệp mạch máu não đã mở rộng cửa sổ điều trị lên đến 24 giờ. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ áp dụng được trên một số ít bệnh nhân nhập viện trễ và thoả các tiêu chuẩn về hình ảnh học.

Thuốc tiêu huyết khối là gì?

Thuốc tiêu huyết khối (rt-PA, Alteplase) là phương pháp hiệu quả nhất trong điều trị đột quỵ thiếu máu não cấp hiện nay trên thế giới. So với điều trị thông thường, có thêm 13% bệnh nhân đột quỵ trở về cuộc sống bình thường nếu được điều trị bằng phương pháp này. Tuy nhiên, thuốc chỉ có thể sử dụng ở những bệnh nhân nhập viện trước 4,5 giờ tính từ lúc khởi phát triệu chứng.

Vì vậy, việc ghi nhớ thời điểm xuất hiện triệu chứng đầu tiên của đột quỵ là rất quan trọng, giúp bác sĩ cấp cứu quyết định liệu pháp điều trị thích hợp.

Có nhiều người được chữa bằng thuốc tiêu huyết khối không?

Năm 2016 đã có khoảng 1200 bệnh nhân được sử dụng thuốc tiêu huyết khối. Con số này năm 2018 đã tăng lên hơn 4 lần, với khoảng 5000 bệnh nhân được dùng thuốc tiêu huyết khối để điều trị nhồi máu não cấp tính.

Với điều trị Alteplase đường tĩnh mạch, 100 bệnh nhân đột quỵ cấp sẽ có 39 bệnh nhân sẽ phục hồi hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn sau 3 tháng.

Tóm lại:

  1. Nhận biết sớm dấu hiệu của đột quỵ – FAST.
  2. NHANH CHÓNG đưa bệnh nhân tới BỆNH VIỆN THÍCH HỢP gần nhất.
  3. Trong đột quỵ THỜI GIAN LÀ NÃO.

BS Nguyễn Thanh Vân

BS CKII Nguyễn Quang Dũng

Khoa Cấp cứu BV Nguyễn Tri Phương

Nguồn; .tcsuckhoe.com