Phương pháp nào phù hợp để nuôi dạy một đứa trẻ cá tính?

Nuôi dạy một đứa con “cá tính” quả thực là trải nghiệm vô cùng thú vị đối với công việc làm cha mẹ. Khác với những đứa trẻ “dễ bảo” khác, trẻ cá tính thường có xu hướng thách thức các giới hạn mà cha mẹ đặt ra, chúng ngang bướng, hay gây chuyện, khó bảo, bất chấp, quậy phá, ngang ngược, hay chỉ đơn giản được gọi là “không thể chịu nổi”…

Chúng khiến người lớn cảm thấy khó chịu, làm đảo lộn cuộc sống, khiến không khí gia đình căng thẳng, thậm chí dẫn đến nguy cơ đổ vỡ. Có thể khẳng định rằng trẻ cá tính hoàn toàn bình thường, chúng không bị bất cứ tổn thương nào về não, rối loạn cảm xúc, hay khuyết tật gì (dù có thể có trường hợp đặc biệt)… nhưng các con thích thử nghiệm lâu hơn, thường xuyên hơn, chống đối ầm ĩ hơn, và phản kháng quyết liệt hơn.

Vậy phương pháp nào cho những trẻ cá tính này? Đó là thiết lập một giới hạn vừa Cứng rắn vừa Tôn trọng. Hay còn được gọi là phương pháp nuôi dạy con dân chủ, là phương pháp giải quyết vấn đề mà hai bên cùng có lợi, nó kết hợp sự cứng rắn với thái độ tôn trọng và thực hiện được tất cả các mục tiêu giáo dục cơ bản của bố mẹ.

Phương pháp này ngăn chặn hành vi sai trái, dạy trẻ chịu trách nhiệm và nó truyền đạt, theo cách rõ ràng nhất, những bài học cha mẹ muốn dạy trẻ về trách nhiệm, kỹ năng giải quyết vấn đề và giao tiếp tôn trọng.

Tuyệt vời hơn cả là phương pháp nuôi dạy con dân chủ này có hiệu quả với tất cả trẻ em, từ những trẻ vâng lời, đến những trẻ cá tính và những trẻ trung lập.

Trong phương pháp dân chủ, quá trình dạy và học thông qua sự hợp tác, không phải đối đầu. Cha mẹ có vai trò giảng dạy và hướng dẫn quá trình học tập tự nhiên. Qua cách đưa ra thông điệp rõ ràng bằng lời nói, khuyến khích trẻ hợp tác, dạy cho trẻ các kỹ năng và kiên quyết cho trẻ trải nghiệm các hậu quả có tác dụng giáo dục liên quan logic đến hành vi của trẻ.

Phương pháp nuôi dạy con dân chủ đặc biệt phù hợp với tính khí và cách tiếp thu của trẻ cá tính và trẻ trung lập. Khi được áp dụng nhất quán, nó dạy trẻ biết chú ý vào lời nói của bạn, đưa ra lựa chọn tốt hơn và hợp tác thường xuyên hơn.

Ví dụ về cách áp dụng kỷ luật dân chủ:

Tách các trẻ đang cãi nhau, đánh nhau hoặc mâu thuẫn nhau

Tạm thời cất đồ chơi khi trẻ sử dụng đồ chơi theo cách không thể chấp nhận được

Tắt ti-vi khi trẻ không chịu giảm âm lượng

Khuyến khích trẻ đưa ra lựa chọn hợp lý hơn

Cho trẻ thực hiện time-out khi trẻ có hành vi hung hăng hoặc gây tổn thương cho người khác

Công nhận sự hợp tác và đưa ra lựa chọn hợp lý của trẻ

Tạm thời loại bỏ một quyền lợi khi trẻ sử dụng sai hoặc lạm dụng đặc quyền đó

Tạm thời tách trẻ khỏi hoạt động khi gây rối

Bày tỏ sự tin tưởng vào năng lực của trẻ

Cho trẻ thực hiện time-out khi trẻ có hành vi chống đối

Cất quả bóng mà trẻ đang đá lung tung trong nhà

Dạy trẻ phải có trách nhiệm dọn dẹp đống lộn xộn mà trẻ bày ra

Lưu tâm tới sự hợp tác của trẻ và khen ngợi khi trẻ vâng lời

Bày tỏ tin tưởng rằng con có thể đưa ra lựa chọn hợp lý

Chấp nhận trẻ nhưng không chấp nhận hành vi sai trái của chúng

Tha thứ khi việc kỷ luật kết thúc

 

 

TGTD