Vì sao người trẻ bị đột quỵ ngày càng nhiều?

Ở các nước phát triển, việc tầm soát sức nghe ở trẻ sơ sinh là bắt buộc tại các cơ sở sản khoa, giúp phát hiện và can thiệp sớm các trẻ khiếm thính, nhằm giảm thiểu những hậu quả nặng nề về phát triển ngôn ngữ và khả năng hội nhập xã hội do việc phát hiện trễ. Tại Việt Nam chương trình này đã có tại một số bệnh viện sản khoa.

 Anh T.V.H., kỹ sư xây dựng – 38 tuổi, nhập viện sau té ngã trên đường khi đang điều khiển xe máy đi đón con sau giờ làm. Anh rất bất ngờ khi bác sĩ thông báo mình bị Đột quỵ. Bác sĩ giải thích đó là nguyên nhân khiến anh yếu nhẹ tay phải, đồng thời giảm phản xạ khi lái xe. Anh H. thấy tê, yếu nhẹ tay phải khoảng 2 ngày trước và anh chỉ nghĩ do mình làm việc quá sức, nhưng không ngờ…

Anh H. hút thuốc lá 1 gói mỗi ngày trong hơn 10 năm trước khi nhập viện. Các xét nghiệm tầm soát Đột quỵ ghi nhận anh bị xơ vữa động mạch gây hẹp nặng động mạch cảnh một bên. Bác sĩ đề nghị điều trị can thiệp mạch máu não bên hẹp để phòng ngừa đột quỵ tái phát trong tương lai, sau đó anh H. vẫn phải uống thuốc phòng ngừa suốt đời.

Giống anh H., nhiều người trẻ nghĩ mình thuộc nhóm an toàn đối với nguy cơ Đột quỵ. Nhiều người mặc định “Đột quỵ là bệnh của người già”.

 

Tỉ lệ đột quỵ người trẻ tăng đáng kể so với 20 năm trước…

Đột quỵ ở độ tuổi nào thì được gọi là Đột quỵ người trẻ? Thực ra vẫn chưa có tiêu chuẩn thống nhất tuyệt đối về định nghĩa “Đột quỵ người trẻ”, nhưng đa số các nghiên cứu về Đột quỵ người trẻ chọn độ tuổi dưới 45.

Theo thống kê, tỉ lệ đột quỵ thiếu máu não người trẻ toàn cầu cầu gia tăng đáng kể so với thập niên 80 (Bejot, et al., 2014; Kissela, et al., 2012; Rosengren, et al., 2013; Vangen-Lonne, et al., 2015).  Nguyên nhân chính xác gây tăng tỉ lệ đột quỵ vẫn chưa được xác định, nhưng nhiều yếu tố liên quan được đề cập như: nhận thức về bệnh đột quỵ tốt hơn cùng cải thiện phương tiện chẩn đoán giúp phát hiện nhiều bệnh nhân đột quỵ hơn, bên cạnh đó là tăng tỉ lệ bệnh nhân thừa cân và đái tháo đường, chế độ ăn thiếu lành mạnh và lối sống ít vận động.

 

Những yếu tố nguy cơ có thể gây đột quỵ người trẻ

Hầu hết người trẻ khá thờ ơ và phớt lờ các xét nghiệm tầm soát sức khỏe vì tin rằng không cần thiết ở độ tuổi của mình, như các xét nghiệm về cholesterol máu, đường huyết và huyết áp.

Thực tế, kết quả các nghiên cứu gần đây cho thấy các yếu tố nguy cơ đột quỵ kinh điển như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu và các bệnh lý tim mạch, vốn thường gặp ở độ tuổi trên 45, gần đây được ghi nhận xuất hiện thường hơn trên những bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi (Putaala, et al., 2012; Rolfs, et al., 2013; von Sarnowski, et al., 2013).

Bên cạnh đó là các yếu tố nguy cơ đột quỵ đặc thù đối với người trẻ như: sử dụng thuốc ngừa thai, thai kì, giai đoạn hậu sản, đau đầu migraine có tiền triệu, bệnh tim bẩm sinh, uống rượu, hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích, thừa cân…

Một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây đột quỵ thiếu máu não ở người trẻ là bóc tách động mạch vùng cổ, đôi khi tình trạng bóc tách có thể lan đến các động mạch trong sọ. Bóc tách động mạch chiếm khoảng 15-20% nguyên nhân gây đột quỵ trên nhóm bệnh nhân trẻ tuổi (Debette and Leys, 2009).

Các nguyên nhân khác có thể gây đột quỵ thường gặp hơn trên nhóm bệnh nhân trẻ tuổi so với nhóm trên 45 tuổi, như: viêm mạch hệ thống, Lupus đỏ hệ thống, bệnh hồng cầu hình liềm, các bệnh lý gây tăng đông máu liên quan gen, hội chứng Sneddon, bệnh Moyamoya, CADASIL, MELAS, dị dạng mạch máu não…

Các triệu chứng của đột quỵ có thể bị bỏ sót ở người trẻ vì nhiều lý do…

Đột quỵ là bệnh cần can thiệp khẩn cấp, đặc biệt trong cửa sổ vàng (tính từ thời điểm khởi bệnh) đối với điều trị bằng thuốc là dưới 4.5 giờ và can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ là dưới 6 giờ, trên những bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não. Do vậy việc phát hiện sớm đột quỵ là tối quan trọng.

Các dấu hiệu nhận biết đột quỵ được phổ biến trong cộng đồng gói gọn trong cụm chữ cái viết tắt theo tiếng Anh: FAST (Face, Arm, Speech, Time). Bao gồm các dấu hiệu: méo miệng, yếu nửa bên người, nói đớ hoặc nói khó. Khi phát hiện bất kì triệu chứng nào, hãy tranh thủ thời gian đến bệnh viện ngay. Tuy nhiên, không phải tất cả bệnh nhân đột quỵ đều có triệu chứng giống như các dấu hiệu kinh điển được phổ biến.

Trên những bệnh nhân đột quỵ lớn tuổi, thường ảnh hưởng các mạch máu lớn nên các triệu chứng đột quỵ có thể rõ ràng, như yếu nửa người, méo miệng… giúp việc nhận diện đột quỵ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, trên nhóm bệnh nhân trẻ tuổi, thường có khuynh hướng đột quỵ do tắc các mạch máu nhỏ hơn (liên quan sinh bệnh do tăng đông hoặc lấp mạch), nên triệu chứng biểu hiện có thể không rõ ràng, như chỉ tê nhẹ một phần cơ thể (như trường hợp của anh H.). Hoặc trong trường hợp bóc tách động mạch vùng cổ, triệu chứng biểu hiện ban đầu có thể chỉ là đau vùng cổ gáy.

Bệnh nhân trẻ tuổi đột quỵ với các triệu chứng không điển hình rất dễ bị bỏ sót vì hay gặp do nhiều nguyên nhân, như: tê chân/ tay do để sai tư thế khi ngủ hoặc khi ngồi lâu, đau cổ – vai do mỏi… Bệnh nhân không được chẩn đoán đột quỵ sớm thường đến bệnh viện khi tình trạng diễn tiến hoặc cho đến khi bị đột quỵ tái phát lần sau với triệu chứng nặng nề hơn và tất nhiên thường bỏ lỡ cửa sổ vàng điều trị của giai đoạn tối cấp.

Những bệnh nhân trẻ tuổi sẽ đối diện những khó khăn gì sau đột quỵ? 

Nhìn chung, những bệnh nhân đột quỵ trẻ có tỉ lệ tử vong do đột quỵ thấp hơn so với nhóm bệnh nhân đột quỵ lớn tuổi. Tuy nhiên, so với nhóm dân số chung ở cùng độ tuổi, những bệnh nhân đột quỵ trẻ có nguy cơ tử vong cao gấp 4 lần sau đột quỵ (Rutten-Jacobs, et al., 2013a).

Điều lạc quan là những bệnh nhân đột quỵ trẻ có tỉ lệ phục hồi chức năng tốt hơn và dự hậu tốt hơn so với những bệnh nhân lớn tuổi (Adunsky, et al., 1992; Hindfelt & Nilsson 1992; Marini, et al., 2001; Nedeltchev, et al., 2005, Black-Schaffer & Winston 2004).

Mặc dù vậy, những bệnh nhân đột quỵ trẻ còn sống phải đối diện với các khiếm khuyết về chức năng và nhận thức, dù ở mức độ nhất định, cũng làm thay đổi đáng kể cuộc sống của họ, trong một số trường hợp là thay đổi hoàn toàn. Ngoài ra, các biến chứng về tâm lý xã hội ảnh hưởng không chỉ bệnh nhân mà cả gia đình bệnh nhân. Việc mất việc làm, phải sống lệ thuộc vào sự chăm sóc của người thân, mất vai trò trong gia đình và trong xã hội… là những áp lực thường gặp, gây trầm cảm sau đột quỵ ở người trẻ.

Các biện pháp phòng ngừa đột quỵ

Không bao giờ là quá muộn để áp dụng các biện pháp phòng ngừa đột quỵ. Phòng ngừa đột quỵ dù ở bất kì độ tuổi nào nhìn chung cũng đều bao gồm các biện pháp sau:

Kiểm tra sức khỏe định kì hàng năm để phát hiện và điều trị kịp thời nếu có bất thường.

Tập thể dục thường xuyên và kiểm soát cân nặng.

Ăn chế độ ăn lành mạnh, có thể tham khảo chế độ ăn Địa Trung Hải (Mediterranean diet).

Tránh hút thuốc lá, không sử dụng các chất kích thích, hạn chế uống nhiều rượu – bia.

Thực tế những biện pháp phòng ngừa trên không mới và không khó thực hiện, nhưng lại rất dễ bị bỏ qua khi người trẻ quá bận rộn với công việc và những đam mê cần theo đuổi.

Hãy cứ tiếp tục sống hết mình nhưng không quên dành thời gian cho những kế hoạch chăm sóc sức khỏe bản thân. Vì không có sức khỏe, mọi vấn đề khác đều có thể trở nên vô nghĩa.

BS CKI Phạm Thị Ngọc Quyên

Nguồn: tcsuckhoe.com