TÁI CHẾ ĐỂ BỀN VỮNG

Công trình nhà hàng này đã xác lập quan điểm 3R rõ ràng trong thiết kế, xây dựng và sử dụng, đó là Reduce, Reuse, Recycle để giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế. 

Từ góc nhìn tổng thể, có thể thấy công trình là một “mảnh ghép” trong một mối quan hệ hữu cơ với những thành phần khác của công viên, khu phức hợp ăn uống, giải trí… đan xen, phối kết, hài hòa cùng nhau. Điều này thể hiện hiệu quả ý tưởng chung của chủ đầu tư: hướng đến cuộc sống xanh sạch, bền vững hơn cho cư dân. Công trình vì vậy không “nổi lên” trong khu vực riêng biệt của mình, không “làm đẹp”cho riêng mình, mà nhẹ nhàng đan cài, gìn giữ tương quan chặt chẽ với quy hoạch, hạ tầng, cảnh quan, rồi mới đến những sắp xếp kiến tạo bên trong.

Góc nhìn cận cảnh hơn đã khẳng định hướng đi tái chế để bền vững đã đem lại hiệu quả ra sao. Qua việc sử dụng các vật liệu tái chế và các không gian dịch vụ mang tính giáo dục-giải trí, nhà hàng như lát cắt thú vị dẫn dắt bước chân khám phá. Một mảnh vườn tự trồng tự ăn… Một sân chơi có mái uốn lượn kích thích trí tò mò, khám phá, trải nghiệm… Và cũng là một điểm dừng chân để thưởng thức ẩm thực và cảm nhận về môi trường thông qua chất liệu, ánh sáng, mảng khối. Tái chế trong xử lý không gian đã không bó hẹp ở cách dùng vật liệu, mà ở chừng mực nào đó, đã xác lập quan điểm 3R rõ ràng, cụ thể là Reduce, Reuse và Recycle để giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế. 

Những không gian gợi mở không gò bó. Những góc ngồi thư thả, mộc mạc. Những chất liệu gần gũi mà vẫn mới lạ qua cách “kể chuyện” có lớp lang, khúc chiết, giản dị. Tất cả có thể tìm thấy nơi đây, một ví dụ thú vị về mô hình kinh doanh kết hợp giải pháp kiến trúc hợp lý để hướng đến cộng đồng trong khu đô thị mới tràn đầy màu xanh cây cỏ…

Áp dụng chu trình sản xuất thực phẩm sinh thái, nhà hàng khai thác chính các thực phẩm hữu cơ trồng được tại vườn rau hay tái chế váng phô mai để pha chế thành đồ uống. Ý tưởng này còn được mở rộng và áp dụng vào không gian nhà hàng với việc sử dụng các vật liệu không sử dụng từ hoạt động của nhà hàng làm vật liệu trang trí nội thất. Ví dụ, sử dụng nhựa tái chế làm băng ghế và tủ; vỏ chai bia khi dùng hết làm họa tiết trên sàn hoàn thiện; gạch tái chế ốp tường; thép tái chế làm tay vịn; gỗ tái chế chịu bền từ gỗ thuyền làm cửa, bàn; khối bê tông để thử nghiệm nền móng được tái sử dụng làm lối đi trong khu vườn bên trong…

Phân ủ cho vườn cây lấy từ thực phẩm thừa của nhà hàng, rác thải được thu gom riêng biệt, sử dụng phân hữu cơ và các vườn cây bên ngoài là những sáng kiến ​​mang tính bền vững, giảm thiểu tác động môi trường. Vòng tuần hoàn sinh thái của nhà hàng còn mang tính giới thiệu, trải nghiệm và giáo dục cho khách về các hoạt động bền vững song hành với tận hưởng được các khoảng cây cối thiên nhiên.

Địa điểm công trình: Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương

Thiết kế: Takashi Niwa Architects

0120

Tổng thể ngát xanh và gắn kết chặt chẽ

0178

 Băng qua hồ nuôi các loại cá ăn được, thực khách được chào đón bằng một khung cảnh tự nhiên không ngăn cách

0202

 Những chất liệu thô mộc được tái chế làm nên diện mạo mới cho nội ngoại thất công trình

0260

Khoảng không gian giếng trời lớn lấy sáng tự nhiên và thay đổi theo các thời gian khác nhau trong ngày

0316

Hệ sinh thái xanh và lõi thông thoáng được bố trí đan xen ở khu vườn bên trong nhà hàng

0390

Không gian bao quanh bởi các vườn cây ăn quả (như chuối, khế, xoài, bưởi…) vừa tạo bóng mát, giúp thực khách thêm giao thoa với thiên nhiên lại vừa cho quả ăn

 

Nguồn: http://www.tcnhadep.com/tai-che-de-ben-vung/