Vì sao đừng ngồi quá lâu, đừng ăn quá ngọt

Theo kết quả thống kê hẳn hoi của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, con số nạn nhân tuy được tiếng mày râu nhưng tính lại cho cùng, tuy mày chưa rụng nhưng lại xụi râu!  Để đi tìm ẩn số, để tìm hiểu vì sao gừng chưa già nhưng hết … cay, Kim Ánh (KA) đã phỏng vấn Bác sĩ Lương Lễ Hoàng (LLH), thầy thuốc nhiều kinh nghiệm điều trị đàn ông “nói không được” bằng cách kết hợp Đông Tây Y.

KA: Có nguyên nhân nào nghiêm trọng khiến cánh đàn ông khi đến hẹn lại không … lên?

BS LLH: Sau nghi ngờ của thầy thuốc về mối liên hệ giữa chiếc quần jean quá chật khiến “cờ đến tay phất không nổi”, các nhà nghiên cứu ở đại học thể dục thể thao Cologne, CHLB Đức, đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ “trên biểu gần chết, dưới vẫn trơ trơ”, vì ai ngờ là do gia chủ ngồi quá lâu một chỗ.

KA: Có thật là vì ngồi quá lâu mà chuyện đó trục trặc?

BS LLH: Theo thầy thuốc ở thành phố nổi tiếng nhờ nước hoa 4711, nhiều ông thuộc nhóm “thổ địa trước máy vi tính” đang khổ sở vì cảm giác tê dại vùng hội âm. Khổ hơn nữa vì đến 3/4 trong số đó dần dần gặp rắc rối với chuyện phòng the đến độ bị nghi trước khi về nhà có ghé đâu đó ăn … phở. Đúng là nỗi oan tuy không làm nhưng vẫn chịu, vì vùng hồi âm bị thiếu máu do áp lực từ trên đè xuống qua tư thế ngồi quá bất động trước màn hình máy vi tính. Càng làm việc ngoài giờ, chỗ đó càng dễ nghẹt thở. Hậu quả tất nhiên dễ hiểu, vì một khi thiếu hơi thử hỏi làm sao cất đầu cho nổi! Khỏi nói thêm cũng biết, không ít nạn nhân đã gõ cửa thầy thuốc khắp nơi, cũng không thiếu người vét túi cho “phương ngoại gia truyền” nhưng để rồi tiền mất tật mang do không ngờ nguyên nhân nằm ngay dưới đó.

KA: Thế thì làm sao giải quyết chuyện này?

BS LLH: Giải pháp của chuyện phức tạp coi vậy mà thường khi tương đối đơn giản. Bác sĩ Hettich, chuyên gia tư vấn sức khỏe nam giới hàng đầu ở Đức, đã khuyên người có thói quen thích ngồi lâu lại ưa quần chật mấy điều như sau:

  • Cho dù có mê công việc cách mấy cũng đừng ngồi một lèo lâu hơn 90 phút.
  • Nghỉ giữa giờ càng nhiều càng tốt.
  • Đừng nghiêng ra phía màn hình vì càng chồm ra phía trước chỗ đó càng dễ thiếu máu. Kẹt chính ở chỗ, mấy ai ngồi lâu mà ngồi ngay cho được?
  • Thỉnh thoảng nhớ đứng lên nhón chân ít phút để vùng hội âm có dịp nghỉ xả hơi.
  • Nếu đã béo phì phải giảm cân cho bằng được để vừa thương mình, vừa thương chiếc … ghế.
  • Đừng chọn ghế ngồi loại quá cứng. Cứng gặp cứng bao giờ một bên sớm muộn phải … mềm.
  • Ngồi thoải mái trên ghế. Đừng ngồi ngay rìa của chiếc ghế rồi hỏi tạo sao chỗ đó không bị cấn?

KA: Tại sao thích ăn ngọt lại khiến chuyện đó kẹt xe?

BS LLH: Hình ảnh “stress nhân” rất dễ đói bụng, thậm chí “xấu nết” nếu không kịp ăn, là do ảnh hưởng của nội tiết tố corticosteroid của tuyến thượng thận sản sinh thừa thải trong tình huống stress. Một trong các “tác dụng phụ” của chất này là nội tiết tố nam tính testosteron bị phong bế hiệu năng. Tuy nạn nhân không một ngày biến thành Đông Phương Bất Bại, nhưng “chuyện đó” từ ham muốn cho đến thao tác, sớm muộn cũng thua đậm ngay trên sân nhà vì “nuôi ong tay áo” mà không biết.

KA: Trông mặt mà bắt hình dong. Có dấu hiệu nào của ngoại hình như triệu chứng báo động cho tình trạng “chưa đến giữa đường đã sút sên” của cua-rơ chưa đua đã thua?

BS LLH: Cũng do tác động của corticoid mà rối loạn biến dưỡng chất béo len lén vào nhà hồi nào không hay, nhất là khi gia chủ bình chân như vại trước máy vi tính, lại thêm ngủ ít. Khi đó, mỡ thừa tự động ký gửi dưới thành bụng khiến vòng số 2 nổi bật trong khi vòng số 1 và số 3 của nạn nhân thường khi xẹp lép do bắp thịt nhão nhoẹt. Ngoại hình này đã được thầy thuốc xem như “chân dung” của đàn ông ngã ngựa quá sớm khi đường đua còn dài.

KA: Có giải pháp nào khả thi hay đành phải chịu cảnh trớ trêu sợ món ngọt hơn sợ ma để hy vọng ta đây vẫn còn đường ăn thua?

BS LLH: Chuyên gia về “hội chứng mãn dục nam” đã khuyên đàn ông ráng tập vài chuyện không quá khó. Đó là:

  • Đừng ăn ngọt khi căng thẳng thần kinh. Kẹt lắm là trái cây khô vì tuy ngọt nhưng vẫn chưa hại bằng bánh kẹo chứa đầy đường cát, đường hóa học!
  • Tránh món vừa hưng phấn thần kinh vừa tăng đường huyết như cà-phê đá bỏ đường ngọt hơn chè.
  • Ăn vặt với miếng sô-cô-la, loại càng đen càng tốt, trước giờ cao điểm khoảng 1 giờ vì kẽm trong sôcôla là chất xúc tác cho cả 2 đều hài lòng.
  • Tập thiền trong giờ giải lao, thay vì chọn hình thức giải trí ăn thua đủ vì bao nhiêu đó stress của công việc đã quá đủ để sinh bệnh.

KA: Cảm ơn và xin hẹn gặp lại bác sĩ tháng sau.

BS Lương Lễ Hoàng

 

Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn