Theo Tiến sĩ Bùi Duy Tùng, giảng viên Kinh tế thuộc Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam, việc chuyển dịch theo hướng bền vững trong ngành dệt may không chỉ là xu hướng, mà là một yêu cầu bắt buộc.
Số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho thấy kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 18,6 tỉ đô la Mỹ trong nửa đầu năm 2023, giảm 17,6% so với cùng kỳ năm trước.
Hơn nữa, theo thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới, dệt may Việt Nam chiếm khoảng 5,7% thị phần toàn cầu, trong khi Bangladesh nhỉnh hơn với 6,5%, cho thấy đây là môi trường cạnh tranh khốc liệt, nơi các quốc gia khác cũng đang nỗ lực hết sức để gia tăng thị phần.
Ngành dệt may đang dịch chuyển theo hướng xanh hóa, tập trung mạnh vào sản xuất nguyên liệu thô từ các nguồn tái chế hoặc hữu cơ. Người tiêu dùng, các thương hiệu và cơ quan quản lý ngày càng yêu cầu các sản phẩm phải được sản xuất theo cách thân thiện với môi trường. Cú chuyển mình này đang thúc đẩy những thay đổi đáng kể trong ngành và các công ty không thích ứng kịp có nguy cơ bị tụt hậu.
Việc triển khai các hoạt động bền vững không chỉ nhằm đáp ứng những yêu cầu mới này mà còn giúp nắm bắt các cơ hội chiến lược như đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu, hiệu quả và tiết kiệm chi phí cũng như thu hút đầu tư.
Tiến sĩ Bùi Duy Tùng, giảng viên Kinh tế, Đại học RMIT Việt Nam
Để đáp ứng những yêu cầu kể trên, ngành dệt may Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ xanh, áp dụng các phương thức bền vững và đảm bảo tính minh bạch trong chuỗi cung ứng của họ. Cần hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan, bao gồm chính phủ, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng, để đảm bảo tiếp cận bền vững một cách toàn diện.
- Hỗ trợ tài chính và ưu đãi: Việc chuyển đổi theo hướng bền vững đòi hỏi cam kết tài chính đáng kể từ các doanh nghiệp. Để giảm bớt gánh nặng này và tạo điều kiện cho sự chuyển đổi xanh của ngành, chính phủ cần thiết lập các cơ chế hỗ trợ tài chính, bao gồm việc cấp tài trợ, cho vay lãi suất thấp và ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào những công nghệ bền vững và phương thức thân thiện với môi trường. Thông qua việc hỗ trợ tài chính, chính phủ có thể hướng đến mục tiêu làm cho tính bền vững trở thành lựa chọn khả thi và hấp dẫn cho nhiều doanh nghiệp trong ngành.
- Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển: Nhằm thúc đẩy việc phát triển các vật liệu và công nghệ bền vững mới, chính phủ cần hợp tác cùng các hiệp hội chuyên ngành để thực hiện các dự án nghiên cứu sáng tạo và đổi mới. Các dự án nghiên cứu tập trung vào những phương án thân thiện với môi trường sẽ có cơ hội nhận được tài trợ cao.
- Khuyến khích nhập khẩu công nghệ sạch: Nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi theo hướng bền vững, chính phủ nên khuyến khích nhập khẩu công nghệ sạch, công nghệ cao và công nghệ tái tạo. Điều này có thể thực hiện thông qua giảm thuế quan hoặc ưu đãi khác. Bằng cách nới lỏng việc mua lại các công nghệ bền vững tiên tiến, các doanh nghiệp sẽ có thể tiếp cận những công cụ thiết yếu cần thiết nhằm củng cố phương thức sản xuất thân thiện với môi trường.
- Phát triển các khu công nghiệp bền vững: Cần theo đuổi chiến lược xây dựng một số khu công nghiệp dệt may lớn với chính sách ưu đãi cho các dự án quy mô lớn của các nhà đầu tư uy tín, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, đảm bảo tuân thủ các quy định về môi trường. Những khu vực này cần có hệ thống xử lý nước thải phù hợp và phải tuân thủ tất cả các quy định về môi trường.
Ngành dệt may đang tập trung vào các phương pháp sản xuất bền vững và chuyển đổi số. Những chiến lược này không chỉ phù hợp với xu hướng bền vững toàn cầu mà còn cải thiện hiệu suất và giảm chi phí.
VITAS cần đảm nhận vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy cải tiến công nghệ của tất cả các doanh nghiệp dệt may trong nước nhằm đáp ứng tiêu chuẩn xanh của các quốc gia phát triển.
Đầu tiên, VITAS đại diện cho lợi ích của ngành dệt may Việt Nam và các doanh nghiệp thành viên. Họ có khả năng tương tác với các cơ quan chính phủ, tổ chức quốc tế và các đối tác liên quan để đưa ra các yêu cầu, thể hiện quan ngại và đề xuất giải pháp cho việc thay đổi công nghệ. VITAS còn đóng vai trò trong việc phổ biến thông tin, kỹ thuật, kinh nghiệm về các tiêu chuẩn xanh và thay đổi công nghệ đến các doanh nghiệp dệt may. Họ có thể tổ chức các phiên họp, hội thảo, đào tạo và tập huấn để cung cấp thông tin mới nhất, giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các yêu cầu và quy định.
Hơn nữa, VITAS cũng có thể hỗ trợ doanh nghiệp dệt may trong việc tiếp cận các nguồn tài chính và công nghệ cần thiết để chuyển đổi công nghệ thành công. Bằng cách hợp tác với các tổ chức tài trợ, ngân hàng và đối tác, VITAS có thể phát triển các chương trình tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp để họ có thể nắm bắt được các công nghệ tiên tiến.
Thêm vào đó, VITAS có thể tham gia đàm phán và tham vấn với các đối tác quốc tế và chính phủ. VITAS có tầm ảnh hưởng lớn đến việc ban hành chính sách và quy định, từ đó tạo ra môi trường thuận lợi cho những tiến bộ công nghệ và thực hiện các tiêu chuẩn xanh.
VITAS còn có năng lực tạo ra mạng lưới liên kết và hợp tác với các đối tác trong và ngoài ngành dệt may, bao gồm các nhà cung cấp nguyên liệu, nhà sản xuất công nghệ, tổ chức nghiên cứu và các hiệp hội khác. Việc trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm cho phép doanh nghiệp học hỏi lẫn nhau, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và và tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Gần đây, VITAS cũng đã đề xuất một chương trình phát triển bền vững, nhấn mạnh đến sự cần thiết của các chính sách hỗ trợ đặc biệt, chẳng hạn như giảm thuế và cơ chế tiếp cận vốn vay. Hỗ trợ từ chính phủ là vô cùng quan trọng cho phép doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ mới, máy móc và thiết bị cần thiết cho sản xuất bền vững.
Mặc dù đang phải đối mặt với nhiều thách thức đáng kể, việc các đối tác quốc tế ngày càng quan tâm cũng như khả năng thích ứng của ngành gần đây tăng cao cho thấy ngành dệt may vẫn còn cơ hội để vượt qua thách thức. Việc đa dạng hóa thị trường tập trung vào tính bền vững và sự hỗ trợ từ chính phủ có thể góp phần vào tiềm năng phục hồi và tăng trưởng trong xuất khẩu dệt may Việt Nam vào nửa cuối năm nay.
RMIT