Sách mới TWI: Bí quyết ẩn sau thành công của các siêu cường quốc

Cuốn sách “TWI: Bí quyết ẩn sau thành công của các siêu cường quốc” được biên soạn từ nghiên cứu của thầy Bùi Hồng Cẩm – nguyên Chủ tịch Hội TWI Việt Nam và từ quá trình nghiên cứu, huấn luyện TWI của tác giả Lê Thị Hoàng Anh, cùng các tài liệu TWI thế giới.

TWI là viết tắt của Training With Industry, nghĩa là đào tạo trong ngành, bên trong doanh nghiệp, bởi chính doanh nghiệp. Thông qua đào tạo TWI một cách có hệ thống cho toàn thể các cấp quản lý, nhân viên sản xuất và nhân viên phục vụ khác hàng mà chất lượng sản phẩm, dịch vụ sẽ tăng lên. Các rủi ro về an toàn, môi trường sẽ được ngăn ngừa. Các bí quyết tiết kiệm nguồn lực sẽ được thực hiện để mang lại năng suất lớn nhất cho tổ chức trong khi vẫn thoả mãn được các mong đợi của khách hàng.

TWI là chìa khoá phát triển nguồn nhân lực để doanh nghiệp vững vàng bước vào giai đoạn mới với xu hướng phát triển bền vững.

TWI không tập trung giải quyết vấn đề trước mắt mà chú trọng vào việc phát triển khả năng giải quyết các vấn đề khi chúng nảy sinh. Điều này có nghĩa là người gặp vấn đề (công nhân) và người có thể giúp đỡ cần thường xuyên làm việc với nhau. Do đó, hai người này chỉ có thể là nhân viên và người Giám sát trực tiếp. Kinh nghiệm cho thấy khi các Giám sát sử dụng các kỹ năng từ TWI để giải quyết các vấn đề sản xuất, họ tự nhiên đóng vai trò Huấn luyện và từ bỏ vai trò “Chỉ đạo và Kiểm soát – Command & Control” của một người sếp truyền thống và tạo ra môi trường học hỏi.

Trích đoạn sách:

TWI – Nền tảng phát triển con người và văn hóa doanh nghiệp

Giám sát viên tuyến đầu là những người hằng ngày chịu trách nhiệm với doanh nghiệp về: sản lượng – chất lượng – chi phí. nhưng ít ai biết rằng công việc của họ rất khó khăn và phức tạp vì họ luôn phải đối diện với sự thay đổi không chỉ từ bên trong doanh nghiệp (công nghệ, quy trình, tiêu chuẩn, sản phẩm mới, nhân viên mới, thăng tiến, thuyên chuyển,…) mà còn bên ngoài doanh nghiệp như: khách hàng, nhà cung cấp, đối tác, chính sách của nhà nước, địa phương, ngành nghề, nền kinh tế…

Một thực tế khác mà giám sát viên đối diện hằng ngày chính là các vấn đề trong sản xuất cụ thể như: sản lượng – chất lượng thấp, chi phí cao, Thời hạn sản xuất không được đáp ứng, năng suất và hiệu suất thấp, tỷ lệ phế liệu và làm lại cao, tỷ lệ hư hỏng thiết bị cao, tay nghề nhân viên không đồng đều, Khả năng đáp ứng công nghệ kém… trong khi đó, doanh nghiệp kỳ vọng: sản lượng cao – chất lượng cao – chi phí thấp – giao hàng nhanh.

Áp lực đó càng khiến các giám sát viên đứng trước nhiều trách thức và thực tế, họ chỉ có thể làm được điều này nếu có một đội ngũ nhân viên thạo việc. Một người giám sát giỏi là người sở hữu một đội ngũ nhân viên thành thạo công việc, thực hiện công việc cần hoàn thành khi cần hoàn thành, theo cách cần được làm bởi vì họ muốn làm. Vì thế, giám sát viên phải nhanh chóng học cách làm việc thông qua người khác. họ phải nhận thức được rằng họ chỉ có thể làm được việc với sự hợp tác và lòng trung thành của nhân viên.

Giám sát viên chỉ có thể hoàn thành công việc và trách nhiệm của mình thông qua nhân viên, đó là lý do vì sao họ cần phải có sự giao tiếp với người mà họ quản lý. họ cũng cần nhận biết rằng giữa giám sát và nhân viên luôn tồn tại một sợi dây vô hình hai chiều gọi là đường quan hệ công việc. Đường quan hệ công việc tốt tạo thành quả tốt, đường quan hệ công việc xấu tạo thành quả xấu. Và đó là lý do vì sao các giám sát cần xây dựng mối quan hệ với các nhân viên mà họ quản lý

 

Công ty CP Sách Thái Hà trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!