Họp mặt đầu năm Keieijuku Vietnam 2018: “Kinh doanh để phụng sự. Kinh doanh là tạo ra di sản

Buổi họp mặt đầu năm của Câu lạc bộ Keieijuku Vietnam vào tối 12/1 tại TPHCM với chủ đề “Giữ ngọn lửa nhiệt huyết Keieijuku – Chia sẻ thành công” đã truyền đi một thông điệp mạnh mẽ rằng: “Sứ mệnh người doanh nhân không chỉ là tìm kiếm lợi nhuận mà còn là để phụng sự đất nước, phụng sự xã hội và để lại di sản cho thế hệ mai sau” theo như tinh thần Nhật Bản mà mỗi học viên Kei đã tiếp thu.

Buổi họp mặt đầu năm 2018 (cuối năm Quý Dậu) của Keieijuku Vietnam được tổ chức trong không gian ấm cúng tại Quận 1 – TPHCM với hơn 60 khách mời gồm các học viên của Kei Club miền Nam, Kei miền Bắc và Kei Hải Phòng cùng các chuyên gia, giảng viên Nhật Bản, Việt Nam thuộc JICA (Trung tâm hợp tác quốc tế Nhật Bản) và VJCC (Viện Phát triển nguồn nhân lực Việt – Nhật).

Với tinh thần “Giữ ngọn lửa nhiệt huyết Keieijuku – Chia sẻ thành công”, buổi họp mặt vừa là nơi học viên các khoá của Kei Club được gặp gỡ giao lưu, bày tỏ những suy nghĩ trăn trở về con đường kinh doanh cũng như những bài học, kinh nghiệm đã đúc kết được sau quá trình áp dụng những gì đã học với các chuyên gia Nhật Bản.

Keieijuku Vietnam là khoá học kinh doanh và quản trị theo mô hình, phong cách Nhật Bản đã mở từ năm 2009 và cho đến nay đã đào tạo được 10 khoá với trên 400 học viên là các lãnh đạo, chủ doanh nghiệp Việt Nam có mong muốn học hỏi để mở rộng tầm nhìn, định hướng con đường, mục tiêu kinh doanh. Với nhu cầu tạo ra một cộng đồng Keieijuku có mối quan hệ thân tình để tương thân, giúp đỡ nhau trong kinh doanh và đoàn kết phát triển thành một tổ chức xã hội có uy tín, Keieijuku Vietnam đã cùng hẹn nhau tạo nên đêm hội ngộ đáng nhớ.

Các chuyên gia Nhật Bản trong ngày họp mặt

Chuyên gia Sasaki – Cố vấn trưởng JICA đã nói: “Thật vui và xúc động khi hôm nay được gặp lại nhiều anh chị học viên Kei. Thấy mỗi người tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi thật xúc động. Con đường kinh doanh của mỗi chúng ta có thể khác nhau nhưng điểm chung lại chúng ta hãy luôn nhớ và tâm niệm rằng hãy làm thật tốt cho đất nước của mình. Chúng ta sống đời sống hữu hạn nhưng chúng ta có thể tạo ra di sản được truyền lại nhiều đời, nhiều trăm năm. Chẳng hạn như tôi đã lớn tuổi rồi, có thể sau tôi không còn nhưng con cháu tôi có thể hợp tác với các bạn hay con cháu các bạn trên những cơ sở mà chúng ta đã làm được hôm nay”.

Nói về thực tiễn lao động và sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, chuyên gia Sasaki cũng thẳng thắn: “Vừa qua có báo cáo cho thấy năng suất lao động của người Việt chỉ bằng 7% người Singapore và bằng 18% người Malaysia. Đây là con số rất đáng suy nghĩ. Tôi mong đợi Việt Nam sẽ thay đổi được thực tế này và trước hết là tôi mong mỏi ở các hội viên Keieijuku. Các bạn sẽ làm người tiên phong, làm đầu tàu để thay đổi câu chuyện này càng sớm càng tốt. Tôi rất trông đợi và mong đợi thấy được nhiều thay đổi từ chính các Keier”

Ông Vũ Tiến Công – Giám đốc Công ty Inox Hoàng Vũ

Sau phần phát biểu của ông Sasaki, đại diện Kei miền Bắc, Ông Vũ Tiến Công – Giám đốc Công ty Inox Hoàng Vũ đã chia sẻ những điều học được cũng như từ việc quan sát thực tế ở chuyến đi Nhật: “Trước đây trong công xưởng, nhà máy chúng tôi chỉ chú ý đến việc sản xuất càng nhiều càng tốt. Sau này đi học về mới thấy tại Nhật Bản rất chú trọng không gian sản xuất, bố trí để tối ưu hoá không gian. Đem vào áp dụng lại nhà máy, sau thời gian ngắn công ty tôi đã tạo ra không gian thoáng đãng hơn rất nhiều dù cũng diện tích đó. Nhờ vậy việc vận chuyển các công đoạn, sắp xếp sản phẩm hoàn thiện cho đến lưu kho đều ngăn nắp gọn gàng hơn rất nhiều nên đã tiết kiệm chi phí, thời gian vận chuyển, sắp xếp nên năng suất tăng do mọi thứ đều làm nhanh hơn do không gian thoáng hơn, bố trí khoa học hơn”.

Đại diện Kei miền Nam, Anh Nguyễn Bảo Huân phát biểu: “Cái chính khi học xong lớp Keieijuku là giúp tôi thay đổi về suy nghĩ, tầm nhìn. Lâu nay mình quản trị theo lý tính, cứng nhắc mà quên đi những trăn trở, suy nghĩ của nhân viên. Điều ấy, vô hình chung đã không tạo nên sự tin tưởng hay lòng nhiệt huyết ở nhân viên, không thúc đẩy được nhân viên phát triển, gắn bó. Từ khi học Kei năm 2014 cho đến năm 2017 là 3 năm dù công ty vẫn giữ nguyên nhân sự khoảng 30 người nhưng doanh số thì đã tăng lên gấp 8 lần. Tôi nghĩ mình đã thay đổi được năng suất làm việc tốt hơn thay cho việc mở rộng nhân sự lớn ra”.

Bà Trần Thị Thu Trang – Chủ tịch Keieijuku Vietnam chia sẻ 

Trong vấn đề định hướng phát triển, Bà Trần Thị Thu Trang – Chủ tịch Keieijuku Vietnam: “Điều lớn nhất mà mỗi học viên Kei cũng như tôi khi học ở người Nhật là tinh thần phụng sự đất nước. Kinh doanh không phải chỉ để tìm kiếm lợi nhuận cho mình, doanh nghiệp mình mà người Nhật làm gì đều nghĩ đến lợi ích đất nước trước, việc làm của mình có tốt cho xã hội cho cộng đồng hay không rồi mới nghĩ đến lợi ích doanh nghiệp, cổ đông. Chính vì vậy mà trách nhiệm của doanh nghiệp rất lớn, động lực rất mạnh mẽ nên họ tạo ra được di sản kế thừa qua nhiều thế hệ. Chúng ta rất thấm bài học này khi tham gia Keieijuku nên khi làm gì cũng suy nghĩ làm sao phải hướng đến xã hội, cộng đồng rồi thì cái chúng ta nhận lại được là tất yếu. Chúng ta cũng có niềm tin mạnh mẽ rằng việc chúng ta làm sẽ góp phần nhỏ để giúp đất nước ta chuyển biến, phát triển”.

Chị Thái Thu Đào – Học viên Kei 7, CEO Công ty Mắt Đỏ chia sẻ cảm nhận trong ngày họp mặt

Buổi họp mặt Keieijuku Vietnam đầu năm 2018 không thể không nhắc vai trò của Chị Thái Thu Đào – Học viên Kei 7, CEO Công ty Mắt Đỏ, đơn vị đã đứng ra đảm nhiệm vai trò tổ chức đêm họp mặt. Chị Thái Thu Đào phát biểu: “Chúng tôi được học rất nhiều và rất thấm về chữ Tâm và Tầm của người quản lý, người kinh doanh trong quá trình tham gia khoá Keieijuku. Đường hướng kinh doanh, ngành nghề của mỗi người khác nhau nhưng tinh thần cống hiến và tinh thần phụng sự xã hội luôn được chúng tôi tự nhắc nhở với nhau. Để giữ được tinh thần Keieijuku để truyền được ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết thì phải tạo nên một cộng đồng thì sức mạnh mỗi cá thể được liên kết lại, sức lan toả được nhân rộng ra. Tôi hy vọng tương lại Keieijuku Vietnam sẽ là một tổ chức có uy tín, có ảnh hưởng tích cực đến môi trường kinh doanh ở Việt Nam và cũng là cầu nối hữu hảo với các doanh nghiệp Nhật Bản, truyền đạt được tinh thần, triết lý thành công đáng ngưỡng mộ của đất nước, con người Nhật”.

Ngọn lửa Keieijuku đã tạo được nơi các doanh nhân Việt Nam có thể không ồn ã hay sôi động như những phong trào được quảng bá nhưng thật sự những gì Keieijuku mang lại đi tận vào tư duy, thay đổi rất lớn về ý niệm, con đường lẫn triết lý hành động của các nhà quản trị, chủ doanh nghiệp. Mà sự thay đổi từ những con người đang đảm nhiệm vai trò lãnh đạo bao giờ cũng tạo nên sức mạnh lớn lao cho cộng đồng. 9 năm một chặng đường Keieijuku chưa gọi là dài nhưng cũng đủ tạo ra sự thay đổi tích cực trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

 

Đăng Đăng

 

 

*Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media