Ảnh hưởng của rượu từ cha mẹ lên sức khỏe thai nhi

Trong văn hóa truyền thống Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng thì rượu, bia dường như không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết, ăn mừng một sự kiện nào đó. Theo thống kê tại Việt Nam năm 2008, tỷ lệ có sử dụng rượu bia là 79,9% đối với nam giới và 36,5% đối với nữ giới, trong đó có 60,5% nam giới và 22% nữ giới cho biết đã từng say rượu bia. Không chỉ gây tác hại trực tiếp với người sử dụng, việc uống rượu bia của người bố, người mẹ còn gây ảnh hưởng trực tiếp lên chính thai nhi. 

Đến nay chưa có chứng cứ khoa học nào tìm ra ngưỡng uống rượu bao nhiêu là an toàn đối với sức khỏe con người. Nhưng ngược lại các bằng chứng khoa học cho thấy, dù tiêu thụ một lượng nhỏ rượu cũng làm tăng tỷ lệ ung thư một số bệnh như vú, hầu họng, thực quản, dạ dày, gan, đại trực tràng… so với những người không uống rượu, nguy cơ này cũng tăng theo lượng rượu uống vào. Rượu khi vào cơ thể sẽ bào mòn niêm mạc các cơ quan nó đi qua của hệ tiêu hóa, sau đó chuyển hóa ở gan gây hủy hoại tế bào gan như xơ gan, ung thư gan, tác động lên hệ tim mạch gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tác động lên hệ thần kinh trung ương gây rối loạn tinh thần, mất trí nhớ, mất đồng bộ vận động và run.

Không chỉ gây tác hại trực tiếp với người sử dụng, việc uống rượu bia của người bố, người mẹ còn gây ảnh hưởng trực tiếp lên chính thai nhi. Rượu có thể gây phá hủy DNA của tinh trùng, giảm sản xuất tinh trùng và bất thường xuất tinh ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng, thụ thai dẫn đến nguy cơ vô sinh cũng như thụ thai kém chất lượng, bất thường gen của hợp tử. Chính vì vậy, bác sĩ thường khuyên không nên uống rượu ở thời điểm thụ thai, cũng như nên kiêng hẳn bia rượu khi vợ chồng lên kế hoạch có con. Rượu có thể qua bánh nhau đến thai nhi một cách trực tiếp và tác hại đến thai. Nếu mẹ uống bao nhiêu rượu thì trong máu thai nhi cũng sẽ có lượng tương đương bấy nhiêu.

 

Rượu còn là tác nhân gây dị tật thai như tại ống thần kinh, tổn thương tim, gan, thận và não thai hơn cả tác hại của ma túy và thuốc lá. Dưới tác hại của rượu trong thai kỳ, trẻ sinh ra sẽ có hàng hoạt các rối loạn hành vi, tăng động, chậm phát triển tâm thần, vận động, trí nhớ, giảm IQ, giảm tập trung, giảm cảm xúc, giao tiếp kém. Tương lai trẻ sau này có di chứng của rượu, ảnh hưởng sức khỏe thể chất và tâm thần, khả năng giao tiếp xã hội kém, khó giữ được việc làm, trẻ sẽ có gương mặt điển hình do tiếp xúc rượu lâu ngày từ trong thai kỳ.

 

Người uống một lúc lượng lớn bia, rượu có thể bị ngộ độc rượu, nguy hiểm đến tính mạng. Nếu uống lâu dài sẽ thành nghiện rượu do tính chất gây nghiện và gây phụ thuộc của rượu nên rất khó từ bỏ. Chưa kể nghiện rượu còn là nguyên nhân gia tăng tệ nạn xã hội, bạo hành gia đình.

Thai nhi cũng có thể bị ngộ độc rượu ngay khi trong bụng mẹ, gây hậu quả nghiêm trọng như sảy thai, thai lưu, thai chậm tăng trưởng, sanh non. Tất cả phụ nữ có kế hoạch chuẩn bị mang thai hoặc đang mang thai tuyệt đối không dùng bia, rượu dù bất cứ lượng rượu như thế nào đều không an toàn cho thai nhi.

Bộ Y Tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) đều có khuyến cáo: Mỗi ngày nam giới không nên uống quá hai đơn vị cồn, nữ không nên quá một đơn vị và không uống quá năm ngày trong một tuần.

Như vậy, để bảo vệ sức khỏe tốt nhất là không nên uống rượu bia. Nếu uống, nên cân nhắc và uống đúng liều lượng để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân cũng như thai nhi.

 

Các lời khuyên để việc uống rượu, bia không tăng thêm nguy hiểm cho bản thân

  • Trước khi uống rượu nên uống nước lọc và uống từ từ, chậm rãi, ngụm nhỏ để giảm kích ứng niêm mạc miệng, giúp dạ dày và gan có thời gian kịp oxy hóa rượu, giảm nguy cơ ngộ độc rượu.
  • Nên ăn kèm rau xanh, protein để chậm hấp thu rượu vào máu.
  • Không nên uống rượu lúc bụng đói vì có thể gây loét, xuất huyết dạ dày.
  • Không nên uống rượu với loại thức uống có cồn khác làm rượu càng nhanh thấm vào máu gây nguy cơ say hoặc ngộ độc rượu, khả năng gây xuất huyết dạ dày nhiều hơn.
  • Khi uống Aspirin cần uống cách xa rượu ít nhất 24 tiếng để tránh nguy cơ xuất huyết tiêu hóa nặng.
  • Tuyệt đối không uống rượu chung caffeine vì có thể gây sốc độc tố nguy cơ tử vong.

ThS. BS Nguyễn Thị Thanh Tâm

Phòng khám đa khoa SIM Medical Center

 

Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn

http://www.khoe24h.vn/anh-huong-cua-ruou-tu-cha-len-suc-khoe-thai-nhi/