Đang ngoáy tai bằng tăm nhang, cháu ngoại thình lình ôm chầm khiến tăm nhang gãy và kẹt trong tai phải nhiều tháng liền, làm cụ ông 73 tuổi ở Long An bị nhiễm trùng nặng.Trị ngứa tai bằng… tăm nhang, cụ ông suýt điếc
Hôm 19/6, tin từ BV Tai Mũi Họng TP.HCM cho hay vừa xử trí thành công trường hợp nhiễm trùng tai vô cùng nặng nề và… hi hữu.
Qua khai thác bệnh sử, cụ ông T.V.S (trú tỉnh Long An) nói với BS rằng “cứ ngứa tai là dùng tăm nhang chọc, ngoáy cho đã ngứa”.
Tuy nhiên, cách đây nhiều tháng, trong lúc “phê” ngoáy tai với tăm nhang thì cháu ngoại cụ S ào tới ôm chầm. Hậu quả là tăm nhang vừa chọc thẳng vào tai vừa gãy ngang.
BS Thái Hữu Dũng đang kiểm tra tai của cụ S sau phẫu thuật.
Cụ S cứ thế mà “sống cùng tăm nhang” trong tai phải của mình vì “có đi mấy nơi khám mà hổng thấy gì lạ cả”, theo lời cụ ông 73 tuổi.
Lý do mà cụ S phải tìm đến BV Tai Mũi Họng vì tình trạng nhiễm trùng quá nặng, tai phải sưng to và đau nhức. “Khoảng một tháng nay, phía trước và phía sau tai phải sưng nhiều và chảy dịch hôi”-cụ S thông báo với BS.
Các chuyên gia BV Tai Mũi Họng đã phát hiện cụ S mắc chứng bẩm sinh “lỗ rò luân nhĩ xuyên tai bên phải”. Vì vậy, sau khi cụ S được điều trị giúp ổn định tình trạng nhiễm trùng, các chuyên gia quyết định phẫu thuật “lấy đường rò luân nhĩ”.
Tuy nhiên, trong quá trình phẫu thuật, các chuyên gia bất ngờ phát hiện đoạn tăm nhang dài khoảng 2cm.
“Bệnh nhân S có đường rò luân nhĩ xuyên từ trước ra sau vành tai phải. Đoạn tăm nhang bị gãy cắm thẳng vào đường rò khiến dịch tiết của tai không thoát ra được qua lỗ rò ở phía trước, ứ lại và thoát ra ở lỗ rò sau vành tai. Đây cũng là nguyên nhân gây nhiễm trùng”, BS Thái Hữu Dũng, người trực tiếp điều trị cho cụ S giải thích.
Theo chuyên gia BV Tai Mũi Họng, rò luân nhĩ là vùng trước vành tai có một lỗ nhỏ. Đây là một dị tật bẩm sinh do khiếm khuyết hay sự hợp nhất không hoàn toàn trong quá trình phôi thai.
“Tai con người có cơ chế tự động làm sạch bởi dịch tiết và hệ thống lông mao li ti bên trong. Vì vậy, trừ khi có bệnh lý về tai phải vệ sinh đúng cách tại cơ sở y tế có chuyên khoa Tai, mọi người không nên đưa bất kỳ dị vật nào vào tai để chọc ngoáy. Trong trường hợp bị ngứa tai, chỉ cần đè mạnh vành tai nhiều lần cho giảm ngứa. Đưa dị vật vào tai là chuyện hoàn toàn không nên làm, kể cả tăm bông chứ đừng nói là tăm nhang”-chuyên gia BV Tai Mũi Họng khuyến cáo.
Mimosa Nguyễn