10 chia sẻ giá trị của CEO MindX Nguyễn Thanh Tùng trong sách “”Ước vọng về quốc gia lập trình”

Tác giả Nguyễn Thanh Tùng, Đồng sáng lập và CEO, MindX. Nguyễn Thanh Tùng ngừng học ở một trường đại học về kỹ thuật ở tuổi 19, sau đó rẽ ngang sang lĩnh vực công nghệ. Anh từng có thời gian làm việc tại FPT Software và có cơ hội tham gia nhiều dự án phát triển phần mềm tại châu Âu và Mỹ. Anh cũng là đồng sáng lập của dự án khởi nghiệp phi lợi nhuận Techkids (tiền thân của MindX). Giữa năm 2023, anh ra mắt cuốn sách đầu tay “Ước vọng về quốc gia lập trình: Từ tiếng Anh đến tiếng Code”.

Trong cuốn sách, tác giả cũng chia sẻ những bước đi và thành quả đạt được trên con đường hiện thực hóa ước vọng về quốc gia lập trình: triển khai chương trình dạy tin học phối hợp với VTV7, trở thành đối tác chiến lược bảo trợ quỹ Code for Vietnam, đối tác triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 (giai đoạn 2022-2025)”… Startup của anh và đồng sự đã và đang trở thành một cộng đồng tương hỗ khích lệ tinh thần “sai & sửa sai” nơi thế hệ trẻ. Những gì họ đã và đang làm không chỉ giới hạn ở doanh nghiệp mình mà còn hướng đến cộng đồng, quốc gia. Mỗi startup nên và cần là một mảnh ghép trong chiến lược cạnh tranh quốc gia.

Dưới đây là 10 chia sẻ giá trị, tâm huyết của anh trong trong sách:

  1. “Ở nước Mỹ là có cả thế giới. Tắt đồng hồ báo thức (làm từ Trung Quốc), đợi máy nướng bánh (làm từ Pháp), mặc áo sơ mi (may tại quê Tùng đấy), và đi giày thể thao (làm từ Malaysia); cạo râu bằng bàn cạo điện (làm từ quê tôi) rồi nhảy lên chiếc xe (làm từ Nhật) và đổ đầy xăng (nhập từ Trung Đông) để đến công ty Mỹ với một chiếc máy tính (hơn 70% linh kiện làm từ Đài Loan). Chào ngày mới bằng một cuộc họp trực tuyến với giám đốc chi nhánh người Brazil bằng màn hình hội thảo Samsung (làm từ Hàn Quốc).
    Thế nhưng có ai nhớ đến các quốc gia trên. Không!
    Người Ấn Độ thành công nhất trên đất Mỹ vì chúng tôi không xuất khẩu sản phẩm, chúng tôi xuất khẩu con người. Không phải một cá nhân mà là cả một đội ngũ.”
  2. Không phải ngẫu nhiên mà khẩu hiệu (slogan) của công ty Google – ông trùm của ngành tìm kiếm thông tin trực tuyến – những ngày đầu là “Không làm điều ác” (Don’t be evil). Là người kiểm soát và phân phối thông tin trên hệ thống mạng (network), lập trình viên nắm trong tay công cụ để làm thiên thần hoặc ác quỷ.
  3. Một kinh nghiệm được lưu truyền trong giới khởi nghiệp là nếu muốn thất bại nhanh thì khởi nghiệp cùng bạn thân hoặc người yêu. Kinh nghiệm này ít nhiều mang tính hài hước nhưng cũng có cơ sở nhất định: thành phần của các sáng lập viên càng đa dạng thì khả năng sáng tạo của công ty càng lớn.
  4. Kinh nghiệm thành công của người đi trước chỉ mang tính truyền cảm hứng và tham khảo, còn một sản phẩm khởi nghiệp cụ thể phải dựa trên những vấn đề riêng mà nó muốn giải quyết. Rất nhiều yếu tố cần phải tính toán chặt chẽ: thói quen người dùng, độ rộng của thị trường, khả năng phân phối sản phẩm, mô hình kinh doanh, quản trị nhân sự… Không thể dùng cái hay, cái lý tưởng của cá nhân kỹ sư phần mềm để áp đặt lên sản phẩm khởi nghiệp.
  5. Cứ tận tâm cố gắng là được, mình hay dở ra sao người ta biết hết.
  6. Các kiến thức tin học ở trường rất đúng, rất cần thiết, nhưng nó thiếu sự nhiệt huyết, thiếu sự thấu hiểu đời sống tinh thần của người trẻ. Đã qua rồi cái thời chúng ta hết “Tìm X” trong sách toán nâng cao, trong các bài thí nghiệm tưởng tượng, rồi lại lập trình để “Tìm X” và thấy “học giỏi” khi tìm thấy X là một dãy số vô hồn.
    Người trẻ học lập trình cần thấy ngay sức mạnh của lập trình đã tạo ra những trò chơi điện tử hấp dẫn, đã hỗ trợ đời sống cá nhân, đã giải quyết các vấn đề xã hội, đã thúc đẩy các tổ chức hợp tác cùng nhau. Khi thấy cả một chân trời mới mời gọi như vậy, người trẻ sẽ kiên tâm dấn thân để học tập đến cùng trong lĩnh vực công nghệ (hoặc các lĩnh vực có liên quan). Gợi cảm hứng và duy trì đam mê là tiêu chuẩn cao nhất và quan trọng nhất của các cơ sở giáo dục nói chung và cơ sở giáo dục lập trình nói riêng.
  7. Môi trường sống và làm việc có độ cởi mở cao là nền tảng cho sự thành công vượt trội. Một môi trường cởi mở, tạo điều kiện cho phép người trẻ theo đuổi những tham vọng cá nhân là tiền đề cơ bản để hình thành nên những thành công vượt trội sau này.
  8. Cho phép trẻ trải nghiệm nghề nghiệp càng sớm càng tốt. Bắt đầu chậm giờ nào, ngày nào, là bạn lại xa vạch đích hơn một chút.
  9. Đứa trẻ 12 tuổi nào cũng nghịch ngợm, sáng tạo và theo đuổi một điều gì đó. Nhưng giữ vững những cảm xúc ban đầu ấy, duy trì nó trong những năm kế tiếp và biến đó thành nền tảng tri thức và nghề nghiệp vững vàng thì lại là một công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn và bài bản của người làm giáo dục.
  10. Việc học, nhất là với lập trình, không đóng băng ở cấp học, mà đóng băng khi người lớn không đặt niềm tin vào ước mơ được sáng tạo của trẻ em trong kỷ nguyên công nghệ số.

 

Helen Trần