Vì sao viêm xoang lâu lành?!

Cứ xem số bệnh nhân quá tải ở các bệnh viện tai mũi họng thì biết ngay viêm xoang đang tung hoành thế nào ở xứ mình. Đáng nói là thống kê hồ sơ khám sức khỏe định kỳ của 1000 đối tượng trong độ tuổi 30 – 60 ở Tp. HCM cho thấy, không dưới 70% là nạn nhân của tình trạng sáng sớm chảy nước mũi, trong ngày át-xì ngay lúc cần nghiêm trang, tối về nghẹt mũi thấy món ăn ngon mà không nghe mùi thơm! Hơn phân nửa trong số đó đã được chẩn đoán và điều trị như viêm xoang, thậm chí ngày này qua tháng khác với nhiều loại kháng sinh đời mới, cho dù không phát hiện yếu tố bội nhiễm. 

Có hai điều chắc chắn khi bàn về chuyện trước viêm mũi dị ứng, sau thành viêm xoang. Trước hết, số “khách hàng tiềm năng” chắc chắn sẽ tiếp tục tăng vì môi trường không ngừng ô nhiễm và vì sức đề kháng liên tục bị đục khoét. Kế đến, tuy không thiếu thuốc kháng sinh, kháng viêm theo kiểu đánh nhanh đánh mạnh, nhưng con đường từ viêm mũi dị ứng bước sang viêm xoang mãn tính lại càng lúc càng ngắn vì nhiều người vẫn tưởng hễ đúng thuốc thì bệnh phải lùi. Trên thực tế, bệnh đúng là có lùi nhưng thường chỉ lui vài bước rồi lại thừa cơ lấn tới, với khuynh hướng càng lúc càng nhanh, càng nặng, càng thường. Đó là chưa kể trường hợp “bị” nhồi thuốc kháng sinh dù là viêm xoang không do bội nhiễm.

Lý do rất đơn giản. Cho dù có nuốt cả lố thuốc kháng sinh, kháng viêm, thuốc chống xuất tiết dù thuộc đời mới toanh, nhưng nếu đàm nhớt đóng chặt hơn keo dán sắt thì có uống thuốc bao nhiêu cũng bằng không. Chính vì thế mà phải thông đường vào xoang, đồng thời loãng đàm để tiếp tay cho thuốc. Cũng chính vì thế mà vị thuốc “đầu tiên”, nhưng không cần “tiền đâu” trong bệnh tai mũi họng không là thuốc mà là nước. Thiếu nước thì niêm mạc khô, đàm nhớt khi đó khó thải vì khô cứng, bệnh nguyên từ vi khuẩn cho đến nấm mốc nhờ đó núp kín trong vùng hầu họng niêm mạc đường hô hấp. Xoang khi đó không viêm mới lạ!

Người bệnh viêm xoang vì thế cần uống 2,5, hay 3 lít nước trong ngày càng tốt. Nước lã cũng được, nước khoáng càng hay. Khéo hơn nữa, nếu khoảng 1/3 lượng nước uống là trà cúc hoa, cam thảo, rau má, atisô hay râu bắp để qua đó vừa long đàm, vừa giải độc cho cơ thể. Đáng nói, theo kết quả thống kê được thực hiện với 500 doanh nhân đã vướng viêm xoang ở Tp. HCM, nơi cây xanh càng lúc càng hiếm thấy, cho thấy không đến 10% bệnh nhân uống đủ 2 lít nước trong ngày!

Chuyện nhỏ xé ra to còn vì 3/4 trong số nạn nhân chưa hề chủ động áp dụng một số biện pháp rất đơn giản để trợ lực viên thuốc như:

  • Dùng thuốc kẽm ngay khi ghi nhận dấu hiệu ngứa cổ, nhảy mũi, đau đầu… để hỗ trợ sức kháng bệnh vì thiếu kẽm là cái chắc trong cuộc sống tất bật.

  • Xông hơi cổ họng và mũi bằng nước ấm pha tinh dầu cây thuốc, có tác dụng vừa kháng viêm vừa long đàm như tràm, bạch đàn, khuynh diệp, húng chanh, gừng… Không cần lâu hơn 10 phút, buổi tối càng hay và nhất là đừng quên uống ngay 300 – 500 ml nước sau khi xông hơi để bù trừ lượng nước thất thoát khi đổ nước mắt nước mũi, dù không có gì thương tiếc.
  • Ngâm chân trong nước ấm hay hơ ấm lòng bàn chân bằng máy sấy tóc hay đèn hồng ngoại. Nên nhớ cảm giác lạnh ở lòng bàn chân là kích ứng gây viêm ở niêm mạc vùng xoang và hầu họng. Bội nhiễm khi đó thừa nước đục thả câu.

Bên cạnh đó cần lưu ý hai chuyện khiến lỗ nhỏ xíu đắm thuyền lớn:

  • Tập thói quen dùng đầu ngón tay đẩy đầu mũi lên cao khi hỉ mũi để nước mũi dễ được bài tiết ra ngoài, thay vì cúi đầu quá thấp và hỉ mũi thật mạnh với ý định tống đàm nhớt nhưng để rồi chỉ tăng áp lực trong hầu họng và xoang khiến chất tiết bị đẩy ngược vào trong.
  • Đừng lạm dụng thuốc nhỏ mũi. Thuốc có thể có hiệu quả trước mắt, nhưng sau đó càng dùng thuốc niêm mạc càng dễ khô. Thay vì thế nên rữa mũi vài lần trong ngày bằng nước muối sinh lý.

Nói có sách không bằng mách có chứng. Kết quả nghiên cứu cho thấy tần suất và cường độ viêm mũi dị ứng giảm thấy rõ ở 80% số người đã áp dụng các biện pháp nêu trên. Nếu không dứt nổi bệnh vì môi trường bên ngoài đua nhau ô nhiễm, chỉ còn cách chuẩn bị trận địa bên trong để bệnh nếu đến cứ đến nhưng rồi khoác áo ra đi cho sớm.

BS Lương Lễ Hoàng

Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn

Nguồn: http://www.khoe24h.vn/vi-sao-viem-xoang-lau-lanh/