Rượu – Nhân sâm và vòng đời

Từ lâu, rượu đã trở thành một nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà thơ, nhà văn trên thế giới – nói chung và Việt Nam – nói riêng. Không chỉ là nét văn hóa, Rượu vừa là thức uống thực phẩm, vừa là một dung môi trong chiết xuất các hoạt chất, vừa là một tá dược trong bào chế dược liệu dùng làm thuốc của Đông y. Nếu Rượu phát triển cùng với văn minh nhân loại, thì Nhân sâm là một dược liệu quý, đứng đầu bảng thượng phẩm thuốc bổ và thuốc điều trị của Đông y. Và với quy luật Sinh – Lão – Bệnh – Tử, câu hỏi cũng là mong mỏi ngàn đời của các nhà khoa học là làm sao để tốc độ già hóa của con người chậm lại, làm sao để không sinh bệnh tật… Có mối liên kết nào giữa câu chuyện Rượu- Nhân sâm và Vòng đời của con người?

 Rượu…

“Ngày xuân nâng chén ta chúc muôn nơi…” (nhạc sĩ Phạm Đình Chương), lời nhạc tươi vui như nhảy nhót trong ánh nắng mai ấm áp được cất lên những ngày vào xuân, làm cho lòng người cảm nhận Hạnh phúc – Bình yên. Nâng ly rượu mừng xuân ta chúc nhau những điều tốt đẹp, mong ước một năm mới đến đầy hy vọng thành công.

Không chỉ có vậy, trong Hoàng đế Nội kinh Tố Vấn, một trong những quyển sách Y học cổ truyền đầu tiên của thế giới (Thế kỷ thứ IV trước CN) có viết “thời Thượng cổ hướng dẫn làm rượu ngọt từ ngũ cốc (thang dịch, giao lễ luận), nhưng chỉ làm mà không dùng, chỉ để phòng bệnh và điều trị khi có bệnh. Cho đến nay, với sự phát triển của khoa học, rượu vẫn được sản xuất từ quá trình lên men từ một hoặc hỗn hợp của các loại nguyên liệu chủ yếu gồm tinh bột của ngũ cốc, dịch đường của cây, hoa, củ, quả hoặc là đồ uống được pha chế từ cồn thực phẩm. Rượu được phân thành rượu nhẹ thường có độ cồn từ 12-15% và rượu mạnh thường có độ cồn khoảng 40%. Rượu vừa là thức uống thực phẩm vừa là một dung môi trong chiết xuất các hoạt chất, vừa là một tá dược trong bào chế dược liệu dùng làm thuốc của Đông y.

Rượu là một thành tựu trong sản xuất phục vụ đời sống, tuy nhiên nếu lạm dụng nó sẽ là nguyên nhân chủ yếu gây ra hơn 30 bệnh và là nguyên nhân kết hợp gây nên 200 bệnh theo ICD 10 năm 1992. Rượu là yếu tố nguy cơ gây tử vong xếp thứ 8 trên toàn cầu (chiếm 4% số trường hợp tử vong toàn cầu) và là yếu tố nguy cơ gây tử vong hàng đầu đối với nam giới trong nhóm tuổi từ 15-59 (thống kê của tổ chức y tế thế giới WHO). Rượu bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 3 trong số 19 yếu tố nguy cơ hàng đầu đối với gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Tại Việt Nam, sử dụng rượu bia là là yếu tố gây ra 2,9% trường hợp tử vong và 2,2% gánh nặng bệnh tật quốc gia.

Từ lâu, văn hóa uống rượu đã trở thành một nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà thơ, nhà Văn trên thế giới nói chung và Việt Nam nói chung. Nơi đâu cũng mượn chén rượu để quên hoặc vượt qua cái hiện thực đáng buồn hoặc ngược lại, để mừng công, chúc tụng nhau… Nhưng thái độ với người say và với rượu khác nhau, tùy theo từng nền văn hoá. Ở phương Tây, nói chung nghiện rượu bị coi là một bệnh xã hội, đạo lý lên án. Ở ta và các nước Đông Á, trừ những tay nát rượu bê tha, rượu lại được đề cao, coi là đồ cúng thiêng liêng. Rượu không những là cách tiêu sầu cho các bậc tao nhã mà còn là phương tiện giải thoát “phận người”, đạt tới cái lâng lâng, tâm nhập vào vũ trụ, tan biến vào hư vô của Phật Lão. Trong Đường thi, Lý Bạch là ngôi sao “rượu và thơ”. Ông rất thích rượu, nhưng không hề bị chê trách là bê tha. Trái lại, trong cuộc đời riêng, đối với gia đình, bè bạn, nhân dân và bản thân, ông luôn tỏ ra chân thành, nhân hậu và bình dị. Rượu giúp ông thể hiện bản sắc thơ ông, mà đời sau đánh giá là “phiêu dạt, hào phóng” (khoáng đạt, thanh thoát tự nhiên), vươn tới cái cao xa.

Ở Việt Nam, ngay từ thời đại các vua Hùng, việc ăn mặc của dân tộc ta tuy còn thô sơ, nhưng đã có một trình độ văn hóa nhất định. Sách Lĩnh Nam chích quái chép rằng: “…Hồi quốc sơ, dân không đủ đồ dùng, phải lấy vỏ cây làm áo, dệt cỏ tranh làm chiếu, lấy cốt gạo làm rượu…”. Tản Đà cũng có cái “ngông” của Lý Bạch. Ông mượn thơ và rượu để nói lên cái u uất, khát vọng và tình người của mình trong “Ngày xuân thơ và rượu”:

Trời đất sinh ra rượu với thơ

Không thơ không rượu sống như thừa

Công danh hai chữ mùi men nhạt

Sự nghiệp trăm năm nét mực mờ

Mạch nước sông Đà tuôn róc rách

Ngàn mây non Tản mắt lơ mơ

Còn thơ còn rượu còn xuân mãi

Còn mãi xuân còn rượu với thơ.

Nhà thơ Nguyễn Bính đã phải dặn đi dặn lại:

Rượu cần em uống cho say

Vui cùng chị một vài giây cuối cùng.

Dù là dân gian, Nguyễn Bính vẫn là nhà thơ của thời đại mới, tiếp nối những nhà thơ, học giả thời trước phải uống rượu có bỏ hoa cúc vào. Rượu cúc, trà sen là rất quen thuộc với các cụ ngày xưa. Người xưa dạy “Trà tam rượu tứ” ý nói uống trà chỉ nên ba chén (pha tới lần thứ ba, sau đó thì nước đã nhạt); uống rượu chỉ nên bốn chén (chén mắt trâu, chén hạt mít) vì uống chừng đó còn đủ tỉnh táo, sáng suốt để nói năng. Chén rượu của các cụ, các văn sĩ đâu phải chỉ là chén rượu bình thường. Có nhiều loại rượu:

Rượu tiễn biệt: Tiễn đưa một chén quan hà.

Rượu bằng hữu: Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân.

Rượu thề nguyền: Chén son nguyện với trăng già.

Rượu chiến đấu: Chén tân khổ nhắp ngon mùi chính khí…

Đối với sức khỏe thể chất người, rượu có tác dụng mạnh mẽ đối với hoạt động của Dopamine trong não. Khi chúng ta uống những thức uống có cồn, dopamin được tăng cường phóng thích trong bộ não của chúng ta. Đây chính là nguyên nhân khiến cho người uống nhiều rượu/bia có cảm giác hưng phấn như khi đã làm được một điều gì tốt, chẳng hạn như tập thể dục hay có một người bạn mới, tăng kích thích và nói nhiều hơn so với lúc chưa uống. Tuy nhiên, các neuron dẫn truyền thần kinh đóng vai trò rất quan trọng trong các hoạt động lành mạnh, nhưng rượu ức chế điều này bằng cách tạo ra sự phấn khích với những hành vi không lành mạnh. Ngoài ra, dopamine cũng là tác nhân kích hoạt khả năng nhớ trong các phần khác của não ghi nhớ những trải nghiệm thú vị và khiến người sử dụng có ý muốn uống nhiều hơn. Nhưng theo thời gian, rượu/bia có thể khiến nồng độ dopamine giảm mạnh, khiến bạn cảm thấy khổ sở và ham muốn nhiều rượu hơn để cảm thấy tốt hơn. Sự gia tăng dopamine cũng là một phần khiến mọi người thích uống rượu. Đây cũng giống như cách mà thuốc phiện và chất kích thích khiến chúng ta cảm thấy thích thú hơn. Do đó, những người nghiện rượu có thể tiêu thụ nhiều rượu hơn trong nỗ lực vô thức để tăng mức độ dopamine của họ và lấy lại những hưng phấn đó.

Vòng đời của một chai rượu chỉ bắt đầu từ khi nó được đóng nút. Ở trong chai, rượu tiếp tục diễn ra quá trình biến đổi sinh hóa và dần dần thực sự chín. Theo khảo sát chung thì ta có tuổi thọ tham khảo của một số loại rượu vang như sau:

Vang trắng: Có tuổi thọ khá ngắn (1 – 3 năm). Rượu vang trắng được làm từ những trái nho – đã được loại vỏ, hoặc những quả nho có vỏ màu xanh nhạt hay màu đỏ nhợt. Dấu hiệu rượu vang trắng – ngả sang màu vàng là do bị oxy hóa thì uống sẽ không ngon.

Vang đỏ: thường có tuổi thọ dài (3 – 20 năm). Rượu vang đỏ được làm từ những trái nho – có giữ luôn cả vỏ (thường là vỏ màu đỏ sậm, màu đen hoặc màu tím). Chất tannin chứa nhiều trong vỏ, nên nó sẽ là nguyên tố để kéo dài tuổi thọ của rượu vang. Bởi vì các hợp chất trong rượu cần có thời gian để tan rã trước khi rượu có được hương vị tuyệt vời nhất!

Những chai rượu vang có tuổi thọ lâu đời hàng ngàn năm là những chai vang cao cấp thượng hạng như Cabernet Sauvignon hay Merlot thuộc loạt thượng thặng của các Châteaux vào hạng Grands Crus Classes như Latour, Lafite… ở vùng Bordeaux của Pháp, hay những chai Barolo ở vùng Piedmont của rượu vang Ý, thì có thể tồn tại cả thế kỷ mà vẫn giữ nguyên vị ngon đặc biệt. Nguyên nhân chúng để được lâu là do được chế biến với mục đích giữ lâu mới uống, nên trong quá trình làm rượu nhà sản xuất đã cố ý để cho nước nho lên men tiếp xúc thật lâu với vỏ nho, hạt nho và cuống nho. Thành phần chất tannin từ những thứ đó ngấm vào rượu tạo thành khung vững chắc, khiến các hợp chất trong rượu không bị tan rã.

Nhân sâm

Nếu rượu phát triển cùng với văn minh nhân loại, thì Nhân sâm là một dược liệu quý, đứng đầu bảng thượng phẩm thuốc bổ và thuốc điều trị của Đông y đó là Sâm, Nhung, Quế, Phụ. Từ các kinh nghiệm xưa đến các nghiên cứu khoa học nay lưu truyền lại, nhân sâm có thể dùng độc vị hoặc phối hợp với một số dược liệu khác đặc trị các loại bệnh khó và bệnh mạn tính, từ Hen suyễn, Đái tháo đường, bệnh chuyển hóa… đến ung thư, qua cơ chế ức chế hoạt động của gốc tự do, chống viêm, điều hòa hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng chống chọi lại bệnh tật.

Có nhiều loại nhân sâm

Theo sách Phạm thiên lư Tùng lục nói rằng: “Nhân sâm phần nhiều sinh ra ở những chỗ đất thấp có mầu, thấm nhuận nhiều chất hậu cho nên nó ẩm thụ được cái khí thuộc âm, chứ nó không như các loại  cây cỏ khác, khi mới sinh ra phải có ánh sáng mặt trời dương khí, nhờ có khí ấy mới sinh phát nẩy nở tươi tốt lên được, còn nhân sâm chỉ sinh trưởng ở nơi núi sâu rừng thẳm hiểm trở ở trong thung lũng thì nó càng tốt, nhất là những chỗ có sông vòng quanh khuất khúc cây cỏ um tùm bao la sầm uất, núi non rậm rạp, ở những chỗ mà ban sáng sớm trông ra chỉ thấy dầy đặc như sương mù khói tỏa, quanh năm hầu như ít thấy ánh sáng mặt trời, là nhân sâm thuộc loại tốt”.

Do nơi trồng Nhân sâm khác nhau mà tính vị và công dụng cũng khác nhau. Nhân sâm trồng ở Cát Lâm gọi là Cát Lâm sâm (Trung Quốc), nổi tiếng nhất ở Trung quốc là Hồng Sâm, trồng ở Triều Tiên gọi là Cao Ly sâm (Hàn quốc). Sâm Nhật Bản (được miêu tả lần đầu năm 1843) và cũng được gọi là nhân sâm. Nhân sâm ở Việt Nam tốt nhất có Sâm Ngọc Linh và ở Hoa kỳ có Tây dượng sâm và tên gọi nổi tiếng là Sâm Wiscosin Hoa kỳ. Tính vị của Hồng sâm, Sâm Cao ly, Sâm Việt Nam có tính vị chung là ngọt ôn, sâm Wiscosin Hoa kỳ có vị ngọt, hàn. Sự khác biệt về tính vị đưa đến hiệu quả điều trị cũng sẽ khác nhau. Như nhân sâm Hoa Kỳ có thể dùng cho những người thể ôn nhiệt; trong khi sâm châu Á tuy đại bổ nguyên khí nhưng tính ôn táo, dễ gây “thượng hỏa”, khiến những người thể ôn nhiệt không thể tiếp nhận. Từ đặc tính khác nhau này mà người thầy thuốc Đông y có thể chỉ định Nhân sâm phù hợp với cơ địa của mỗi người.

Thành phần có hoạt tính sinh học chính trong Nhân sâm là các saponin ginsenoside. Cho đến ngày nay đã có khoảng 70 loại ginsenoside được phân lập. Các polysaccharide là thành phần chiếm trọng lượng cao nhất trong sâm. Ngoài ra còn có một số hợp chất khác như phytosterol, sesquiterpene, flavonoid, polyacetylene alkaloid, và các hợp chất phenolic.

Mỗi loại nhân sâm của mỗi nước cũng có những kết quả bổ sung, như Hồng sâm của Trung Quốc có chứa thành phần các saponin gồm Ginsenosides Ro, Re, Rg1, Rg2, Rg3, Rh1, Rh2, Ra1, Ra2… Sâm Triều Tiên có 35 loại Saponin; Sâm Ngọc Linh (Việt Nam) có 52 loại saponin, sâm Mỹ và sâm Nhật Bản có 26 loại saponin. Ngoài ra các loại sâm kể trên đều có chứa một số hoạt chất khác nhân soponin dammaran, 17 loại axit béo và 20 nguyên tố vi lượng khác nhau như: Co, K, Mn, Se… và một số thành phần đặc biệt khác như tinh dầu, glucit và daucosterol…

Hầu hết các tác dụng dược lý của Nhân sâm đến từ thành phần ginsenoside, như tác dụng kích thích và ức chế hệ thần kinh trung ương, hạ đường huyết, kháng ung thư, điều hòa miễn dịch và giải phóng nitric oxide. Tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy ginsenoside không hoạt động một mình, mà hiệp đồng cùng với các thành phần khác để tạo nên các tác dụng dược lý đa dạng của nhân sâm, đó là một minh chứng cho việc phối hợp thuốc làm tăng hiệu quả điều trị của YHCT. Một số tác dụng dược lý đáng chú ý của Nhân sâm bao gồm:

Một số nghiên cứu lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng cho thấy, sử dụng Nhân sâm giúp giảm triệu chứng mệt mỏi liên quan đến một số bệnh lý mạn tính như ung thư, xơ cứng rải rác, hội chứng suy nhược mạn tính. Cơ chế chủ yếu là do Nhân sâm làm giảm phản ứng viêm, điều hòa lượng cortisol và tác động của stress mãn tính lên trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận, cũng như có tác dụng chống oxy hóa.

Vòng đời…

Lão hóa là quá trình tất yếu diễn ra trong cơ thể con người. Nguyên nhân gây lão hóa được giải thích bằng nhiều thuyết khác nhau: thuyết di truyền, thuyết gốc tự do… Ngoài ra, hiện tượng lão hóa có liên quan đến đột biến gen còn gây hội chứng già trước tuổi hay liên quan đến tuổi thọ con người. Quá trình lão hóa diễn ra ở mọi cơ quan trong cơ thể và gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng. Trong các học thuyết kể trên, thuyết di truyền được quan tâm hơn cả do được đánh giá là có tính khoa học nhất. Theo thuyết này thì con người có sẵn trong các tế bào của mình một chương trình – mang trong các “gen”. Các gen hoạt động theo thứ tự, bất di bất dịch: sinh, lão, bệnh, tử. Mỗi người sinh ra, đã có mã di truyền tương đối hằng định về tuổi thọ của mình, tuy nhiên điều này có thể thay đổi bằng thái độ sống và cách sống của mỗi người. Các nhà khoa học thuộc Đại học Boston Mỹ đã xác định được một nhóm các biến đổi di truyền có thể giúp cho con người sống thọ hơn (chính xác khoảng 77%). Đây được xem là một bước đột phá mới trong việc khám phá vai trò của gen với việc xác định tuổi thọ con người. Tuy nhiên, tốc độ lão hóa không chỉ phụ thuộc vào giới tính. Theo công trình của nhóm các nhà khoa học quốc tế, có những người già nhanh hơn gấp ba lần và trái lại, có những người mà tuổi sinh học dẫm chân tại chỗ. Sau khi phân tích dữ liệu của gần 1000 tình nguyện viên ở cùng độ tuổi, sống trong cùng điều kiện xã hội, các nhà nghiên cứu thấy rằng tỷ lệ lão hóa là gần 20% do yếu tố di truyền xác định. Nhưng các yếu tố chính quyết định tuổi thọ lại là dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục, kiểm tra y tế thường xuyên và cai thuốc lá.

Qua nghiên cứu, các nhà khoa học cũng tìm thấy những mã gen chịu trách nhiệm về sự lão hóa, là những gen tham gia vào quá trình xây dựng các protein, nhưng nó cũng liên quan đến sự hạn chế calo và kiểm soát sự tổn thương ADN. Việc hạn chế calo đã được biết đến có thể kéo dài tuổi thọ cho con người, và sự kiểm soát các ADN bị tổn thưởng có ảnh hưởng tốt đến việc làm chậm quá trình lão hóa tăng thời gian cũng như chất lượng sống.

Bên cạnh đó các nghiên cứu khác mới đây lại cho thấy tăng chiều dài của telomere thì sẽ giữ cho tế bào được khỏe mạnh, đạt được mục đích trẻ hóa người già. Telomere là những đoạn trình tự lặp lại (của DNA) có chiều dài nhất định ở các đầu mút của nhiễm sắc thể (chromosome); có thể đơn giản gọi telomere là đầu mút của nhiễm sắc thể. Nó được coi là chiếc “mũ bảo vệ” phần đầu của nhiễm sắc thể; chiếc “mũ” này càng dài thì nhiễm sắc thể càng được bảo vệ tốt. Nó có chức năng duy trì tuổi thọ của tế bào, giữ cho phân tử DNA được khỏe mạnh. Mỗi lần DNA được sao chép thì chiều dài của telomere lại bị ngắn đi một chút, cuối cùng ngắn tới mức không thể bảo vệ DNA khỏi bị tổn thương và đột biến, dẫn đến hậu quả làm cho cơ thể trở nên già yếu và sinh ra bệnh tật ở tuổi già.

Trong cơ thể người trẻ tuổi, telomere có chiều dài vào khoảng 8.000 – 10.000 lần độ dài của một nucleotide (đơn vị cấu trúc của DNA và RNA). TS Helen Blau, thành viên nhóm nghiên cứu, nói: “Hiện nay chúng tôi tìm ra được một phương pháp có thể tăng độ dài của telomere trong cơ thể con người, cụ thể là tăng thêm được một chiều dài bằng 1.000 lần độ dài của nucleotide, qua đó quay ngược được chiếc kim đồng hồ sinh học bên trong tế bào cơ thể, tương đương như phục hồi được sức sống thời trẻ một số năm trước đây.” Những tế bào có đầu mút nhiễm sắc thể (tức telomere) đã được kéo dài sẽ có biểu hiện như tế bào khi cơ thể còn trẻ, chúng có thể nhanh chóng sinh sôi nảy nở chứ không bị già hóa.

Các tế bào sống của người bình thường không nhất thiết phải phân chia thường xuyên khiến các nhiễm sắc thể vẫn duy trì một chiều dài các telomere một cách tương đối, nhưng nói chung đều có một đời sống có giới hạn. Thông thường tế bào chết đi sau 40-60 chu kỳ sao chép. Thời gian sống của mỗi tế bào được quyết định về di truyền học bởi hai hệ thống độc lập với nhau. Tuy nhiên, trong quá trình phân chia, một phần cuối của các chuỗi ADN lại không có khả năng sao chép được và vì thế sau mỗi lần phân chia, các nhiễm sắc thể đều bị ngắn đi do mất một số lượng ADN của telomere, vì thế khi các telomere trở nên quá ngắn thì các nhiễm sắc thể sẽ kém bền vững, chúng không thể bám vào được màng nhân tế bào, bị dính vào nhau và có hình dạng kỳ dị. Hậu quả là các tế bào không thể phân chia được nữa. Các nhà khoa học nhận thấy nếu các telomere liên tục ngắn lại thì tế bào sẽ lão hóa nhanh. Ngược lại, nếu telemore giữ nguyên độ dài thì tế bào sẽ sống bền lâu. Nhưng nếu các tế bào bền vững một cách bất thường sẽ trở thành các tế bào ung thư. Elizabeth Blackburn và Jack Szostak đã phát hiện ra một chuỗi ADN nhất định trong telemore chính là người lính bảo vệ cho nhiễm sắc thể không bị hao hụt và già cỗi.

Kết luận

Sự sống của con người và mọi vật chất trong nhân gian đều hữu hạn. Tuy nhiên:

Gừng càng già càng cay, rượu càng lâu năm càng ngon và quý, nhưng rượu phải giữ gìn bảo quản thật chuẩn mực mới giữ được chất lượng rượu nhất định.

Nhân sâm nếu bảo quản tốt, như củ Sâm đỏ được lưu giữ tại Viện bảo tàng Toyama Nhật bản hơn 300 năm mà hoạt chất vẫn y nguyên.

Và con người, chúng ta sẽ thọ được bao nhiêu vẫn còn bỏ ngỏ. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là chất lượng sống của tuổi thọ này, già nhưng khỏe mạnh, vẫn giúp ích được cho đời bằng kinh nghiệm sống của mình

Với quy luật Sinh – Lão – Bệnh – Tử, quá trình lão hóa bắt đầu từ những năm tuổi 30, làm sao để tốc độ già hóa này chậm lại, làm sao để không sinh sôi bệnh tật… là những câu hỏi ngàn đời dành cho các nhà khoa học, cho đến nay – đầu thế kỷ 21 – cho thấy một sự hiển nhiên để giảm bệnh tật và nâng cao tuổi thọ nằm trong 8 chữ: ăn đúng (ăn đủ và đúng các thành phần dưỡng chất, uống nước đủ), ngủ đủ giấc(6-8 giờ trong một ngày cho người trưởng thành), tập luyện (đều đặn mỗi ngày từ 45 phút trở lên), lạc quan (thái độ – tinh thần trong cuộc sống, giảm stress).

Lạm dụng rượu, gây nhiễm độc tế bào, sản sinh ra nhiều gốc tự do, là con đường dẫn đến sự già hóa nhanh do tăng sự phân chia tế bào, rút ngắn độ dài telomere. Nhưng rượu lại là dung môi tốt nhất cho sự chiết xuất các thành phần dược chất trong nhân sâm.

Nhân sâm có tác dụng như những chất Antioxidant, chống lại hoạt động các gốc tự do, chống viêm, tăng cường tạo năng lượng hoạt động cho cơ thể, qua đó phải chăng sẽ duy trì độ dài Telomere, điều này cần được tiếp tục nghiên cứu, nhưng kinh nghiệm người xưa đã khẳng định nhân sâm giúp tăng cường thể lực, giúp cho giấc ngủ ngon…

Chất lượng sống là còn cảm nhận được hạnh phúc khi thụ hưởng các giá trị sống, giấc ngủ ngon, mắt sáng, tai thính, mũi tinh, vị giác ngon lành… Duy trì được ngủ quan tốt là nhờ vào sự lão hóa tiến triễn chậm, nhờ vào sự điều hòa của lục phủ ngũ tạng thể chất chúng ta.

PGS. TS. BS Nguyễn Thị Bay

Nguyên Trưởng bộ môn Bệnh học

Khoa Y học cổ truyền, ĐH Y dược TP. HCM

Nguồn: tcsuckhoe.com