Lo ngại kem chống nắng gây hại cho sức khỏe

Khi bôi kem chống nắng, các hóa  chất trong kem chống nắng được hấp thụ vào máu và ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe là điều các chuyên gia Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) quan ngại.

Nghiên cứu của tổ chức này phát hiện: Các hóa chất trong kem chống nắng thấm vào máu nhanh hơn và đạt đến mức đủ cao để các nhà khoa học phải kiểm tra tính an toàn của các hóa chất này.

Tuy quy mô nghiên cứu nhỏ, chỉ thực hiện trên vài chục người nhưng đây là nghiên cứu đầu tiên nghiên cứu một cách chính xác mức độ các hóa chất của kem chống nắng trong máu khi bôi trực tiếp lên da và cũng là nghiên cứu đầu tiên tìm hiểu thời gian các hóa chất này ở lại trong máu.

kemchong 2.jpg
Thoa kem chống nắng – Ảnh minh họa

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn chưa biết rõ liệu các hóa chất này có tác động tiêu cực đến sức khỏe hay không. Nghiên cứu phát hành đầu tháng 5 qua trên tạp chí JAMA. Thế nhưng điều này không có nghĩa là nên ngưng sử dụng kem chống nắng; nhất là khi chúng ta có thể phải đối diện với nhiều nguy cơ sức khỏe, đặc biệt là ung thư khi tiếp xúc quá mức với ánh sáng mặt trời – bác sĩ da liễu Kanade Shinkai – Đại học California nhấn mạnh.

Kết quả nghiên cứu này cho thấy cần có thêm nhiều nghiên cứu về tác động tiềm ẩn đến sức khỏe của các hóa chất này khi thấm vào máu.

Người tham gia nghiên cứu bôi kem chống nắng 4 lần mỗi ngày, trong 4 ngày; được chia làm 4 nhóm và mỗi nhóm được nhận một dạng kem chống nắng khác nhau (dạng dưỡng da, dạng kem, dạng xịt).

Các nhà nghiên cứu bôi một lượng kem chống nắng được khuyến nghị, 2 mg kem chống nắng trên 1 cm2 da; 75% cơ thể. Người tham gia ở trong phòng thí nghiệm 7 ngày và không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Xét nghiệm máu cho thấy sự có mặt của 4 thành phần phổ biến của kem chống nắng trong máu là: avobenzone, oxybenzone, octocrylene và ecamsule. Các chuyên gia muốn tìm hiểu mức tập trung của các thành phần trên trong máu có vượt mức 0.5 nanograms/ml (ngưỡng cho phép của FDA quy định năm 2016) hay không. Nếu mức tập trung vượt cao hơn mức quy định này thì cần có thêm nghiên cứu xác định tính an toàn của các sản phẩm này.

Kết quả quan sát cho thấy, chỉ trong vòng 1 ngày bôi kem chống nắng, tất cả 4 hóa chất trên đều được phát hiện trong máu ở mức vượt ngưỡng quy định.

Ngoài ra, nếu tiếp tục bôi, các hóa chất này sẽ lại tích tụ lại trong máu theo thời gian.

Cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu về tính an toàn của các hóa chất này khi ở trong máu, xem có nguy cơ tiềm ẩn nào đưa đến ung thư hay ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản không.

Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng, vì nghiên cứu này tiến hành trong nhà, không có sự tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng hay sức nóng – hai tác nhân có thể tác động sự hấp thụ của các hóa chất trong kem chống nắng vào máu; và cũng cần làm rõ xem mức hấp thu hóa chất vào máu có khác nhau theo loại da, tuổi tác và lượng kem chống nắng bôi lên da hay không.

Tháng 2-2019, FDA đã đưa ra quy định mới nhằm cải thiện tính an toàn của kem chống nắng và yêu cầu các nhà sản xuất đưa ra thêm bằng chứng về mức an toàn của 12 thành phần có trong kem chống nắng hiện nay. Theo đó, nếu các công ty không đưa dữ liệu báo cáo thì tháng 11 năm nay tất cả các sản phẩm kem chống nắng chứa 12 thành phần trên bị cấm bán ngoài thị trường.

Tuy nhiên, các nhà quản lý của FDA cho rằng các công ty sẽ xin gia hạn gửi báo cáo này.

Trong thời gian đó, nếu người dân quan ngại về các hóa chất trong kem chống nắng cũng cần biết rằng một số thành phần của kem chống nắng không thấm vào máu và được xác nhận là an toàn như: kẽm oxide và titan dioxide – được gọi là chất chống nắng khoáng chất.

Điều quan trọng cần lưu ý, sử dụng kem chống nắng là một trong những cách được khuyến nghị để bảo vệ khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời. Các biện pháp khác có thể áp dụng là mặc quần áo chống và che nắng, đội mũ, đeo kính – lời khuyên từ Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC).

Đức Hòa
(theo Live Science)

Nguồn: https://giacngo.vn/yhocsuckhoe/2019/06/07/5BF681/