Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM và Covid-19: Vượt qua khó khăn

Dịch Covid-19 đã và đang gây ra nhiều khó khăn trong công tác khám chữa bệnh tại các Bệnh viện, trong đó có Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM. Cùng trao đổi với PGS. TS. BS Trần Phan Chung Thủy về những khó khăn của Bệnh viện trong mùa dịch hiện nay và những biện pháp đã được bệnh viện áp dụng để đảm bảo các hoạt động khám chữa bệnh được vận hành một cách tốt nhất.

Với đặc thù trong công tác chuyên môn, các bác sĩ tại Bệnh viện Tai Mũi Họng thường xuyên phải tiếp xúc gần với bệnh nhân trong quá trình khám chữa bệnh, cụ thể là các bộ phận như mũi, họng… Vậy theo PGS, có những nguy cơ tiềm ẩn nào đối với các Bác sĩ trong quá trình tác nghiệp này?

Như chúng ta đã biết Virút Corona hay Covid 19 là Virút đường hô hấp, lây lan qua đường hô hấp và gây bệnh trên đường hô hấp. Tai mũi họng là đường hô hấp trên, tất cả vi khuẩn virút lây lan theo đường hô hấp đều vào qua cửa ngõ của tai mũi họng: Qua mũi hoặc qua họng miệng. Và cơ chế lây lan của loại virút này là lây lan theo đường giọt bắn (giọt bắn do bệnh hắt hơi, ho, xì mũi, nói chuyện…); đồng thời lây lan theo đường tiếp xúc (sờ chạm vào đồ vật) và khí dung; Chính vì thế bác sĩ tai mũi họng là người khám mũi họng, thanh quản cho bệnh nhân thì là người tiếp xúc trực tiếp và gần, ngoài ra bác sĩ tai mũi họng còn thực hiện những thủ thuật như là nội soi, đặt nội khí quản hay phẫu thuật đường thở… Cho nên các bác sĩ tai mũi họng được sắp xếp vào nhóm có nguy cơ cao đối với những bệnh truyền nhiễm do đường hô hấp. Vì thế tất cả các cơ chế lây nhiễm của Virút Corona này thì bác sĩ tai mũi họng đều có thể liên quan.

Vậy bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM đã có những biện pháp nào để giảm thiểu tối đa những rủi ro cho các Bác sĩ cũng như cho các bệnh nhân khi đến thăm khám tại bệnh viện trong mùa dịch này, thưa PGS?

Nhận định được mức độ nguy hiểm và dễ lây lan của dịch bệnh nên ngay trong những ngày nghỉ Tết Nguyên Đán, khi bắt đầu vào mùa dịch Covid 19; Toàn thể cán bộ nhân viên bệnh viện đã bắt tay vào cùng cả nước, toàn ngành Y phòng chống đẩy lùi dịch bệnh. Ban chỉ đaọ phòng chống dịch của bệnh viện đã đưa ra hướng dẫn phân loại, nhận biết sớm, kiểm soát nguồn lây: đưa ra qui trình sàng lọc và khu khám sàng lọc đối với những bệnh nhân có yếu tố dịch tễ học và các triệu chứng nghi ngờ để tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện và trong cộng đồng. Bệnh viện đã áp dụng biện pháp phòng ngừa chuẩn cho tất cả bệnh nhân, nhân viên, người nhà và các đối tượng vào bệnh viện: Tất cả người bệnh, thân nhân người bệnh, khách đến liên hệ công tác khi đến bệnh viện tại sẽ được sàng lọc tại bàn sàng lọc. Nhân viên tại bàn sàng lọc sẽ tiến hành sàng lọc cho tất cả các đối tượng vào bệnh viện theo các bước:

Đề nghị mang khẩu trang hoặc phát khẩu trang cho bệnh nhân không có.

Thực hiện sát khuẩn tay nhanh bằng dung dịch sát khuẩn nhanh có cồn.

Hướng dẫn điền đầy đủ thông tin vào phiếu khảo sát.

Lấy nhiệt độ bằng máy đo nhiệt độ cảm ứng.

Kiểm tra thông tin trên Phiếu khảo sát nhanh và thực hiện sàng lọc.

Trực tiếp đưa người bệnh đến khu sàng lọc là một khu cách biệt với khu khám thường và bàn giao với nhân viên khu sàng lọc trong các trường hợp sau:

– Người bệnh Tiếp xúc gần với người nhiễm/ nghi nhiễm Covid- 19 hoặc Nhập cảnh Việt Nam trong vòng 14 ngày hoặc Đi máy bay/ tàu thuyền trong 14 ngày.

– Người bệnh đánh vào triệu chứng sốt hoặc được đo nhiệt độ với kết quả ≥ 37.5ºC .

– Ngoài ra còn kể đến bệnh nhân có triệu chứng kèm theo nghi ngờ như mất khứu đột ngột, đau cơ, mệt mỏi.

Tại khu sàng lọc sẽ có nhiều đội gồm các bác sĩ và điều dưỡng thay phiên nhau thực hiện công tác chuyên trách này trong mùa dịch. Đội công tác đặc biệt này sẽ chỉ ở trong khuôn viện qui định của khu sàng lọc trong suốt đợt công tác và khi trở về gia đình cũng phải tự cách ly 14 ngày. Với nguyên tắc này sẽ hạn chế tối đa việc lây nhiễm chéo trong bệnh viện cũng như trong cộng đồng nếu nhân viên y tế có tiếp xúc với bệnh nhân dương tính Covid 19.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch còn kiện toàn các qui trình kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện cho phù hợp với tình hình bệnh dịch:

Hướng dẫn nội soi tai mũi họng trong tình hình dịch bệnh Covid-19, Hướng dẫn phẫu thuật tai mũi họng trong tình hình dịch bệnh Covid 19, Hướng dẫn phòng ngừa lây nhiễm Covid 19, Hướng dẫn sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân, Quy trình vệ sinh môi trường, bề mặt, quy trình xử lý chất thải, đồ vải. Quy trình xử lý dụng cụ…

Còn đối với các hoạt động hành chánh của bệnh viện đều được tổ chức theo hình thức họp trực tuyến. Ngoài ra bệnh viện còn ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động khác để giảm thiểu tập trung đông người, giảm đi lại như cung cấp số điện thoại đường dây nóng, số điện thoại hẹn khám của tổng đài, số điện thoại để tư vấn nếu cần hay thanh toán trực tuyến, thanh toán bằng thẻ….

Ngoài các biện pháp trên, Ban lãnh đạo có những động viên tinh thần hay khích lệ như thế nào đối với các Bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện, thưa PGS?

Trong suốt thời gian này, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của bệnh viện luôn động viện tinh thần các nhân viên y tế với nhiều hình thức như vận động hưởng ứng phong trào “Hãy chung tay quyết tâm phòng chống Corona!”. Vận động các em trong đội văn nghệ thực hiện điệu nhảy “Ghen Co Vy” để khích lệ tinh thần của mọi người trong mùa dịch. Đơn giản hóa việc hướng dẫn cho nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bằng các video hướng dẫn rửa tay, đeo khẩu trang, hướng dẫn súc họng, rửa mũi… Về phương tiện phòng hộ cá nhân cho nhân viên Y tế là rất quan trọng và là điều mà tôi quan tâm đầu tiên trong mùa dịch như trang bị đầy đủ cho tất cả nhân viên mắt kính bảo hộ, mặt nạ, khẩu trang, nước rửa tay nhanh, quần áo bảo hộ… Một điều quan trọng là hoàn thiện qui trình kiểm soát nhiễm khuẩn trong mùa dịch với đầy đủ hướng dẫn và tập huấn cho mội đối tượng cả nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà và các nhân viện phục vụ khác. Ngoài ra, Ban Giám Đốc và Công Đoàn luôn quan tâm tới đời sống vật chất của anh em bằng cách giữ ổn định thu nhập dù trong mùa dịch.

Diễn biến đại dịch Covid-19 sẽ còn phức tạp và còn nhiều khó khăn thách thức cho ngành Y tế. Nhưng với tinh thần đoàn kết, cùng đồng lòng chung tay phòng chống dịch Covid 19 của cả dân tộc thì tôi tin tưởng chúng ta sẽ ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch.

Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM của chúng ta được mệnh danh là “Bệnh Viện Của Nụ Cười”, tôi nghĩ rằng dù khó khăn chúng tôi vẫn giữ được nụ cười và nụ cười này chắc chắn sẽ được nhân lên gấp nhiều lần khi đại dịch được đẩy lùi.

Trân trọng cám ơn!

PGS. TS. BS Trần Phan Chung Thủy

Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam

Tạp chí Sức Khỏe xin chúc mừng Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM và PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy vì bài viết trên đã được dịch và đăng trên Tạp chí Quốc tế 

Nguồn:tcsuckhoe.com