Du học Mỹ: Con nhà nghèo học giỏi

Năm đó, chị bạn làm cùng phòng dẫn theo đứa cháu gái khoảng bảy tám tuổi là Việt kiều Mỹ vào cơ quan chơi. Tình cờ gặp lúc cả phòng đang chuyền tay đọc một bài báo viết về một sinh viên nghèo học giỏi, cô bé ngây thơ hỏi: nhà nghèo sao học giỏi được? Con nhà giàu mới học giỏi chứ. Mọi người không để ý mấy, cho là lời con trẻ, cho qua.

Bây giờ tiếp cận nền giáo dục Mỹ, mới ngộ ra chân lý trong lời con trẻLợi ích là giềng mối lớn nhất của xã hội Mỹ. Đồng tiền là động lực vận hành. Giáo dục không phải là ngoại lệ. Ai cũng nói Mỹ là vùng đất của cơ hội, nhưng mà từng cơ hội lớn nhỏ có khác nhau. Ai cũng được học hành, nhưng không phải ai cũng được học những ngôi trường tốt nhất.

Từ phổ thông lên tới đại học, trường tư thục tốt hơn trường công lập. Nếu trường phổ thông công lập hoàn toàn miễn phí thì trường tư thục thu học phí từ ngoài hai mươi đến năm mươi ngàn đô la cho một năm học. Ngoài ra còn vài chi phí thường niên khác như tiền ăn, tiền đồng phục.

hy

Dù  gia đình còn khó khăn, nhưng hai  cậu con trai của tác giả học rất giỏi

Vậy việc dạy dỗ của trường tư như thế nào cho các bậc phụ huynh yên tâm tiền nào của nấy? Đặt câu hỏi nhưng tôi cũng…bí. Mình có thuộc giai tầng cho con học trường tư hồi nào đâu mà biết tận tường. Chỉ có thể chia sẻ vài kiến thức tủn mủn nhìn lén qua cửa sổ nghe trộm qua hàng rào những ngôi trường phổ thông tư thục.

Dễ thấy nhất là trường tư đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng. Em nào không theo kịp chương trinh sẽ bị ngồi lại lớp, một khái niệm gần như không hề tồn tại ở trường công. Nhưng nét đặc trưng nhất của giáo dục Mỹ, cũng là ưu điểm nổi bật nhất của hệ thống trường tư không phải là chất lượng dạy và học mà nằm ở các hoạt động ngoại khoá, thể thao, phục vụ cộng đồng và hướng nghiệp.

Những hoạt động này tiến hành quanh năm, nhưng sôi nổi nhất là mùa hè. Ví dụ như các em được đi đến các nước đang phát triển, vừa tham quan mở rộng kiến thức vừa dạy tiếng Anh cho dân bản xứ. Ngắn hạn hơn, các em đi đến các thành phố trọng yếu cũng với tinh thần vừa chơi vừa học vừa phục vụ cộng đồng như thế.

Ví dụ như đến Hoa Thịnh Đốn, xem tượng đài bảo tàng, và dự thính một số hoạt động chính trường ở thượng viện và hạ viện. Mùa hè đối với học sinh trường tư bổ ích, giàu cảm hứng và, dĩ nhiên, cũng đầy tốn kémMột bộ phận tinh tuý của trường tư là trường nội trú. Cuối cấp hai, do có kết quả học tập tốt, trưởng nam nhà tôi nhận được thư quảng cáo của trường trung học nội trú Mercersburg nằm ở tiểu bang Pennsylvania. Tiền học và tiền ký túc xá (chưa kể tiền ăn) ngót sáu chục ngàn đô cho một năm học. Nhưng để dự tuyển không phải chỉ cần điều kiện tài chính mà phải đạt chuẩn học lực nữa.

Chương trình học gắn liền với những chuyến du khảo lên rừng xuống biển khắp các tiểu bang lân cận. Con tôi cũng nhận được thư mời, có kèm người lớn, đến tham dự một buổi tư vấn tuyển sinh của trường tổ chức tại tư gia của một học sinh.

Mỗi năm nhà trường tổ chức dăm bảy cuộc gặp gỡ như vậy ở nhiều địa phương khác nhau để thu hút học sinh. Ngôi nhà mà chúng tôi đến ngó bên ngoài thì cũng bình thường. Thủ đô đất chật người đông mà, có đâu lâu đài tráng lệ.Nhưng bước vào bên trong thì như lạc vào phim cận đại phương tây, với những món ăn đẹp cầu kỳ, những đồ ăn bằng bạc trắng loá và đội ngũ bồi bàn mặc đồng phục thắt nơ phục vụ tận tay

Gia chủ là chủ tịch hội đồng quản trị một công ty, thiếu gia chưa hết cấp ba mặc lễ phục đăng đàn nói chuyện lưu loát tự tin ra dáng chủ tịch hội đồng quản trị tương lai. Căn phòng khách thượng lưu đó là một thế giới khác đối với những kẻ con nhà nghèo học giỏi như thằng con tôi.

Trước đó, ngay từ đầu cấp hai, thằng con tôi cũng được mời dự tuyển chương trinh tìm kiếm tài năng của Đại học (tạm dịch) Tây Bắc (Northwestern University), xếp khoảng hạng mười hai toàn quốc. Chương trình này dành cho những học sinh giỏi cư trú trong miền trung tây nước Mỹ.Nhà trường đến từng tiểu bang tổ chức thi.

Tuy thằng con tôi trúng tuyển vào chương trình, nhưng cái lợi duy nhất mà nó được hưởng là dự thi ACT miễn phí đều đều mỗi năm một lần, vài giải thưởng ghi nhận thành tích trong các kỳ thi đó. Cũng có thể kể thêm vài nguồn thông tin học bổng, nhưng nó không khai thác thành công.

Ngoài ra, những nội dung hay ho thực sự của chương trình như những lớp học nâng cao được chuyển điểm vào đại học sau này, những khóa bồi dưỡng kỹ năng sống, học tại chỗ có mà học trực tuyến cũng có, thì gia đình tôi không kham nổi học phí.

Tóm lại, học giỏi là điều kiện cần, tài chính là điều kiện đủ để con em chúng ta được phát triển hết tiềm năng. Còn như cứ thấp đèn đom đóm, mặc quần khố chuối dùi mài kinh sử âm mưu thi đỗ trạng nguyên thì khó lắm thay.

GS. Đỗ Vạn Hỷ