“Tất cả chúng ta đều sinh ra rồi mất đi, nhưng những gì ta đã lấy đi trong quá trình sinh sống và cả những thứ ta đã để lại cho thế giới này, sẽ ngày một khiến cho môi trường và hệ sinh thái trở nên tệ hơn. Bởi vậy, nhỏ mới thực sự là đẹp.”
Nhỏ là đẹp là cuốn sách nằm trong Top 100 cuốn sách kinh tế mang tầm ảnh hưởng nhất Thế Giới thế kỷ XX. Cuốn sách về cơ bản là một tập hợp các bài luận và bài phát biểu được viết và công bố trong nhiều năm của Tiến sĩ E.F.Schumacher, ít nhiều được ghép lại như những tấm hình được xếp lớp chồng lên nhau. Nhưng, ngay cả những sự lặp lại dường như cũng hữu dụng, những vấn đề giống nhau đã được giới thiệu lại từ các góc nhìn khác nhau, phụ thuộc vào đối tượng bạn đọc, hoặc phương thức biểu đạt của văn chương.
Tiến sĩ E.F.Schumacher cho rằng những quan niệm của kinh tế hiện đại đang xem tiêu thụ là mục tiêu cuối cùng và duy nhất cho tất cả mọi hoạt động kinh tế. Vì thế, đa số doanh nghiệp đã dùng mọi phương thức để kích thích lòng tham con người. Thực trạng này đang diễn ra tại nhiều nơi, làm đảo lộn lối sống, đánh tráo nội hàm các giá trị, tạo ra sự khủng hoảng xã hội và để lại những hậu quả làm xói mòn niềm tin, gia tăng sự vô cảm…
Tác giả đã pha trộn tất cả những điều này lại để tạo ra một tác phẩm có sức sống và độc đáo tuyệt vời. Ông đã lập luận và chỉ ra sai lầm cơ bản của toàn bộ lối sống công nghiệp chính là cách mà chúng ta tiếp tục coi thu nhập là vốn tài nguyên tự nhiên không thể thay thế.
Trong cuốn sách “Nhỏ là đẹp” Schumacher đã chỉ ra: “Phải coi thiên nhiên như một “ nguồn vốn” và nhờ sự khai thác có chừng mực đối với thiên nhiên mà con người kiếm ra được các “ lợi tức”. Những tư duy kinh điển của tác giả đã nhắc nhở chúng ta biết trân trọng nhu cầu của cộng đồng hơn lợi ích của các tập đoàn”.
Thông qua 4 phần, 19 chương, tác giả đã nêu lên những góc nhìn đáng suy ngẫm về các vấn đề nổi cộm hiện nay và đưa ra một con đường mới để xây dựng nền kinh tế phục vụ hướng doanh nghiệp/tổ chức đến sự phát triển bền vững.
Trích đoạn sách:
Đối với các nước giàu có, họ cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất hiện tại là “giáo dục về thời gian rỗi”; đối với các nước nghèo thì đó là “chuyển giao công nghệ”.
Chúng ta đang tối đa hóa thay vì tối thiểu hóa tốc độ tiêu thụ hiện tại và không quan tâm nghiên cứu các phương pháp sản xuất và lối sống thay thế – để có thể thoát khỏi tiến trình dẫn tới xung đột mà con người đang tiến vào với tốc độ ngày càng tăng. Chúng ta lại vui vẻ nói chuyện về những tiến bộ không giới hạn, bên cạnh những lối mòn, của việc “giáo dục về thời gian rỗi” tại các nước giàu, và của việc “chuyển giao công nghệ” sang các nước nghèo.
Một phần vừa là nguyên nhân và cũng vừa là hệ quả, chúng ta đã chứng kiến một bước nhảy vọt thật độc đáo về chất. Các nhà khoa học và nghiên cứu công nghệ của chúng ta đã học được cách tổng hợp ra những chất chưa được biết đến trong tự nhiên. Thiên nhiên gần như không có khả năng kháng lại nhiều hợp chất trong số đó. Chỉ trong vòng 20 năm qua, chúng mới bắt đầu xuất hiện với số lượng lớn. Bởi không có kẻ thù tự nhiên, chúng có xu hướng tích tụ, và hậu quả lâu dài của sự tích tụ này trong nhiều trường hợp được biết đến là cực kỳ nguy hiểm, và thậm chí là hoàn toàn không thể dự báo trước được.
Tôi đã bắt đầu bằng cách nói rằng: “một trong những sai lầm chí tử của thời đại chúng ta là niềm tin rằng vấn đề sản xuất đã được giải quyết”. Tôi cho rằng ảo tưởng này chủ yếu xuất phát từ việc chúng ta mất khả năng nhận ra hệ thống công nghiệp hiện đại, với tất cả sự tinh vi đầy trí tuệ của nó, đã tiêu tốn chính nền tảng cơ bản nhất mà nhờ đó nó được dựng lên.
Tôi nghĩ rằng mỗi người trong số chúng ta, dù già hay trẻ, người có quyền lực hoặc người bình thường, giàu hay nghèo, người có ảnh hưởng hoặc không… thì việc nói về tương lai chỉ có ích khi nó dẫn đến hành động ngay bây giờ. Và ngay bây giờ chúng ta có thể làm được những gì, trong khi vẫn đang ở vị thế “chưa bao giờ tốt đẹp được đến thế”? Chúng ta phải thấu triệt vấn đề và bắt đầu nhìn nhận khả năng của việc phát triển một lối sống mới, với những phương pháp sản xuất mới và những mô hình tiêu dùng kiểu mới: một lối sống được thiết kế cho sự trường tồn.
Trong nông nghiệp và nghề làm vườn, chúng ta có thể quan tâm tới việc hoàn thiện các phương pháp sản xuất lành mạnh về mặt sinh học, nâng cao độ phì nhiêu của đất và tạo ra sức khỏe, sắc đẹp và sự trường tồn.
Trong công nghiệp, chúng ta có thể quan tâm tới việc phát triển công nghệ quy mô nhỏ, công nghệ phi bạo lực, “công nghệ với khuôn mặt con người” để mọi người đều có cơ hội thích thú tận hưởng việc “làm việc” thay vì làm chỉ vì đồng lương và mong mỏi chút nghỉ ngơi trong thời gian rỗi – theo cách khá đáng thương.
Chúng ta thường nghe nói rằng con người đang bước vào kỷ nguyên của “Xã hội học tập”. Hãy hy vọng điều này là sự thật. Chúng ta vẫn phải học cách sống hòa bình, không chỉ với đồng loại mà còn với thiên nhiên.
Tác giả: Tiến sĩ E.F.Schumacher E.F.Schumacher (1911 -1977) là một học giả người Đức ở Rhodes về kinh tế học, và với sự trợ giúp của John Maynard Keynes, sau đó ông đã giảng dạy tại trường Đại học Oxford. Ông cũng là chủ tịch của Hiệp hội Đất, cố vấn kinh tế của của Hội đồng Than Quốc gia Anh quốc, và là nhà sáng lập của Tập đoàn Phát triển Công nghệ Trung gian. Những cuốn sách nổi tiếng nhất của ông gồm: Nhỏ là đẹp và Một hướng dẫn cho kẻ mù mờ. |