Ngôi nhà của Nobita và câu chuyện inox Hoàng Vũ

Thế hệ 7X, 8X của Việt Nam hầu như đều đã từng mê mệt truyện tranh mèo máy Doraemon nổi tiếng Nhật Bản. Trong câu chuyện của Doraemon, hầu như không gian được gắn liền xuyên suốt là ngôi nhà của cậu bé Nobita, một ngôi nhà nhỏ nằm ở ngoại ô Tokyo của một gia đình công chức Nhật điển hình.

Có một điều mà mãi về sau này, nhiều người mới để ý rằng hoạ sĩ Fujko F. Fujio khi mô tả ngôi nhà hay căn phòng của Nobita cũng như các ngôi nhà khác của Chaien, Xuka, Xeko đều cho thấy không gian ngôi nhà dù nhỏ nhưng rất thoáng, ít vật dụng, mọi thứ đều được sắp xếp trật tự và hầu như không thấy đồ thừa thãi.

Nobita trong câu chuyện là một cậu bé hậu đậu, sống khá lười biếng và thường xuyên vứt đồ đạc bữa bãi trong phòng riêng. Cậu bé luôn bị mẹ càu nhàu, la mắng, đốc thúc dọn dẹp…

Đó là một thực tế rất sinh động về lối sống Nhật Bản đã được hoạ sĩ Fujiko F. Fujio đưa vào câu chuyện mèo máy Doraemon nổi tiếng khắp thế giới. Người Nhật nổi tiếng bởi khi nhìn vào không gian ngôi nhà hay từng căn phòng trong nhà luôn có cảm giác “trống trơn”, khác hẳn không gian bày biện rất nhiều vật dụng, bàn ghế, giường tủ mà chúng ta hay thấy ở các ngôi nhà ở phương Tây hay của người Việt. Thực ra người Nhật vẫn có đầy đủ tất cả vật dụng cần thiết nhưng vấn đề là họ luôn có không gian sắp xếp riêng cho từng món đồ để tối ưu hoá khoảng trống. Chẳng hạn, người Nhật có thói quen ngủ ra sàn nên có nhiều nhà không dùng giường mà trong phòng có riêng chỗ để nệm, chiếu, gối để khi ngủ lấy trải ra rồi sau đó gấp lại và cất đi, thành ra đôi khi căn phòng của người Nhật chỉ thấy bộ bàn ghế hoặc độc nhất chiếc bàn thấp (không có ghế vì ngồi trên sàn nhà).

Buổi họp mặt đầu năm học viên của của Keieijuku Vietnam diễn ra thật ấm cúng 

Từ lối sống hằng ngày, người Nhật đem điều đó vào không gian sản xuất-kinh doanh tạo ra được ngăn nắp, gọn gàng, khoa học theo phương châm “Dễ thấy – Dễ lấy – Dễ dùng” trong nhà máy, phân xưởng hay văn phòng. Mọi đồ đạc, vật dụng, công cụ lao động cho đến sản phẩm, sản xuất thành phần, hàng kho, hàng lưu trữ… đều được sắp xếp đúng cách, hợp lý và ngăn nắp.

Trong quá trình tham gia các khoá học của Keieijuku suốt 10 khoá từ năm 2009 đến nay, một trong những điều cơ bản, cụ thể và nằm lòng của các học viên Kei (Keier) là bài học về sắp xếp không gian đơn giản, gọn và khoa học mà các giảng viên Nhật Bản truyền đạt cũng như các Keier quan sát thực tế từ các nhà máy tại Nhật Bản.

Việc bố trí và sắp xếp không gian giản tiện không chỉ để “đẹp mắt” mà đem lại rất nhiều lợi ích được cụ thể bằng chất lượng lao động, năng suất làm việc và hiệu quả kinh doanh.

Anh Vũ Tiến Công, Phó TGĐ Công ty Inox Hoàng Vũ

Một trong những học viên của Keieijuku đem việc học về ứng dụng ngay trên nhà máy của mình là Keier khoá 7 Hà Nội – Anh Vũ Tiến Công, Phó TGĐ Công ty Inox Hoàng Vũ, doanh nghiệp đạt 2000 tỷ đồng doanh thu năm 2016. Trong buổi họp mặt CLB Keieijuku Vietnam hôm 12/1 tại TPHCM, khi được mời lên với tư cách đại diện cho Kei Club Hà Nội để chia sẻ thành công sau những gì học được, Anh Vũ Tiến Công đã lấy ngay minh hoạ về việc sắp xếp không gian nhà máy mà anh học từ Nhật Bản.

“Lúc chưa học tôi không nghĩ nhiều đến việc sắp xếp không gian lại ảnh hưởng lớn đến hiệu suất kinh doanh vì mình chỉ đặt nặng việc sản xuất càng nhiều, càng nhanh là tốt. Tuy nhiên, sau khi học khoá Keieijuku về thì việc đầu tiên tôi làm cho công ty mình là áp dụng mô hình 5S vào nhà máy, xem xét lại việc bày trí hàng hoá, máy móc, kho bãi, nơi để vật dụng. Chính vì vậy mà cũng một không gian như nhau nhưng hình ảnh trước và sau rất khác biệt, Trước thì không gian nhỏ hẹp nhưng sau thì mọi thứ thoáng hẳn ra cứ như thể nhà máy được mở rộng ra vậy. Đặc biệt không gian nhà kho, hàng lưu kho được sắp xếp bố trí lại đã tạo ra sự khác biệt lớn, ảnh hưởng quan trọng đến dây chuyền sản xuất, các tính toán kinh doanh, nhập vật liệu… Nhờ áp dụng mô hình 5S mà Công ty Hoàng Vũ đã tiết kiệm đến 75 tỷ đồng mỗi năm nhờ giảm số lượng hàng lưu kho, tăng năng suất lẫn thời gian lao động”, anh Vũ Tiến Công phát biểu với hình ảnh trình chiếu trên màn hình của nhà máy Inox Hoàng Vũ.

Anh Vũ Tiến Công là thế hệ lãnh đạo thứ hai của Công ty inox Hoàng Vũ.

Mang trong mình kinh nghiệm được kế thừa từ cha anh và lòng ham học hỏi, mong muốn tiếp thu những tiến bộ trong kỹ thuật sản xuất lẫn phong cách quản trị hiện đại, anh Vũ Tiến Công đã đăng ký và theo học khoá Keieijuku năm 2015 với mong muốn thay đổi tư duy, tầm nhìn của người quản trị. Với nhiệt huyết lẫn ảnh hưởng lớn, anh Vũ Tiến Công cũng đảm nhiệm vai trò Phó chủ tịch Keieijuku Vietnam phụ trách khu vực Hà Nội và là mắt xích quan trọng để kết nối, tạo nên cộng đồng Kei Club ngày càng phát triển, đoàn kết.

 

Đăng Khoa

Ảnh: Keieijuku Vietnam