Trao đổi với Thời báo Tài chính Việt Nam mới đây, Tiến sĩ Phạm Nguyễn Anh Huy (Giảng viên cấp cao bộ môn Tài chính, Đại học RMIT) đã nhận định về ảnh hưởng của việc một số ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Theo Hiệp hội SWIFT Nga, có khoảng 300 ngân hàng và tổ chức tín dụng của Nga nằm trong hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Hiện tại, Liên minh châu Âu mới chỉ loại 7 ngân hàng Nga khỏi hệ thống SWIFT trong khuôn khổ các lệnh trừng phạt bổ sung liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Nguyên nhân là do đây là những tổ chức tài chính có mối quan hệ mật thiết với chính phủ Nga và các chiến dịch quân sự do Nga phát động.
Ngoài ra, Liên minh châu Âu cũng chưa đưa các ngân hàng lớn có vai trò chủ chốt trong giao dịch dầu khí như Sberbank and Gazprombank vào danh sách trừng phạt, thể hiện sự thận trọng nhất định để tránh các tác động quá tiêu cực tới các tổ chức liên quan ngoài Liên bang Nga. Do đó, tôi cho rằng việc thanh toán của Việt Nam cho các đối tác Nga và ngược lại hiện nay sẽ bị ảnh hưởng một cách nhất định bởi lệnh cấm của Liên minh châu Âu, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có phát sinh giao dịch với các ngân hàng nằm trong lệnh cấm. Ngoại trừ các doanh nghiệp dầu khí, các doanh nghiệp trong các ngành chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu như thiết bị điện và điện tử hoăc nhập khẩu như ngũ cốc hay sắt thép sẽ gánh chịu những ảnh hưởng tiêu cực đến từ lệnh cấm này.
Tiến sĩ Phạm Nguyễn Anh Huy
Cần lưu ý rằng Nga là một đối tác kinh tế – thương mại lớn của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang đạt khoảng 3,2 tỷ đô la Mỹ và giá trị nhập khẩu từ Nga về Việt Nam khoảng 2,3 tỷ đô la Mỹ năm 2021. Do vậy, nếu như Nga bị loại hoàn toàn ra khỏi hệ thống SWIFT như Iran trước kia thì vấn đề sẽ nghiêm trọng hơn hiện tại. Việt Nam sẽ không thể thanh toán cho bất cứ một đối tác Nga nào, và ngược lại không có đối tác Nga nào có thể thanh toán cho các tổ chức Việt Nam thông qua hệ thống SWIFT.
Nếu điều này xảy ra, Việt Nam có thể tìm đến những giải pháp thanh toán như sau: Một là, Việt Nam có thể cân nhắc sử dụng hệ thống SPFS của Nga (một hê thống giống SWIFT được phát triển cho các ngân hàng Nga) thông qua các nước trung gian như Trung Quốc, Cuba, Armenia, Thổ Nhĩ Kỳ, Belarus, Uzbekistan hay Kazakhstan. Hai là, Việt Nam và Nga có thể thiết lập một hệ thống thông tin liên lạc song phương cho việc thanh toán. Ba là, Việt Nam có thể trực tiếp tham gia vào hệ thống SPFS của Nga. Bốn là, Việt Nam có thể sử dụng hệ thống thanh toán CIPS của Trung Quốc.
Một điều đáng lưu ý là các giải pháp trên đều tiềm ẩn nhiều rủi ro và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thanh toán giữa hai nước. Ví dụ như hệ thống SPFS chỉ hoạt động vào giờ làm việc của các ngày làm việc trong tuần, CIPS chỉ chấp nhận giải quyết các khoản thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ hay việc tăng thanh toán ngoại tệ thông qua các nước trung gian tới Nga có thể bị quản lý chặt chẽ.
Tôi cho rằng các doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng Việt Nam nên tiếp tục theo sát diễn biến trên thị trường thanh toán quốc tế và các động thái mà các bên có thể đưa ra sắp tới. Nhìn về mặt tích cực, các doanh nghiệp và ngân hàng Việt Nam có thể coi đây là một cơ hội để tìm hiểu thêm về các hệ thống thanh toán khác và chuẩn bị sẵn các phương án dự phòng rủi ro thanh toán.
(Tiến sĩ Phạm Nguyễn Anh Huy
Giảng viên cấp cao bộ môn Tài chính, Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT)