Theo một chuyên gia từ Đại học RMIT, doanh nghiệp có năng lực kỹ thuật số, kỹ năng lãnh đạo kỷ luật và thực thi nhanh chóng sẽ có thể vươn lên trong giai đoạn kinh tế khó khăn.
Chủ nhiệm bộ môn Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) và Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (Cấp quản lý) (EMBA) và Quản trị tại Đại học RMIT Tiến sĩ Burkhard Schrage cho biết, dù “vẫn chưa biết giai đoạn ‘bình thường tiếp theo’ sẽ như thế nào, nhưng chúng ta biết chắc rằng lực lượng lao động cần am hiểu kỹ thuật số, lanh lợi, kiên cường và linh hoạt hơn”.
“Lãnh đạo doanh nghiệp nên kiến tạo tầm nhìn về thế giới sau đại dịch và thực hiện các chiến lược để đạt được tầm nhìn này, bằng việc sử dụng những kỹ năng mới nhất và năng lực kỹ thuật số để đưa công ty đến giai đoạn tăng trưởng tiếp theo”.
Tuy nhiên, kiểu lãnh đạo này hiện vẫn đang thiếu hụt.
Nghiên cứu mới đây về doanh nghiệp đặt tại Việt Nam, do các nghiên cứu viên đến từ Khoa Kinh doanh và Quản trị RMIT cùng KPMG Việt Nam thực hiện, cho thấy nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam thiếu lãnh đạo có khả năng thúc đẩy đổi mới sáng tạo – một trong những lý do khiến nhiều dự án chuyển đổi số thất bại.
Để đáp ứng nhu cầu này, Khoa Kinh doanh và Quản trị cùng Trung tâm Xuất sắc kỹ thuật số (CODE) tại Đại học RMIT đã đưa chuyên ngành mới – Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – vào giảng dạy trong chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh.
Sinh viên MBA tại RMIT học cách lập trình robot để giải quyết vấn đề cấp bách với chuỗi cung ứng trong môn học mới – Quản trị doanh nghiệp kỹ thuật số.
Chuyên ngành gồm bốn môn học: Đổi mới kỹ thuật số, Quản trị doanh nghiệp kỹ thuật số, Tương lai công nghệ, và Quản trị rủi ro kỹ thuật số và Bảo mật thông tin.
Chuyên ngành mới sẽ tích hợp công nghệ số trong chương trình giảng dạy, “nhằm giúp các nhà quản trị quen thuộc với công nghệ số, khích lệ họ dùng công nghệ để đưa ra các giải pháp đổi mới sáng tạo”, Phó giáo sư Jerry Watkins, Quản lý Trung tâm Xuất sắc kỹ thuật số, cho hay.
“Chỉ riêng môn Quản trị doanh nghiệp kỹ thuật số, các nhóm sinh viên MBA sẽ học cách lập trình robot để mô phỏng việc sử dụng các phương tiện tự động nhằm giải quyết một vấn đề khẩn cấp trong chuỗi cung ứng”, ông nói. “Bài tập này vượt xa một bài hướng dẫn về lập trình robot. Các đội phải mua vật tư, xây dựng một cây cầu mô hình, và lập trình để robot đi qua cầu và vận chuyển vật tư. Ý nghĩa chính của bài tập này là cho các đội thấy rằng cách lập trình robot chỉ là một phần của giải pháp rộng hơn, và công nghệ không phải là tất cả”.
Ông Daniel Amhoff, học viên chương trình MBA tại RMIT và là quản lý cấp cao của một công ty chuyên về phần mềm và tự động hóa, cùng một nhóm sinh viên học môn Quản trị doanh nghiệp kỹ thuật số đã phát triển cách giải quyết vấn đề chuỗi cung ứng một cách đổi mới sáng tạo.
“Nhóm của chúng tôi đã phân tích vấn đề và bắt tay vào vừa nhanh chóng tạo mẫu vừa theo dõi xem nguồn vật tư nào có nhu cầu cao nhất để có thể dùng biến động giá do cung và cầu tạo lợi thế cho nhóm mình”, ông Amhoff chia sẻ.
“Các thành viên mạnh về kỹ thuật trong nhóm đã tạo ra một cây cầu với đầy đủ chức năng, các thành viên chuyên công nghệ đã lập trình để robot điều hướng đến và vượt qua cầu thành công, còn những thành viên có máu kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp đã giúp nhóm thực hiện dự án đúng thời hạn và trong ngân sách”.
Ông Daniel Amhoff (thứ hai từ phải) cùng đồng đội phát triển cách giải quyết vấn đề trong chuỗi cung ứng một cách sáng tạo.
Ông cho biết đây là một thực nghiệm thú vị và đầy cạnh tranh để học về công nghệ kỹ thuật số cũng như các khái niệm khởi nghiệp và kinh doanh.
“Tuy tư duy thiết kế, tiếp thị và nguyên tắc tài chính là những thành tố quan trọng trải dài suốt môn học, bài tập xây dựng nhóm kết hợp với CODE còn đòi hỏi chúng tôi phải đổi mới sáng tạo và kết hợp những kiến thức cốt lõi này với tư duy phản biện để tạo nên một robot đầy đủ chức năng, đồng thời phải trình bày bằng chứng thuyết phục về khái niệm đến giảng viên và cả lớp”.
TGTD