Ngày 13/10/2018, Công ty Nước mặt Sông Đuống đã chính thức công bố với nhân dân Thủ đô đã phát nước thành công. Ở giai đoạn 1 đã hoàn thành, nhà máy cung cấp 150 nghìn m3 nước/ngày đêm và đang triển khai giai đoạn 2 với dự kiến 300 nghìn m3 nước/ngày đêm.
Nhà máy đã đầu tư 5 nghìn tỷ đồng cho dự án này áp dụng công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới hiện nay, cho nguồn nước sạch đến mức có thể uống trực tiếp ngay tại vòi.
Ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch Thành phố Hà Nội uống nước trực tiếp từ vòi
Tại lễ phát nước vào sáng ngày 13/10, đích thân ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch Thành phố Hà Nội; bà Ngô Thị Thanh Hằng – Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; ông Wolfgang Manig – Phó Đại sứ Đức tại Việt Nam… cùng rất nhiều quan khách đã uống nước máy trực tiếp và đều cảm thấy rất hài lòng với chất lượng nước.
Hàng vạn hộ dân sẽ vô cùng phấn khởi vì chuẩn bị được sử dụng nguồn nước sạch từ NMNM sông Đuống, đang đấu nối với hệ thống mạng cấp nước của các công ty cấp nước của thành phố. Nhưng còn hàng triệu hộ dân ở các vùng khác của Hà Nội đang sử dụng nước từ nguồn vào và liệu rằng có đạt được đến tiêu chuẩn cao có thể uống tại vòi?
Trở lại quá khứ những năm trước đây, đã có nhiều thời điểm, ở những khu vực khác nhau tại Thủ đô, người dân đã nhiều phen tái mặt vì chất lượng nước. Vào năm 2012, người dân ở khu vực Cầu Diễn đã chủ động lấy mẫu nước sinh hoạt tại đây mang tới Viện Công nghệ môi trường làm xét nghiệm. Phiếu kết quả số 118/KQ-VCNMT ngày 15/5/2012 kết luận: “Mẫu nước trên có các chỉ tiêu Asen không đạt quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước ăn uống”, hàm lượng Asen (As) có trong nước ăn cao gấp 43 lần cho phép.
Nước nhiễm độc này, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người lớn mà nguy hiểm hơn là sẽ gây ảnh hưởng lâu dài tới trẻ nhỏ. Nguồn nước không đảm bảo là nguyên nhân gây ra các bệnh về da, đau mắt, đường ruột, đại tràng…
Trong khi đó kết quả xét nghiệm do chính Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng phát triển đô thị Hà Nội được cho là đơn vị cung cấp nước cho các hộ dân tại đây lấy mẫu ngày 13/3/2012, Viện Công nghệ Môi trường (thuộc Viện khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã cho kết quả hàm lượng nitrat (NO3) cao gấp nhiều lần cho phép (165,9 tức là gấp ba lần tiêu chuẩn cho phép).
Cũng trong năm 2012, nhiều hộ dân nhà N01 (khu nhà để bán Mỹ Đình, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội) đã căng băng rôn phản đối Công ty Cổ phần đầu tư Bất động sản Hà Nội khi họ mang mẫu nước đi phân tích thì nhận được kết quả hàm lượng asen vượt 37 lần mức cho phép.
Nghi ngờ kết quả có thể không chính xác, người dân tiếp tục lấy mẫu nước đi xét nghiệm lần 2 thì vẫn cho ra kết quả tương tự. Lúc ấy nhiều gia đình đã phải lắp tới 2 quả lọc ở đầu nguồn nước vào nhà. Nhiều gia đình dùng tới 2 máy lọc nước vì lo ngại nước quá bẩn, thậm chí có những gia đình chỉ sử dụng nước đã lọc vào sinh hoạt thông thường như tắm giặt, còn ăn uống thì phải mua nước đóng bình tiêu chuẩn.
Gần đây hơn, vào tháng 9/2017, người dân ở Khu đô thị Tây Đô (huyện Đan Phượng) cũng một phen tá hỏa vì nước sinh hoạt quá bẩn. Theo kết quả thử nghiệm mẫu nước lấy tại căn hộ 2414 – chung cư HHB (mẫu nước lấy ngày 29/9/2017) của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1 (QUATEST 1) cho thấy rõ, hàm lượng Asen trong nước là 0,03 mg/L. Như vậy, hàm lượng Asen này vượt mức cho phép nước sinh hoạt theo Thông tư 04/2009/TT-BYT của Bộ Y tế là 3 lần.
Theo kết luận thực tế đoàn kiểm tra trạm cấp nước tại nhà máy cung cấp nước cho Khu đô thị Tân Tây Đô, được biết mặt bằng trạm cấp nước còn nhiều cạn sắt, rêu, thành bể lọc có hiện tượng rò rỉ, trong kho hóa chất Clorin đảm bảo tem nhãn phụ, đăng ký lưu hành Phèn sắt chưa có tem nhãn phụ về Tiếng Việt. Ngoài ra, đơn vị báo cáo là không sử dụng Javel, thuốc tím trong xử lý nước nhưng vẫn để trong kho hóa chất…
Vụ việc lùm xùm này kéo dài đã 1 năm nay, vào tháng 8/2018 vừa qua, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội và lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Đan Phượng tiếp tục đốc thúc yêu cầu nhanh chóng xử lý dứt điểm, đảm bảo nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn cho người dân, nhưng quy trình xử lý nước sạch là rất khó (nếu công nghệ đã lỗi thời, lạc hậu) cho nên người dân vẫn đang nơm nớp lo sợ.
Mới nhất là vào tháng 7/2018 tờ Lao động đăng tải thông tin nhiều cư dân tại chung cư Thăng Long Garden phát hiện nguồn nước sinh hoạt đang sử dụng bỗng nhiên bị đổi màu (được cung cấp Công ty nước sạch Hoàng Mai). Nước sinh hoạt thường bị đóng cặn ở các thiết bị sử dụng, sau đó chuyển màu ố vàng. Ban Quản lý tòa nhà thì đã tiến hành thau rửa bể nhưng hiện tượng này vẫn tiếp tục xảy ra.
Để đảm bảo an toàn và an tâm trong sử dụng nước, Ban Quản lý tòa nhà đã tiến hành mang mẫu nước của công ty cung cấp từ đầu nguồn đi kiểm định. Kết quả hàm lượng asen trong mẫu nước là 0,0017mg/l trong khi giới hạn cho phép QCVN 01:2009 là <0,01mg/l.
Chỉ qua một vài thí dụ như vậy cũng đã đủ thấy vấn đề nước sạch ở Hà Nội vẫn là chủ đề nóng suốt nhiều năm qua và chưa biết tới bao giờ người dân mới được sử dụng nước sạch có thể “uống tại vòi”?
Tại kỳ họp thứ 6 Hội đồng nhân dân Thành phố khóa XV, các đại biểu đã chất vấn các thành viên Ủy ban Nhân dân Thành phố về việc cung cấp nước sạch tại các khu chung cư còn nhiều bất cập, chất lượng nước chưa đảm bảo.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội – ông Nguyễn Thế Hùng cũng thẳng thắn cho biết, đây là một trong những vấn đề tồn đọng, đặc biệt là một số chung cư được đầu tư tại huyện Mỹ Đức, Hoàng Mai, Hà Đông và Thanh Trì. Trước thực trạng này, Thành ủy đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra chất lượng nước tại một số chung cư, bên cạnh đó thành phố đang tập trung chỉ đạo để có thể bố trí nguồn nước mới cho những chung cư này để thay thế những nguồn nước cũ không đảm bảo.
Một ngày nhà máy có thể cung cấp được 150.000m3 nước sạch
Ngay sau lễ nhấn nút phát nước vào cuối tuần qua ngày 13/10, thì hôm nay công trình vận hành Nhà máy nước mặt Sông Đuống đã đi vào hoạt động và cung cấp nước sạch cho người dân. Một ngày nhà máy có thể cung cấp được 150.000m3 nước sạch, đảm bảo cung cấp cho 1/3 dân số Hà Nội, tương đương khoảng 3 triệu dân thuộc 8 quận, huyện ở các khu vực Đông Bắc và Đông Nam TP.Hà Nội, thay thế nguồn nước ngầm đã và đang bị ô nhiễm.
Ba triệu người dân ở 8 quận, huyện của thành phố Hà Nội đã được tiếp cận nước sạch, thay thế nguồn nước ngầm. Đây là kết quả nhờ vào việc thành phố Hà Nội đã đưa vào sử dụng Nhà máy nước mặt Sông Đuống với thiết kế tự động hóa và công nghệ tái sử dụng nước sản xuất và không xả thải ra môi trường.
Bà Đỗ Thị Kim Liên Chủ tịch HĐQT NMNM sông Đuống cho biết: Với công nghệ xử lý nước hiện đại như hiện nay, nhà máy đảm bảo theo tiêu chuẩn nước sạch của Việt Nam và thế giới. Đây là công trình dân sinh trọng điểm của thủ đô, được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa. Đây cũng là 1 trong 11 dự án nước sạch đang được thành phố Hà Nội triển khai, đảm bảo mục tiêu đến năm 2020 sẽ hoàn thiện được mạng lưới cấp nước phân phối dịch vụ cho các khu vực nông thôn, đảm bảo 100% người dân Thành phố được tiếp cận và sử dụng nước sạch.
Đánh chìm ống tuyến ống thép dẫn nước qua sông Hồng
Ngay sau phát nước giai đoạn 1, NMNM sông Đuống triển khai ngay giai đoạn 2 của dự án, dự kiến tháng 10/2019 sẽ nâng công suất lên 300.000m2/ngày đêm. Và trong chiều ngày 16/10, đã tiến hành đánh chìm tuyến ống thép dẫn nước qua sông Hồng có chiều dài 500m, dẫn nước sạch sang khu vực Hoàng Mai, Thanh Trì thay thế cho nguồn nước bị nhiễm phèn của người dân ở phía Nam thành phố Hà nội.
Tuyến ống qua sông Hồng được thiết kế đi dưới sông sử dụng 2 ống thép DN1400 (theo Tiêu chuẩn BS EN 10224: 2002,. Chiều sâu đặt ống trung bình ≥4.0m, với chiều dày lớp phủ tự nhiên lên trên khoảng 2.6m kết hợp với bê tông gia tải và bê tông bảo vệ ống tạo độ ổn định của tuyến ống băng sông trong quá trình vận hành. Sử dụng mối nối mềm DN1400 để kết nối với ống trước và sau điểm qua sông. Tuyến ống được trắc dọc trên nguyên tắc theo độ dốc địa hình của dòng sông. Đoạn ống kéo qua sông đánh chìm được thiết kế với độ dốc nhỏ nhất nằm trên địa hình bằng phẳng sau khi đã ổn định phui đào. Đoạn ống hai đầu bờ được thiết kế kết nối với ống nằm dưới sông theo độ dốc thực tế của dòng sông.
Sau khi hoàn thành tuyến ống qua sông Hồng sẽ đảm bảo cung cấp nước liên tục với lưu lượng 200,000 m3/ngđ – 300,000 m3/ngđ cho các khu vực Quận Hoàng Mai; Thành Trì và các Quận thuộc các khu vực nội đô; thay thế các nguồn nước ngầm hiện đang bị suy thoái và ô nhiễm trầm trọng góp phần cải thiện điều kiện sống; cung cấp nguồn nước sạch đảm bảo tiêu chuẩn cho người dân.
Như Trang