Người yêu nhạc Trịnh, thích tiếng hát Khánh Ly hẳn ai cũng biết Đà Lạt là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ định mệnh giữa đôi tri kỷ âm nhạc đã là huyền thoại của nhạc Việt. Nên không lạ khi bà chọn đây làm nơi mở đầu cho chuyến đi lưu diễn vòng quanh Việt Nam lần này.
Đà Lạt, cũng là nơi duy nhất trong lần về quê ca hát này, bà lưu lại lâu hơn những nơi khác, và có riêng 2 buổi để gặp gỡ công chúng theo hai hình thức khác nhau.
Buổi uống trà trong cơn mưa dài
Ngoài giọng hát, Khánh Ly còn là một người dẫn chuyện rất lôi cuốn. Dễ hiểu khi phần lớn các show diễn của Khánh Ly đều không cần tới MC. Tự bà đã có thể dẫn dắt khán giả vào không gian riêng của mình, rất hợp lý và khéo léo. Khi ấy, chỉ có thể là Khánh Ly, mới có thể chủ động kể chuyện và hát ngẫu hứng những câu hát liên quan đến điều bà muốn thể hiện. Khi ấy, khán giả mới được thấm thêm cái không gian âm nhạc và đời sống văn nghệ của Trịnh Công Sơn mà bà là chứng nhân sinh động nhất. Không chỉ vì những bài hát của Trịnh Công Sơn phải có kể chuyện mới càng tăng thêm sự hấp dẫn cho khán giả. Mà còn vì Khánh Ly là người rất có khiếu kể chuyện, bà kể rất duyên.
Vốn sống của “một người đàn bà ít học nhưng rất ham đọc sách để được học bù cho cái dốt của mình”, như lời bà tự nhận, đã cho Khánh Ly những bài viết tùy bút ấn tượng mà còn cách giao lưu khéo léo bặt thiệp mà cũng đầy hài hước của một người phụ nữ Hà thành. Đã có không ít lời mời mời bà làm “chủ xị” talkshow, nhưng bà nhất định không.
Cho nên, từ lâu, công chúng không ít lần thắc mắc sao người ta cứ mời Khánh Ly hát mà không mời Khánh Ly nói chuyện. Đến độ ca sĩ Quang Thành, trợ lý thân thiết của bà nói: “nhiều khi cũng khó nghĩ, chả nhẽ lại làm một đêm chỉ hát, một đêm chỉ kể chuyện”. Còn Khánh Ly thì cười: “người ta trả tiền mời mình hát, mà bảo mình kể chuyện, là sao!”. Cho nên, không ít khán giả thú vị khi dự buổi trà chiều cùng Khánh Ly, buổi trà chiều hiếm hoi gần như là duy nhất, mang màu sắc khác so với các lần Khánh Ly gặp công chúng trước đó. Buổi trà chiều diễn ra trong không gian nhỏ, khá ấm cúng với khách dự chỉ hơn 70 người. Bà chủ động thăm hỏi, dẫn dắt mọi người vào từng câu chuyện của mình.
Một buổi để bà tâm tình. Về đủ thứ. Có thể những kỷ niệm âm nhạc đã quen về một thời tuổi trẻ cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đã được bà nhiều lần nhắc tới. Là những lần bà tìm thăm lại ngôi trường xưa từng học, tìm lại câu cầu xưa ở hồ Xuân Hương. Nơi bà đã từng 2 lần ném nhẫn cưới, mà bà hài hước rằng cây cầu ấy không còn, như thể nó sợ bà ném nhẫn cưới đến lần thứ ba. Có khi là những kỷ niệm vụn nào đó chợt len đến. Như khi bà thèm được ăn khoai lang mật nấu, ăn bắp nếp nấu trong những ngày mưa Đà Lạt.
Một buổi trà đàm, Khánh Ly hát rất ít và hát không trọn bài, như một cách ngẫu hứng minh họa cho buổi trà chiều thêm sinh động, đưa mọi người vào từng không gian âm nhạc của ký ức. Có khi, giống như khi bà chỉ hát vài câu “Rồi mai tôi sẽ xa Đà Lạt, thành phố này xin trả lại cho em…” trong bài Tình yêu như bóng mây của nhạc sĩ Song Ngọc để minh họa cho tâm sự của mình: “Tôi đã một lần là người của Đà Lạt, nơi từng cho mình một chốn dung thân lúc cơ hàn, một cuộc hôn nhân đầu, một cuộc gặp định mệnh. Lúc nào tôi cũng ôm ấp Đà Lạt trong trái tim mình. Trong chuyến về nước lần này, tôi muốn được trở về nơi tôi đã bắt đầu. Rồi có chết ở đây, cũng là một kiếp người. Đà Lạt, Sài Gòn, Huế hay Hà Nội, ở đâu cũng là quê cả”.
Chỉ tiếc, chiều cuối tuần có mưa dài khiến cho buổi gặp gỡ hứa hẹn lãng mạn trong vườn ở khuôn viên một resort nhiều cây giữa thành phố Đà Lạt phải dời vào khán phòng. Nhưng cơn mưa ấy vẫn đủ tăng thêm cảm xúc cho những người tham dự, gặp Khánh Ly, hỏi han bà, lần giở chuyện xưa, nghe bà ôn kỷ niệm, chụp ảnh, ôm lấy bà một cách thân mật gần gũi nhất. Dù chi phí cho một buổi trà không hề rẻ. Nhưng có lẽ không mấy người bận tậm vì chi phí có được từ buổi “trà đàm” được bà đưa vào quỹ Vòng tay nhân ái cho những hoạt động thiện nguyện.
Trở lại kỷ niệm lúc hoàng hôn
Hát nhiều nơi ở quê nhà, nhưng với đêm nhạc Như một lời chia tay, là lần đầu tiên Khánh Ly hát trong một buổi chiều hoàng hôn của Đà Lạt. Có lẽ vì muốn tăng thêm độ lãng mạn thi vị mà nhà tổ chức đã quyết định chọn sân khấu ngoài trời ở Mây- in the nest, vùng ngoại ô Đà Lạt, thay vì ở trong khuôn khổ nhà hát như dự định ban đầu. Khánh Ly cũng là người nữ ca sĩ lớn tuổi nhất làm một đêm nhạc ngoài trời ở Đà Lạt. Một chương trình đông khách, có nhiều người trung niên, cao tuổi nhất ở tụ điểm ca nhạc này.
Khánh Ly luôn nói với khán giả của mình rằng bà là người của kỷ niệm. Những kỷ niệm, được bà khéo léo gói gọn trong từng ca khúc mà bà đã hát không ngừng hơn nửa thế kỷ qua. Kỷ niệm thì luôn quyến rũ với nhiều cung bậc cảm xúc. Quy luật thời gian có thể khiến người ta nhận biết rằng làn hơi của một người tuổi 78 không thể nào như xưa. Tám năm, kể từ khi Khánh Ly về nước biểu diễn, quãng thời gian đủ cho một người viết như tôi được trực tiếp lắng nghe tiếng ca ấy già đi cùng thời gian, từ khi bà 70 tuổi đến tuổi 78. Nhưng tiếng hát của kỷ niệm thì luôn được đón đợi và yêu thương. Với khán giả tìm đến tiếng hát Khánh Ly, làn hơi, dây thanh quản không phải là điều quan trọng nhất, điều cần thiết nhất là được nhìn ngắm và sống trong kỷ niệm mà họ từng trải qua hoặc nghe nói đến.
Tám năm qua, kể từ khi Khánh Ly về nước chính thức biểu diễn lần đầu tiên, đến lần tái ngộ mới nhất trong Như một lời chia tay, lần nào bà cũng hát những bài công chúng đã nằm lòng. Những Mưa hồng, Diễm xưa, Xin cho tôi, Người già em bé, Xin còn gọi tên nhau, Ca dao mẹ, Còn tuổi nào cho em…vân vân và vân vân. Nghĩa là vẫn nhạc Trịnh và những bài tình xưa. Có khi trọn vẹn một bài, có khi nằm trong chùm liên khúc. Những tưởng các bài hát quá quen ấy sẽ “nhàm”, nhưng khán giả vẫn hào hứng đón nhận. Khán giả ủng hộ khá nồng nhiệt vì được sống lại vùng kỷ niệm của những ca khúc nổi tiếng ấy, mà Khánh Ly chính là nhân chứng sống còn lại.
Khánh Ly luôn nói về chuyện chia tay, chuyện nếu ngày mai bà sẽ đi xa, khi thời gian của mình không còn dài. Bà luôn nhắc đi nhắc lại rằng, “chuyện ngày hôm qua, ngày hôm nay tôi biết, nhưng ngày mai thì tôi không thể biết. Tôi như một cái đèn dầu, dù muốn dù không cũng đến lúc cạn tim, hết dầu, đợi không biết khi nào Chúa gọi tôi về.”
Có lẽ, chính vì vậy, mà khán giả càng có nhu cầu gặp bà nhiều hơn.
Có lẽ vì vậy, Đà Lạt tặng cho Khánh Ly một ngày nhiều mây mà không có một trận mưa nào. Một ngày mà các trang dự báo thời tiết đều nhất loạn loan tin Đà Lạt sẽ mưa tầm tã suốt ngày đêm. Cho khán giả được thong dong xếp thành những hàng dài đợi vào xem kỷ niệm.
Lê Minh Hạ