Tiến sĩ Phạm Nguyễn Anh Huy: Dùng blockchain để đối phó với biến đổi khí hậu

Trong bối cảnh toàn thế giới đang tìm kiếm giải pháp nhằm giảm đáng kể lượng phát thải nhà kính cũng như tác động của biến đổi khí hậu, liệu blockchain có đem đến câu trả lời cho một tương lai bền vững hơn?

Nhiều chính phủ đã triển khai các quy định bảo vệ môi trường và cơ chế giao dịch khí thải nhằm giảm lượng khí thải và đẩy mạnh phát triển bền vững.

Theo giải thích của Tiến sĩ Phạm Nguyễn Anh Huy – giảng viên cấp cao ngành Tài chính tại Đại học RMIT Việt Nam và sáng lập viên của Trung tâm FinTech-Crypto RMIT, báo cáo minh bạch các hoạt động này là yếu tố quan trọng nhằm tạo ra tiến triển thật sự trong việc cắt giảm khí thải.

“Ở cấp độ quốc gia và khu vực, một trong những vấn đề quan trọng với cơ chế giao dịch khí thải chính là việc các hoạt động này dễ bị giả mạo, chẳng hạn như việc lừa đảo giao dịch khí thải”, Tiến sĩ Huy nói. “Ở cấp độ doanh nghiệp, ESG (môi trường, xã hội và quản trị) là một báo cáo hết sức quan trọng với nhiều tập đoàn khổng lồ, song các báo cáo này đang bị ảnh hưởng bởi dữ liệu thiếu minh bạch, đáng ngờ và khó truy xuất nguồn gốc”.

Ông nhận định rằng blockchain có thể là công cụ giá trị giúp gia tăng tính minh bạch của báo cáo và nhờ đó sẽ giảm phát thải nhà kính trong bối cảnh các quốc gia đang đẩy mạnh thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Theo Liên minh châu Âu, công nghệ blockchain có thể giúp tăng đáng kể tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và khả năng truy xuất nguồn gốc của phát thải.

“Từ việc ứng dụng blockchain, doanh nghiệp cũng sẽ bớt gian lận khí thải vì chính phủ có thể dễ dàng truy ra lượng phát thải của doanh nghiệp theo thời gian thực”, Tiến sĩ Huy giải thích.

“Blockchain cũng có thể giúp các bên liên quan sử dụng được hiệu quả mạng lưới và chuyển đổi nỗ lực của từng cá thể thành nỗ lực của cả mạng lưới. Điều này sẽ tăng cường đổi mới sáng tạo trong việc chống lại những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và dẫn đến việc phát triển bền vững”.

Bảo hiểm dựa trên blockchain nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu

Một ví dụ về ứng dụng của blockchain nhằm giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu là cách mà công nghệ này có thể giúp hàng trăm triệu người bị ảnh hưởng bởi các cơn bão nhiệt đới.

Ở những nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, người dân bị ảnh hưởng nặng nề từ các cơn bão nhiệt đới thường không được bảo vệ bằng các khoản bảo hiểm thích đáng, và ngay cả với những người có bảo hiểm, nhiều nhà cung cấp bảo hiểm lại từ chối bồi thường nếu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tiến sĩ Phạm Nguyễn Anh Huy – giảng viên cấp cao ngành Tài chính tại Đại học RMIT Việt Nam và sáng lập viên của Trung tâm FinTech-Crypto RMIT.

Tiến sĩ Huy đang cố vấn và tham mưu cho một dự án mới nhằm xây dựng nền tảng bảo hiểm theo chỉ số cho các cơn bão nhiệt đới dựa trên blockchain.

Dự án do Hillridge Technology chủ trì vừa nhận được khoản toàn trợ 200.000 đô la Mỹ từ NEAR Foundation, một trong những quỹ tài trợ blockchain lớn nhất thế giới.

Nền tảng sẽ được thử nghiệm tại Việt Nam, nơi có khoảng 7,7 triệu người chịu ảnh hưởng của các cơn bão trong năm vừa qua.

Theo Văn phòng Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, 1,5 triệu người chịu tác động trực tiếp và 177.000 người nằm trong nhóm dễ tổn thương và cần hỗ trợ nhân đạo.

Về khía cạnh kinh tế, các cơn bão gây thiệt hại 30 ngàn tỉ đồng, tương đương với 0,37% GDP của Việt Nam trong năm 2020.

Tiến sĩ Huy cho biết dự án sẽ cung cấp một công nghệ dựa trên thời tiết giúp cải thiện phạm vi bồi thường và chất lượng bảo hiểm cho nông dân và những người khác, tốt hơn hẳn bảo hiểm mùa vụ và gia súc hiện nay.

“Chúng tôi dùng các cơ sở dữ liệu dự báo thời tiết toàn cầu và hợp đồng thông minh – một ứng dụng của blockchain – để dàn xếp bồi thường bảo hiểm. Phí bảo hiểm căn cứ vào nguy cơ ngắn hạn của thời tiết xấu và được tuỳ chỉnh theo người mua bảo hiểm”, ông nói.

“Công nghệ của công ty sẽ liên tục rà soát thời tiết và nếu thời tiết chuyển biến xấu, tuỳ theo chính sách của người mua bảo hiểm, khoản bồi thường sẽ được tiến hành. Cách này giúp việc chi trả được thực hiện trong vòng vài tuần, chứ không còn là nhiều tháng nữa, và công nghệ sẽ yêu cầu đòi bồi hoàn thay cho người được bảo hiểm”, Tiến sĩ Huy nhận định.

 

H.P