Trong một hành trình thiện nguyện dài từ Sài Gòn đến Gia Lai rồi sang Bình Đình nhân dịp Quốc khánh 2/9 vừa qua, chúng tôi không chỉ mang nụ cười hạnh phúc đến bà con nghèo mà còn thấu cảm những tấm lòng phía sau những nụ cười ấy.
Những cụ bà đồng bào BaNa ở Kông Chro.
Từ chuyện về 500 người BaNa…
Hồi đầu tháng 6/2017, sau dịp công tác tại phố núi Gia Lai trở về, Vân Sơn (ký giả báo Dân Trí) trong cuộc thù tạc huynh đệ đồng nghiệp chợt chùng giọng: “Em thấy bà con BaNa ở huyện Kông Chro cực khổ thương quá mấy anh ơi”. Vậy là chủ đề làm gì đó thiết thực để giúp bà con BaNa ở Kông Chro vơi bớt nhọc nhằn được chúng tôi thảo luận suốt cuộc gặp mặt, song chưa “chốt hạ” được phương án nào cả.
Vào cuối tháng 6, chúng tôi được dịp tham gia một hoạt động tập thể cùng BV Quận 2. Trong cuộc trò chuyện cùng BS Trần Văn Khanh (giám đốc BV), chúng tôi tình cờ nghe anh kể về những người bạn, những người em rất thân tình ở Gia Lai.
Vậy là chúng tôi khơi luôn câu chuyện tìm kiếm sự hỗ trợ để bà con BaNa ở huyện Kông Chro có thêm nụ cười. Nghe xong, BS Khanh cười: “Vậy làm nghen”. Sau nụ cười dễ thương “made in Cà Mau” của BS Khanh kèm câu “chốt hạ”, chúng tôi lập tức báo “hỷ tin” qua điện thoại đến các anh em ký giả liên quan. Ai cũng vui mừng “ngon rồi, ngon rồi”.
Chúng tôi soạn kế hoạch và chốt với BS Khanh ngay trong thượng tuần tháng 7. Có 4 bên (Báo bảo hiểm xã hội, báo Dân Trí, Nhóm tương thân ký giả y tế Sài Gòn và BV Quận 2) cùng bắt tay tham gia hành trình thiện nguyện giúp 500 bà con BaNa khó khăn.
Phía BV lo đội y-bác sĩ, thiết bị y tế, vận động mạnh thường quân hỗ trợ thuốc men, phương tiện cùng 250 suất quà. Báo bảo hiểm xã hội lo vận động 125 suất quà và hoạt động tiền trạm, báo Dân Trí và Nhóm tương thân ký giả y tế Sài Gòn vận động số quà còn lại và kết nối với địa phương. “Mọi chuyện theo kế hoạch mà tiến để đến 31/8 anh em mình lên đường hén”- BS Khanh lại chốt.
Câu chuyện không lo chơi lễ mà lo nụ cười đồng bào BaNa của chúng tôi nhanh chóng nhận được sự đồng cảm, sẻ chia từ lãnh đạo BHXH tỉnh Gia Lai (hỗ trợ 125 suất quà), công ty Tân Việt Sing Foods (hỗ trợ 125 suất quà), cá nhân ông Nguyễn Phạm Hùng (hỗ trợ 40 suất học bổng), Công ty Dược ImexPharm (hỗ trợ thuốc), gia đình BS Nguyễn Hương Lan (Phó khoa Sản BV Quận 2) hỗ trợ chi phí thuê phương tiện di chuyển…
Đến cả chuyện thiết kế, in băng rôn, backdrop để thực hiện nghi thức một chút cho hoạt động thiện nguyện, chúng tôi cũng được thân hữu ở công ty quảng cáo M.Brand trợ giúp.
Các em học sinh tiểu học, trung học BaNa.
Để bà con không phải đợi lâu, chúng tôi cùng đội ngũ hơn 25 y-bác sĩ phải tranh thủ đến Kông Chro trong đêm 31/8 để sáng 1/9 bắt đầu lúc 7h30. Xe lăn bánh từ Sài Gòn lúc 6h30 nhưng mãi 22h30 mới đến nơi. Trên xe, ngồi cạnh chúng tôi là BS Ngô Văn Quốc (Trưởng khoa Ngoại chấn thương BV Quận 2), người cứ gà gật ngủ gần suốt hành trình.
Hóa ra, đêm ấy BS Quốc thức đến gần 4 giờ sáng để cấp cứu, vi phẫu nối bàn tay bị đứt toàn bộ cơ gân mạch máu và dây thần kinh bằng… mắt thường vì BV chưa có kính hiển vi hỗ trợ. “Mệt thì mệt nhưng làm việc nghĩa thì phải đi chớ…”- BS Quốc trải lòng với chúng tôi sau hành trình thiện nguyện.
Sáng 1/9, Trung tâm Y tế huyện Kông Chro nhộn nhịp hơn thường nhật rất nhiều. 500 bà con nghèo với hầu hết là đồng bào BaNa, cùng 40 em học sinh tiểu học, trung học hiện diện hôm ấy có thật nhiều nụ cười. Những nụ cười thấm đẫm tình người, thấm đẫm tinh thần “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
…đến chuyện của người con xứ dừa Tam Quan
Trước lúc khởi hành đi Kông Chro chừng tuần lễ, BS Khanh thông tin đến chúng tôi rằng sau Gia Lai, đoàn tiếp tục sang huyện Hoài Nhơn của tỉnh Bình Định để khám bệnh, phát thuốc, tặng quà giúp 1.000 bà con khó khăn ở hai xã Tam Quan Nam và Hoài Phú. Hoạt động này phía BV phối hợp cùng Hội đồng hương tỉnh Bình Định.
Vậy là sáng 2/9, chúng tôi lại tiếp tục chứng kiến nụ cười ấm áp của bà con khó khăn nơi xứ dừa Tam Quan nức tiếng miền Trung Việt Nam. Trong lúc đoàn thực hiện công tác khám chữa bệnh, chúng tôi tranh thủ tạt qua chợ Tam Quan Nam để tìm gì đó “bỏ bụng” chống đói. Ngôi chợ xã bé nhỏ ở vùng biển bãi ngang chỉ có mỗi món bánh canh chả cá.
Chị Sáu Lùn nói dân nghèo xứ dừa Tam Quan rất mừng.
“Hai chú cùng đoàn từ thiện với BS Tuấn hả?”- chị Sáu Lùn, chủ gánh bánh canh dọ hỏi trong lúc chúng tôi đang xì xụp món “đặc sản bình dân” do chị nấu. “Dạ, chị biết BS Tuấn à”- chúng tôi tò mò. “Lạ gì. Hồi nhỏ BS Tuấn nhà ở Tam Quan Nam này, ai ở đây mà hổng biết. Hồi xưa nhà BS Tuấn khó khăn lắm nhưng được cái học giỏi. Nay làm được BS rồi ở đây ai cũng mừng cho chú ấy. Dân ở đây còn khổ lắm nên BS Tuấn đưa đoàn từ thiện về thiệt là tốt quá”- chị Sáu Lùn làm một lèo.
Thì ra đoàn y-bác sĩ về đây thiện nguyện là có “đầu dây mối nhợ”. Trong cuộc trà nước sau hành trình thiện nguyện, BS Lê Hồng Tuấn (Trưởng khoa Tim mạch BV Quận 2) còn tâm sự với chúng tôi rằng từ khi trở thành thầy thuốc, anh đau đáu nỗi niềm bồi đắp đồng bào, quê hương nơi minh sinh ra bằng điều gì đó thiết thực và trong tầm với.
Nụ cười ấm áp của cụ ông ở Tam Quan Nam.
“Để có chuyến thiện nguyện này, mình phải mất cả năm để liên hệ, vận động mọi người cùng chung tay, chung sức. May mắn là mình nhận được sự ủng hộ hết lòng từ BS Khanh cũng như tất cả đồng nghiệp khác ở BV. Ngoài ra, địa phương và hội đồng hương cũng lao vào cuộc để bà con khó khăn ở hai xã Tam Quan Nam và Hòa Phú lần đầu tiên thụ hưởng hoạt động thiện nguyện về y tế và quà tặng thiết thực. Mình với bà con thiệt cảm động với sự sẻ chia của mọi người…”- BS Tuấn trải lòng.
Trong dịp Quốc khánh này, chúng tôi cùng những người nặng tình cộng đồng đã cùng nhau trải hành trình dài đẫm tình tương thân tương ái. Dẫu biết trong cuộc sống luôn chứa đựng hạnh phúc nơi này và bất hạnh nơi kia, thịnh vượng chỗ này và khó khăn chỗ nọ…, song sự quan tâm sẻ chia vẫn khiến cuộc sống tròn trịa và lấp lánh hơn…
BS Lê Hồng Tuấn tròn ước nguyện sẻ chia nhọc nhằn với quê nhà.
Mimosa Nguyễn-Mai Hân