7 sai lầm cần tránh trong CV xin việc cho sinh viên

Với những người có kinh nghiệm dày dặn, họ hoàn toàn biết cách để tạo nên một bản CV hoàn hảo. Tuy nhiên, với các bạn sinh viên thì điều này còn khá lạ lẫm và mới mẻ vì các bạn còn non nớt và chưa có nhiều trải nghiệm nên rất dễ mắc phải sai lầm. Ngay sau đây, hãy cùng tìm hiểu những sai lầm cần tránh trong CV xin việc cho sinh viên để có thể trang bị cho mình một bản CV thật “xịn sò” nhé!

Sao y bản chính mẫu CV có sẵn trên internet

Thiết kế một bản CV đẹp mắt, sáng tạo có thể không phải điều dễ dàng với phần đông sinh viên. Vì lẽ đó, các bạn thường chọn giải pháp đơn giản hơn là sử dụng mẫu có sẵn trên các trang tạo CV online miễn phí. Sử dụng các mẫu là cần thiết nhưng vấn đề là các bạn không chỉnh sửa hoặc chỉ chỉnh sửa qua loa rồi cứ thế gửi cho nhà tuyển dụng. Kết quả là hầu hết những CV xuất hiện trên mặt bàn của của nhà tuyển dụng đều na ná nhau, không có gì khác biệt, không tạo được ấn tượng tốt đẹp, có chăng thứ các bạn nhận được chỉ là những cái lắc đầu ngán ngẩm mà thôi.

Chính vì vậy, sai lầm cần tránh trong CV xin việc cho sinh viên là nhất định không được sao y bản chính những mẫu CV có sẵn trên mạng. Hãy tạo nên dấu ấn cá nhân của mình bằng cách trình bày ấn tượng hơn, đầu tư thêm thời gian để đưa vào những yếu tố sáng tạo. Đặc biệt, hãy đầu tư cho phần nội của CV bằng cách diễn đạt ngắn gọn, súc tích nhưng đầy đủ ý.

Thiết kế màu mè, gây sến

Một bản CV sặc sỡ với nhiều màu sắc khác nhau cùng những yếu tố trang trí “bắt mắt” trong suy nghĩ của các bạn sinh viên có lẽ là một cách “tạo nét” không tồi. Nhưng thực tế, trong mắt nhà tuyển dụng lại là sự lòe loẹt, sến sẩm, gây phản cảm ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Một bản CV đẹp là một CV được trình bày tinh tế và logic, màu sắc nhã nhặn, phông chữ thống nhất, bố cục hợp lý, dễ đọc và dễ nhìn. Do đó, đừng quá lạm dụng màu sắc và phông chữ mà hãy chú trọng hơn đến tổng thể.

Mắc lỗi chính tả và ngữ pháp

Sai lầm “kinh điển” nhất mà sinh viên thường mắc phải khi viết đơn xin việc là sai chính tả và lỗi ngữ pháp. Mắc lỗi này đồng nghĩa với việc bạn cẩu thả, thiếu tôn trọng đối với nhà tuyển dụng. Có thể bạn chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc nhưng hãy bù đắp cho thiếu sót đó bằng thái độ chuyên nghiệp và ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng với một bản CV được trình bày khoa học, chỉn chu.

Trước khi gửi đơn xin việc, hãy rà soát thật kỹ các lỗi chính tả, ngữ pháp xem còn sót lỗi nào hay không. Để chắc chắn, có thể nhờ người thân, bạn bè kiểm tra hộ để tránh lỗi “điểm mù” của người viết (tự mình không nhận ra lỗi sai của chính mình).

Thổi phồng năng lực của bản thân

Sinh viên mới ra trường đương nhiên sẽ không có nhiều kinh nghiệm làm việc để đưa vào CV xin việc. Vì vậy, nhiều bạn lựa chọn thổi phồng năng lực của bản thân và gây chú ý với nhà tuyển dụng bằng cách liệt kê những kỹ năng và kinh nghiệm làm việc không có thật. Tuy nhiên, sự dối trá là điều đáng lên án và là hành động cực kỳ vô nghĩa bởi vì bất cứ lời nói dối nào cũng sẽ bị phơi bày trong vòng phỏng vấn và khiến bạn bị mất sạch điểm trong mắt nhà tuyển dụng.

Thay vì đánh bóng bản thân bằng những lời nói dối, bạn nên thành thật về các thành tích, kỹ năng và kinh nghiệm thực tế của bản thân. Đồng thời khéo léo trong việc sử dụng ngôn ngữ để gây ấn tượng tốt hơn với nhà tuyển dụng.

Nói quá nhiều về thành tích học tập

Một trong những sai lầm cần tránh trong CV xin việc cho sinh viên chính là nói quá nhiều về thành tích học tập trên giảng đường. Mặc dù thành tích học tập xuất sắc là một trong những điều khiến bạn và gia đình tự hào nhưng đó tuyệt nhiên không phải mối bận tâm của những nhà tuyển dụng. Một sinh viên có thành tích học tập xuất sắc chưa chắc sẽ trở thành một nhân viên xuất sắc trong công việc.

Do đó, việc đưa vào CV quá nhiều thông tin về thành tích học tập như điểm trung bình, bài luận tốt nghiệp, thành tích đạt được trong các cuộc thi học thuật… sẽ khiến CV của bạn bị loãng và lan man, không đưa ra được những kỹ năng, tố chất và kinh nghiệm phù hợp với vị trí ứng tuyển. Hãy chỉ đề cập đến những thành tích nổi bật và có liên quan đến công việc để chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy bạn có đầy đủ tố chất và tiềm năng để đáp ứng nhu cầu của công việc.

 

Ảnh: St Internet

Chọn ảnh hồ sơ theo phong cách “so deep”

Bạn có thể nhí nhảnh trong cuộc sống hàng ngày nhưng hãy là một người trưởng thành trong công việc và sự trưởng thành đó phần nào được thể hiện trong ảnh hồ sơ của bạn. Nếu chọn ảnh quá nhỏ, không rõ mặt hoặc chọn những hình ảnh “so deep” mà bạn thường dùng để đăng “face” thì nhà tuyển dụng rất khó lòng đánh giá đúng về bạn. Hãy chọn ảnh chụp cận mặt (hoặc ảnh thẻ) để nhà tuyển dụng nhìn nhận được sự chuyên nghiệp của bạn khi chuẩn bị CV và một phần hình dung được ngoại hình của bạn.

Không điền thông tin liên hệ

Một bản CV đáp ứng được những yêu cầu kể trên sẽ giúp bạn nhận được lời mời tham gia vào buổi phỏng vấn. Nhưng, nếu CV của bạn không điền thông tin liên hệ (email, số điện thoại) thì nhà tuyển dụng sẽ liên hệ với bạn bằng cách thức nào đây?

Trong trường hợp bạn gửi CV online, nhà tuyển dụng có thể trực tiếp gửi email cho bạn dù cho không có số điện thoại nhưng bạn vẫn thành công để lại một ấn tượng cực kỳ thiếu chuyên nghiệp trong mắt nhà tuyển dụng. Có thể bạn quên nhưng đây là sai lầm cực kỳ lớn, hoàn toàn có thể lấy đi cơ hội xin việc của bạn đấy. Cho nên hãy kiểm tra thật cẩn thận trước khi gửi CV xin việc nhé!

Trang Đoàn