“Tại sao bạn lại chọn công ty chúng tôi?” là một trong những câu hỏi phỏng vấn phổ biến nhất mà bạn có thể gặp khi ứng tuyển vào bất kỳ vị trí nào. Vậy làm thế nào để có thể trả lời câu hỏi này một cách khéo léo và tạo được ấn tượng tốt?
Không có một mẫu chung nào là tuyệt đối. Điều bạn cần làm trước hết là tìm hiểu sâu về công ty để có thông tin chính xác, sau đó dựa vào từng tình huống cụ thể để đưa ra câu trả lời phù hợp, thuyết phục.
Sau đây là một số gợi ý tham khảo giúp bạn có câu trả lời tốt nhất được tổng hợp từ chuyên gia nhân sự của các trang web tuyển dụng Hà Nam, Hà Nội, TPHCM…
Hiểu rõ về công việc mình ứng tuyển
Nhà tuyển dụng có xu hướng đánh giá cao những người hiểu rõ về công việc ứng tuyển thay vì mơ hồ hoặc lí do vì muốn học hỏi, rèn luyện bản thân. Thực tế doanh nghiệp không bỏ tiền ra tuyển dụng nhân viên về để học hỏi, hoàn thiện bản thân, mà họ muốn tuyển người có thể đảm nhận tốt vị trí công ty đang cần. Vì thế nếu muốn ghi điểm, bạn nên trả lời câu hỏi “Tại sao bạn lại chọn công ty chúng tôi” bằng việc thể hiện sự hiểu biết, kinh nghiệm và mình là người phù hợp nhất với vị trí.
Ví dụ, “Là một người làm trong ngành truyền thông, đã tham gia nhiều dự án, trong đó có một số đáng chú ý như A, B, C… tôi hiểu rằng vị trí này không chỉ cần kiến thức chuyên ngành mà còn đòi hỏi cao kỹ năng tạo dựng mối quan hệ với những người trong giới X để kết nối và mang lại các hợp đồng có giá trị cho công ty. Tôi tin rằng mình làm tốt công việc này, giúp công ty tăng trưởng lợi nhuận và tạo được sự chú ý của nhóm khách hàng tiềm năng.”
Bày tỏ sự yêu mến, ngưỡng mộ công ty
Một ứng viên thích ứng tuyển vào công ty họ yêu mến là điều hết sức bình thường. Trong cuộc phỏng vấn, đừng ngại bày tỏ điều này với nhà tuyển dụng. Tốt hơn bạn nên diễn đạt điều này một cách chi tiết, tránh nói chung chung. Chẳng hạn như kể về một dự án của công ty bạn theo dõi và tâm đắc, một sản phẩm/ dịch vụ bạn ấn tượng…
Ví dụ, Theo dõi và tìm hiểu công ty đã lâu, tôi cảm thấy cực kì yêu thích các dự án của công ty đã thực hiện, tiêu biểu nhất là dự án X, Y. Tôi nghĩ sẽ thật tuyệt vời nếu như mình cũng nằm trong đội ngũ nhân viên của công ty để cùng làm việc, sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển thêm nhiều dự án như thế. Tôi tin với năng lực và kỹ năng của mình sẽ mang về kết quả khả quan.
Nói về mục tiêu nghề nghiệp của bản thân gắn liền với định hướng phát triển công ty
Bất kì một ứng viên nào cũng sẽ có mục tiêu nghề nghiệp. Dù mục tiêu của bạn là gì thì khi tham gia phỏng vấn, bạn cũng cần cho thấy sự tương đồng giữa mục tiêu đó với định hướng phát triển của công ty.
Ví dụ, “Mục tiêu của tôi là trở thành chuyên viên Marketing xuất sắc. Tôi được biết những nhân viên giỏi, năng lực tốt sẽ có cơ hội thăng tiến ở đây vì công ty có một lộ trình phát triển nhân sự rõ ràng. Do đó tôi mạnh dạn tìm kiếm cơ hội cho bản thân mình cũng như góp phần đưa sản phẩm, thương hiệu của công ty phát triển rộng rãi”.
Chú ý là đừng nói quá nhiều về mục tiêu của riêng mình vì dễ gây hiểu lầm rằng bạn dùng công việc này làm bàn đạp thăng tiến mà không quan tâm tới sự phát triển chung của công ty.
Không nên vội nói về mức lương, chế độ đãi ngộ
Không có nhà tuyển dụng nào cảm thấy hài lòng khi nhân viên gắn bó với mình chỉ vì mức lương cao, đãi ngộ tốt (dù đây là lí do ứng tuyển chính đáng). Nên tránh đề cập đến mức lương khi trả lời về lí do ứng tuyển vì điều này chỉ làm cho nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn làm việc vì tiền mà không quan tâm tới các yếu tố quan trọng khác như văn hóa công ty, môi trường làm việc hay tính chất công việc và sự phù hợp với năng lực. Hơn nữa về lâu dài, nếu ứng viên ứng tuyển vì mức lương thì có thể sẽ “nhảy” việc nếu được trả một mức lương cao hơn.
Tránh nói về các lợi ích “vụn vặt”
Những lí do như công ty gần nơi ở, có người quen làm ở đây, vị trí tuyển dụng thích hợp với lứa tuổi, sức khỏe… không có ý nghĩa gì khi bạn đưa ra đáp án cho câu hỏi tại sao bạn ứng tuyển vào công ty. Những lí do này chỉ chứng tỏ bạn là một người yếu kém, thích an nhàn, an phận và thường tuýp nhân viên này sẽ kém chủ động, sáng tạo hay nhiệt huyết. Và tất nhiên nhà tuyển dụng có thể thay thế bạn bằng bất cứ ứng viên nào tiếp theo.
“Tại sao bạn lại chọn công ty chúng tôi?” là một câu hỏi mở không chỉ để đánh giá nội dung trả lời mà còn đòi hỏi kỹ năng trình bày và diễn đạt thuyết phục của bạn. Do đó, trước khi tham dự phỏng vấn, bạn cần tìm hiểu thật kỹ thông tin về công ty, đồng thời luyện tập trước câu trả lời qua cách nói, âm điệu và thái độ vui vẻ chân thành. Những mẹo trên đây cũng chính là thông tin tham khảo cần thiết. Chúc bạn thành công.
Đặng Hảo