6 cách phản hồi tích cực khi bị chỉ trích

Hiếm ai trong suốt quá trình làm việc mà không trải qua những lời phê bình, chỉ trích. Tất nhiên chẳng ai vui khi bị phê bình nhưng với nhiều người lời phê bình chính là động lực giúp họ thành công. Bởi vậy, thay vì suy nghĩ tiêu cực hãy học cách phản hồi tích cực nhất bằng những điều sau.

Kiểm soát cảm xúc

Bất kể ai khi đối diện với lời chỉ trích cũng rất dễ mất bình tĩnh, dù là đang phỏng vấn tìm việc làm mới nhất tại Bắc Ninh, Hà Nội… hay trong quá trình làm việc. Điều này rất dễ khiến bạn có những phản ứng tiêu cực ngay lập tức dẫn tới ngôn ngữ, hành động “nóng giận mất khôn”.

Thay vì quá tập trung vào việc lựa chọn cách phản ứng thế nào thì bạn hãy hít thở thật sâu và giữ sự bình tĩnh. Đừng làm cho tình hình trở nên căng thẳng hơn bởi việc bạn phản ứng ngay lập tức trong trạng thái tiêu cực sẽ không mang lại bất cứ lợi ích nào.

Nhìn vào mặt tích cực 

Lời chỉ trích có thể đúng, có thể sai. Điều bạn cần làm là đừng nghĩ xấu hơn những gì nội dung lời chỉ trích truyền đạt. Tức là bạn không nên suy diễn. Nếu bạn nghĩ mục đích của lời chỉ trích là xấu, nó sẽ xấu thật. Thay vào đó, hãy nghĩ lời phê bình là khách quan, có mục đích giúp bạn sửa sai, điều chỉnh, thay đổi để mang lại hiệu quả cao hơn trong công việc.

Người chỉ trích cũng chỉ mong công việc của bạn, của phòng, của công ty tốt nhất chứ không mang tính bài xích, cá nhân. Khi nhìn vào những điều tích cực này, bạn sẽ đón nhận lời phê bình ở tâm thế tích cực nhất.

Lắng nghe

Thay vì lao vào tranh cãi, điều thường thấy với những người có phản ứng tiêu cực khi bị chỉ trích thì bạn hãy tập trung lắng nghe kỹ lời phê bình đó.

Lắng nghe kỹ sẽ giúp bạn kiểm soát cảm xúc tốt hơn và gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực đang trỗi dậy.

Quan trọng hơn, lắng nghe giúp bạn không hiểu sai những lời phê bình. Tất nhiên khi bạn đã hiểu đúng, hiểu rõ mong muốn của người đưa ra lời chỉ trích, bạn sẽ chủ động tiếp nhận và sửa chữa.

Đặt câu hỏi

Bạn cũng hãy đặt ra câu hỏi cho người đưa ra lời chỉ trích. Ví dụ: Lý do tại sao bạn bị chỉ trích vì điều đó? Có giải pháp nào tốt hơn cho vấn đề này?…

Cách phản hồi tích cực này làm cho cuộc đối thoại trở nên nhẹ nhàng hơn. Ngay cả khi hoàn toàn không đồng tình với quan điểm của người phê bình, bạn càng cần đưa ra câu hỏi để hai bên hiểu rõ hơn vấn đề. Nó cho thấy sự hợp tác, sự lắng nghe và tiếp thu của bạn. Điều này cũng sẽ giúp người chỉ trích “dịu xuống” để nhìn lại vấn đề khách quan và đúng đắn hơn.

Cảm ơn người đưa ra lời chỉ trích mang tính xây dựng

Những người đưa ra lời chỉ trích mang tính xây dựng nhằm mục đích muốn bạn đạt được kết quả tốt. Ngay cả khi bạn cảm thấy đau lòng khi nghe những gì đã làm sai, hãy nhớ ý định của họ và cảm ơn người đã đưa ra những lời chỉ trích mang tính xây dựng cho bạn vì đã trở thành đồng minh.

Cảm ơn họ cũng giúp bạn cảm thấy an tâm hơn – bằng cách thể hiện lòng biết ơn, bạn có thể bắt đầu làm dịu các hành động thiếu suy nghĩ trước mọi lời chỉ trích và cởi mở hơn với phản hồi.

Ngăn chặn sự gia tăng chỉ trích

Rõ ràng, lần một bạn bị phê bình có thể chưa đúng. Nhưng lần hai, lần ba… bạn tiếp tục bị phê bình thì cách tốt nhất là nghiêm túc nhìn lại việc đã làm, trung thực và thẳng thắn với chính bạn. Bạn cần chủ động sửa đổi, rút kinh nghiệm và sửa đổi để ngăn chặn sự gia tăng chỉ trích.

Hãy lưu ý những lời phê bình từ công việc trước để rút kinh nghiệm khi xử lý công việc mới. Khi xong công việc bạn cần kiểm tra kỹ càng. Với người ít bị phê bình thì kiểm tra 1-2 lần nhưng nếu bị phê bình thường xuyên thì bạn cần kiểm tra lại 4-5 lần.

Nếu bạn tiếp tục mắc sai lầm thì những lời phê bình sẽ không bao giờ mất đi. Chỉ có làm đúng, làm tốt việc được giao thì mới ngăn chặn được lời chỉ trích và không phải đau đầu tìm cách phản hồi tích cực với những lời phê bình ấy.

                                                                                                        

Nguyễn Lý