Tuyến đường sắt nối Bình Dương- TP.HCM- Cần Thơ dài 173,6 km dự kiến tổng vốn đầu tư 5 tỷ USD.
Tin từ VP UBND TP.HCM cho hay, Sở GTVT TP.HCM được giao chủ trì và phối hợp cùng Sở GTVT các tỉnh bạn (Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ) xúc tiến thực hiện quy hoạch tuyến đường sắt Bình Dương- TP.HCM- Cần Thơ.
Được biết, từ năm 2013 tuyến đường sắt nói trên đã được Bộ GTVT phê duyệt Quy hoạch chi tiết. Theo đó, chiều dài toàn tuyến là 173,6 km và có tổng cộng 14 ga. Ga hàng hóa bắt đầu từ thị xã Dĩ An thuộc tỉnh Bình Dương. Ga hành khách bắt đầu từ huyện Bình Chánh thuộc TP.HCM. Ga cuối đặt tại quận Cái Răng thuộc TP.Cần Thơ. Tốc độ tàu hàng dưới 200km/h, tàu khách trên 200km/h. Tính ra thời gian tàu chạy từ TP.HCM đến Cần Thơ chỉ 45 phút.
Sở dĩ tuyến đường sắt kết nối Đông- Tây Nam bộ này được chính quyền TP.HCM “tái khởi động” bởi dự báo từ các chuyên gia Nhật Bản cho thấy, đến năm 2030 khối lượng vận tải hành khách theo trục TP.HCM – Cần Thơ sẽ tăng đến 4,8 lần so với năm 2008, khối lượng vận tải hàng hóa cũng sẽ tăng gấp 3 lần.
Mặc dù hiệu ứng “kích thích” KT-XH liên vùng Đông- Tây Nam bộ phát triển là điều không thể phủ nhận, song tuyến đường sắt này lại đang khiến các chuyên gia tranh cải về tính ưu tiên trong đầu tư so với mặt bằng vốn hiện nay. Bên cạnh đó, bài toán kêu gọi, huy động vốn đầu tư theo phương thức nào cũng chưa có đáp án. Tuy nhiên, nếu mọi thứ “thuận buồm xuôi gió”, dự kiến đến 2024 Đông- Tây Nam bộ sẽ có thêm “xe lửa” nội vùng.
Mimosa Nguyễn