Ngày Tết ăn nhiều đồ cay, nóng, đừng quên “thủ” mật ong chữa nhiệt miệng

Khi bị nhiệt miệng trong ngày Tết, bạn cần tránh ăn các loại thực phẩm cay, nóng, chứa nhiều dầu mỡ; hạn chế uống đồ có cồn. Nếu trong nhà có sẵn mật ong, bạn hãy thử ngay cách sau để nhanh chóng chào “tạm biệt” với nhiệt miệng.

Các bệnh - Ngày Tết ăn nhiều đồ cay, nóng, đừng quên “thủ” mật ong chữa nhiệt miệng

Mật ong có thể chữa nhiệt miệng một cách thần tốc trong ngày Tết. Ảnh minh hoạ: Internet. 

Ăn nhiều chất béo, đồ cay, nóng, những thức uống có ga, bia, rượu… trong ngày Tết là tác nhân chính gây nên nhiệt miệng. Tuy không gây nguy hiểm tới sức khỏe, nhưng nhiệt miệng đặc biệt gây bất tiện trong ăn uống, sinh hoạt, khiến bạn luôn thấy khó chịu trong ngày Tết.

Khi bị nhiệt miệng, không phải loại thức ăn nào bạn cũng có thể sử dụng được. Các bác sĩ đã liệt kê một số loại thức ăn cần tránh để tình trạng nhiệt miệng không trở nên nghiêm trọng thêm.

Cụ thể, muốn nhanh chóng hết nhiệt miệng hoặc ít nhất là không để tình trạng trở nên tồi tệ hơn, bạn cần cương quyết nói không với các gia vị cay, nóng như tỏi, gừng, hạt tiêu cũng như các loại nước mắm…; tránh đồ uống có cồn, caffeine, không nên hút thuốc; hạn chế đồ chiên xào, nhiều dầu mỡ. Bên cạnh đó, bạn nên chọn những loại thực phẩm có khả năng thanh nhiệt, để giảm tình trạng nhiệt miệng.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc sử dụng mật ong giúp chữa lành vết loét nhiệt miệng nhanh chóng hơn biện pháp điều trị nhiệt miệng khác, bao gồm cả sử dụng thuốc chống viêm có chứa corticoid.

Dung dịch mật ong 30% đã có thể ức chế hoặc tiêu diệt hầu hết các loại nấm và vi khuẩn, lại có vị ngọt dễ chịu, theo VnExpress.

Cách điều trị nhiệt miệng bằng mật ong cũng hết sức đơn giản: Bạn chỉ cần ngậm mật ong hoặc lấy bông tăm thấm mật ong (có thể trộn mật ong thêm chút bột nghệ tươi) vào chỗ loét sau mỗi bữa ăn. Chỉ cần làm theo cách này, bạn sẽ sớm nói lời tạm biệt với nhiệt miệng, vết loét cũng sẽ được khắc phục hiệu quả.

Ngoài những lưu ý trong ăn uống và cách chữa nhiệt miệng bằng mật ong kể trên, theo báo Đất Việt, bạn nên chú ý vệ sinh răng miệng mỗi ngày để tránh viêm nhiễm niêm mạc miệng, họng. Ngoài ra, nên chọn bàn chải lông mềm và chải răng đúng cách, tránh gây tổn thương cho khoang miệng và động chạm nhiều đến những vết loét nhiệt miệng.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, bạn nên uống nhiều nước khi bị nhiệt miệng. Đồng thời, cần nạp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, nên tích cực bổ sung vitamin C, B1, B2… bằng các loại rau xanh và hoa quả tươi.

 

 

nguoiduatin.vn