Lộ trình lên sàn của các ngân hàng như… cóc bỏ đĩa

Đến đầu năm 2019, có 17 cổ phiếu ngân hàng đang được niêm yết/đăng ký giao dịch trên 3 sàn HOSE, HNX và UpCom.

Nhiều áp lực

Cuối năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định 108/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, quy định doanh nghiệp huy động vốn từ công chúng sau 1 năm phải đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường có tổ chức để tăng tính minh bạch cho hoạt động của các TCTD và kiểm soát được tỷ lệ sở hữu. Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, tất cả các ngân hàng đều phải “lên sàn”. Đến tháng 7/2014, NHNN và UBCK nhắc lại chủ trương trên và đưa ra lộ trình trong năm 2015, tất cả các ngân hàng thương mại (NHTM) đều phải niêm yết cổ phiếu. Thời điểm này chỉ có 9 ngân hàng niêm yết tại 2 sàn chứng khoán gồm: BIDV, VCB, CTG, ACB, EIB, STB, SHB, MBB, NVB..

Năm 2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản số 657/NHNN-TTGSNH về việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán của các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP). Trên thực tế, nhiều ngân hàng như Southern Bank, NamA Bank, HDBank, DongA Bank, SCB, OCB,… đã có kế hoạch niêm yết cổ phiếu, nhưng chưa thể lên sàn chính thức. Nguyên nhân được cho là cần chuẩn bị thêm nội lực, thị trường không thuận lợi, cổ phiếu có thanh khoản thấp, thị giá thấp khó thu hút các nhà đầu tư quan tâm. Còn theo Khoản 2, Điều 7, thông tư 180/2015/TT-BTC hướng dẫn đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết do Bộ Tài chính ban hành ngày 13/11/2015: “Trong vòng một năm kể từ ngày Thông tư có hiệu lực (ngày 1/1/2016), công ty đã là công ty đại chúng và công ty đại chúng đã hủy niêm yết trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực phải hoàn tất thủ tục đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM”. TTCK kỳ vọng sẽ đón thêm nhiều tân binh ngân hàng lên sàn UPCoM.

Tuy nhiên, đến hết năm 2016, Trung tâm Lưu ký CK Việt Nam (VSD) thông báo chỉ mới cấp giấy chứng nhận đăng ký CK và cấp mã CK cho Techcombank (TCB) và VIB. Một số ngân hàng làm thủ tục đăng ký tại VSD là Kienlongbank, VietAbank, VPBank…Sau đó 1 năm, đến cuối năm 2017, có thêm một số ngân hàng đã tiến hành các thủ tục để đưa cổ phiếu lên sàn từ cuối năm 2016 như Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)… nhưng trên sàn UPCoM chỉ xuất hiện mã chứng khoán VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế. Trong năm 2018, tiếp tục có hàng chục ngân hàng lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu như LienVietPostBank, Nam Á Bank, ABBank, OCB, Vietbank, Baovietbank, Saigonbank, VietCapitalBank… nhưng chỉ 3 ngân hàng lên sàn thành công là Techcombank, HDBank và TPBank.

Ngày 8/8/2018, Chính phủ đã ban hành Quyết định 986/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Một trong những mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2020 của ngành là “hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần trên thị trường chứng khoán Việt Nam”. Mục tiêu này được hiểu là tới cuối năm 2020, các NHTM phải niêm yết trên HoSE hoặc HNX, mà không còn được đăng ký giao dịch trên UPCoM. Gần đây nhất, tháng 2/2019, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”, yêu cầu thực hiện việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần theo hướng đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại phải niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường HoSE, HNX, UPCoM.

Chậm rãi có lý do

Mặc dù chủ trương và yêu cầu thúc đẩy mạnh các ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên sàn và giao dịch trên UPCoM đã có từ năm 2013 đến nay, nhưng chỉ có 17 cổ phiếu ngân hàng được niêm yết, đăng ký giao dịch trên cả 3 sàn HoSE, HNX, UPCoM. Một số ngân hàng như OCB, Nam Á Bank, VietBank, MSB, Maritime Bank… việc niêm yết cổ phiếu vẫn còn… trên kế hoạch.

Theo quy định tại Thông tư 26/2012/TT-NHNN, để được đăng ký niêm yết cổ phiếu trên TTCK, các ngân hàng TMCP phải hội đủ 9 điều kiện. Trong đó có điều kiện tỷ lệ nợ xấu dưới 3% so với tổng dư nợ tại thời điểm cuối quý trong thời gian 2 quý liền kề trước quý đề nghị được niêm yết. Ngân hàng cũng phải thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định của NHNN tại thời điểm cuối quý liền kề trước quý đề nghị…

Theo Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 vừa được Chính phủ ban hành, Thủ tướng đặt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%, tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu (gồm nợ xấu, nợ xấu đã bán cho VAMC hiện chưa xử lý được và các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu) dưới 5%. Do đó, nợ xấu có thể là rào cản khiến lãnh đạo của nhiều ngân hàng vẫn đang loay hoay chọn thời điểm thích hợp lên sàn.

Đối với các ngân hàng, áp lực huy động vốn là khá lớn để đáp ứng nhu cầu hoạt động và đạt các chỉ tiêu về chuẩn mực BASEL. Nhưng xử lý yêu cầu này chưa hẳn cứ lên sàn là có thể huy động thành công. Khi niêm yết cổ phiếu, ngân hàng đồng thời chịu áp lực về minh bạch, công bố đầy đủ mọi thông tin. Do vậy, xu hướng chung và phải cân đối, xử lý mọi yếu tố từ nợ xấu tới làm sạch bảng cân đối kế toán, ổn định kênh cho vay, huy động, lợi nhuận… thì mới biến việc lên sàn thành cơ hội gia tăng nguồn vốn, thương hiệu. Và đó cũng là lý do khiến nhiều ngân hàng tìm cách câu giờ thời gian để tính toán thời điểm và tận dụng cơ hội huy động vốn khi lên sàn.

Đến đầu năm 2019, nhóm cổ phiếu ngân hàng được cho là có rất nhiều dư địa để tăng điểm. Trong các năm trước đó, cổ phiếu ngân hàng vẫn nằm trong nhóm tăng trưởng mạnh nhất và dẫn dắt thị trường. Một số ngân hàng đã niêm yết như HDBank, Techombank, TPBank, ACB… có kết quả kinh doanh thuận lợi và có triển vọng phát triển tốt. Tuy nhiên, ngoài 17 cổ phiếu ngân hàng đang được niêm yết/đăng ký giao dịch trên 3 sàn HOSE, HNX và UpCom gồm: CTG, BID, ACB, VCB, EIB, STB, SHB, MB, TPB, VPB, HDB, NVB, TCB, VIB, KLB, LPB, BAB, thì còn khá nhiều ngân hàng chưa niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung theo quy định.

Dường như, cả loạt các văn bản Nghị định, Thông tư, Quyết định, Nghị quyết từ năm 2012 đến nay của Chính phủ và NHNN nhằm “thúc” các ngân hàng niêm yết cổ phiếu đang chịu lùi, trước sinh mệnh hàng chục nghìn tỷ đồng tài sản mà lãnh đạo ngân hàng mang làm “khiên”, để che chắn trước áp lực phải niêm yết để công khai hoạt động hơn nữa.

Theo khoahocdoisong