Đột tử theo quan niệm y học cổ truyền

Nếu theo định nghĩa của Y học hiện đại (YHHĐ), Đột tử là một cái chết không được dự báo, không do chấn thương, xảy ra trong khoảng thời gian ngắn 1 giờ từ khi khởi phát triệu chứng ở một người khỏe mạnh trước đó, thì Y học cổ truyền (YHCT) cũng có mô tả tình trạng trên trong chứng Quyết, tuy nhiên so sánh với định nghĩa YHHĐ còn nhiều điểm không tương đồng có thể do hạn chế về mặt nhận thức cũng như các phương tiện kỹ thuật chẩn đoán bệnh của các y gia đời xưa.

Một trong những sách kinh điển về YHCT, Hoàng đế Nội kinh Tố vấn đã luận rất nhiều về chứng Quyết, hàm ý và phạm vi rất rộng. Cho rằng Đột tử cũng là Quyết, tứ chi lạnh toát cũng là Quyết, bệnh do khí huyết nghịch loạn cũng là Quyết, bệnh rất nặng cũng là Quyết. Khái quát lại, Quyết chia làm hai loại: một loại chỉ đột nhiên ngã hôn mê bất tỉnh rồi tử vong, môt loại khác chỉ về tay chân lạnh toát, bất tỉnh hôn mê,… Các Y gia đời sau trên cơ sở đó đã tự tìm tòi và phát huy với hai loại quan điểm học thuật: Một là “Thương hàn luận”, “Kim quỹ yếu lược” luận về chứng Quyết đã kế thừa luận điểm của Nội kinh: “Thủ túc quyết lãnh vi quyết”, đồng thời nhấn mạnh do ngoại cảm tà khí mà phát sinh bệnh quyết. Loại Quyết chứng này được nghiên cứu mổ xẻ nhiều nhất trong Thương hàn, Ôn bệnh và thuộc về Quyết bệnh trong ngoại cảm bệnh chứng. Nó rất có giá trị trong vận dụng trên lâm sàng đối với những trường hợp phát bệnh Quyết có nguyên do ngoại cảm. Loại thứ hai là luận về nội thương tạp bệnh gây Quyết chứng, ở đây nhấn mạnh về tình trạng đột nhiên phát sinh hiện tượng bất tỉnh – thần trí đảo điên.

Sách “Trung y nội khoa học”, mục “Quyết chứng” định nghĩa như sau: “Do chức năng tạng phủ nghịch loạn, khí huyết vận hành không bình thường mà gây ra hiện tượng đột ngột hôn đảo (té), bất tỉnh nhân sự, rồi hoặc tử vong hoặc hồi tỉnh có kèm theo liệt hoặc không có liệt”.

Sách “Chẩn đoán phân biệt chứng trạng trong Đông y” của Viện nghiên cứu Trung Y biên soạn, dịch giả Nguyễn Thiên Quyến và Đào Trọng Cường, trong mục “Vậng quyết” ghi: “Vậng quyết là chỉ chứng trạng có đặc trưng đột ngột ngã lăn hôn mê bất tỉnh nhân sự, tứ chi quyết lạnh, chốc lát lại tỉnh, sau tỉnh không có những di chứng mất tiếng, miệng mắt méo xệch hoặc bán thân bất toại”. Đồng thời các tác giả cũng nêu lên cách phân biệt với các chứng bệnh có biểu hiện gần giống như: (1) thần hôn – triệu chứng hôn mê kéo dài khó hồi phục; (2) huyễn vựng – đầu choáng mắt hoa, thậm chí không đứng vững nhưng vẫn tỉnh táo; (3) chứng giản – tuy có hôn mê rồi tỉnh lại nhanh nhưng lại có tứ chi co giật, hoặc yếu liệt nửa người.

Như vậy, so sánh với định nghĩa của YHHĐ, chúng tôi cho rằng “Quyết” với biểu hiện tức thời hôn đảo (té ngã), bất tỉnh nhân sự hoặc kèm theo hiện tượng tay chân lạnh ngắt và có thể tử vong gần giống với Đột tử hơn, còn “Quyết” chỉ về biểu hiện tình trạng bất tỉnh hôn mê, sau tỉnh lại có thể bị Liệt thì không bàn luận trong bài này.

Tuy nhiên, có rất ít tài liệu YHCT nói về chứng Quyết có biểu hiện tức thời té ngã, bất tỉnh nhân sự rồi tử vong, trong khi đó lại có rất nhiều tư liệu – sách kinh điển luận bàn về chứng Quyết bất tỉnh hôn mê sau lại hồi tỉnh, điều đó có thể hiểu rằng, việc điều trị và phòng bệnh của người xưa thường đặt tầm quan trọng đối với những trường hợp còn khả năng hồi phục hơn.

Xét về nguyên nhân, theo sách Tố Vấn, Thiên Đại kỳ luận có nêu “Bạo quyết giả, bất tri dữ nhân ngôn” (bệnh đến một cách đột ngột, quyết liệt, hôn mê bất tỉnh), và mô tả bệnh cơ chủ yếu là khí cơ đột nhiên nghịch loạn, thăng giáng thất thường, khí huyết vận hành thất thường gây chứng quyết. Nguyên nhân do:

  • Can dương thiên kháng và có thể phối hợp cơ địa có khí hư, huyết hư.
  • Đàm hỏa nhiễu Tâm: Ăn nhiều chất béo ngọt, uống nhiều bia – rượu, phòng dục quá độ, làm cho huyết hư, sinh phong, sinh đàm – nhiễu loạn thần minh.

Khí và Huyết là hai dạng vật chất được YHCT mô tả là nền tảng duy trì hoạt động sinh lý bình thường của cơ thể. Khí là khí lực, là năng lượng hoạt động, cấu trúc nền gọi là Nguyên khí luôn được thay cũ đổi mới nhờ vào khí thở và ăn uống. Huyết là cơ sở vật chất giúp nuôi dưỡng và duy trì hoạt động cho cơ thể. Khí và Huyết là hai dạng vật chất song hành, quyện chặt vào nhau, “khí hành huyết mới hành” trong mọi hoạt động của một cơ thể sống. Người khỏe mạnh có khí huyết đầy đủ và cân bằng.

Để có được khí – huyết thịnh, quân bình và sung mãn, người ta phải:

  • Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn chậm – nhai kỹ, uống đủ nước.
  • Sống và sinh hoạt điều độ, phù hợp khí tiết bốn mùa.
  • Tập luyện vận động – thở và thư giãn.
  • Ngủ đủ, duy trì thái độ tinh thần tích cực trong cuộc sống.

Khí hư hoặc Huyết hư, hoặc khí huyết lưỡng hư là điều kiện để bất cứ yếu tố nào tác động cũng có thể thành bệnh. Và riêng với Đột tử, yếu tố ấy là Can dương thiên kháng.

Theo YHCT, có bảy loại tình cảm chi phối vào cuộc sống của chúng ta. Đó là Hỷ (vui), Nộ (giận dữ), Ái (yêu thương), Ố (ghét, ghen), Ai (bi quan – buồn chán), Lạc (thụ hưởng niềm vui), Dục (Dục vọng). Có tài liệu còn nêu bảy trạng thái cảm xúc là Hỷ (vui), Nộ (giận – tức), Ưu (lo âu), Tư (suy nghĩ căng thẳng), Bi (buồn bã -chán nản), Khủng (hoảng hốt), Kinh (sợ hãi). Bảy loại tình cảm hay bảy trạng thái cảm xúc khi thái quá hay bất cập đều có thể gây bệnh. Như trong trường hợp đột tử: Nộ khí thương Can, Nộ: giận dữ, uất ức, tức giận,… làm tổn thương Can, không tàng trữ được huyết, không làm chủ sơ tiết, không duy trì vận động, hoặc trong điều kiện khí huyết hư mà thành chứng quyết.

Để đề phòng chứng Quyết nói riêng, hay phòng bệnh nói chung nhằm duy trì sự sống và sức khỏe, một cách khái quát như đã nêu trên, bao gồm: tổ chức cuộc sống tốt, sinh hoạt điều độ – chừng mực tránh căng thẳng, ăn uống đủ chất, ngủ đủ, tập luyện thể lực, thở và thư giãn,… Những lời khuyên trên không chỉ tồn lưu trong sách vở, mà trong dân gian thành các tập quán lưu truyền như – đêm 7 ngày 3 vào ra không tính – đêm ngủ đủ 7 tiếng đồng hồ, ngày ăn 3 bữa, ăn chậm, nhai kỹ và vào ra uống nước đủ và nhiều. Khi khỏe mạnh, khí huyết sẽ dồi dào và cân bằng, dù có những biến động về cảm xúc, dù có khí hậu thời tiết trái thường, thì ta cũng có thể vượt qua bệnh tật.

Vì sao Từ Hải rơi vào bi kịch thảm thương? Người anh hùng vẫn rất tự hào: “Một tay gây dựng cơ đồ; Bấy lâu bể Sở, sông Ngô tung hoành”. Từ Hải cũng nghĩ đến nỗi nhục nhã, sự bỡ ngỡ và lạc lõng khi “Bó thân về với triều đình; Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu”. Từ Hải đã khẳng định “Sao bằng riêng một biên thùy; Sức này đã dễ làm gì được nhau”. Chàng tỏ rõ ý chí “Chọc trời khuấy nước mặc dầu; Dọc ngang nào biết trên đầu có ai!”. Tóm lại, từ một người đàn ông bản lĩnh trên trận mạc, ý chí vững vàng là thế, Từ Hải đã vì chữ Tình với nàng Kiều, và Kiều vì thơ ngây mà khuyên nhủ, để rồi đối diện với quân mai phục của Hồ Tôn Hiến mà Từ Hải chết đứng vì uất hận khi biết mình bị lừa, trước khi bị quân mai phục của Hồ Tôn Hiến giết. Cái đột tử của Từ Hải, phải chăng đến từ sự phẫn nộ, sự giận dữ người đời và chính mình!!!

Đột tử ngày nay là vấn nạn của toàn cầu, một số người trẻ ham mê công việc, vượt qua các áp lực để đạt được các thành quả nào đó, một số người trẻ khác lại lao vào những thú vui không giới hạn, sự thái quá nào cũng có thể để lại những di chứng nhất định trên sức khỏe của mình, thậm chí có khi đổi bằng cả sinh mệnh. Vì vậy biết sức mình, sống tích cực với hoài bão – ước mơ và cống hiến, nhưng cũng luôn phải nhớ rằng sức khỏe là quan trọng, giữ gìn và duy trì sức khỏe mới hưởng thụ cuộc sống được trọn vẹn.

PGS. TS. BS Nguyễn Thị Bay

– Nguyên Trưởng bộ môn Bệnh học

Khoa Y học cổ truyền, ĐH Y dược TP. HCM

Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn