Để “kiêng” sao cho “lành”

Đầu năm lễ bái hay cúng kiếng đủ kiểu là đức tin cá nhân, nếu không vi phạm pháp luật hay đạo đức thì cứ tùy nghi chọn lựa. Tuy nhiên, khi các áp đặt nhuốm màu mê tín lan vào lĩnh vực thiết kế – xây dựng thông qua các truyền tụng vô căn cứ thì rất cần các khung kiến thức, bộ lọc văn hóa để giảm thiểu tác hại về vật lý, tâm lý đối với gia chủ. Đón lành tránh dữ, kiêng sao cho “lành” thực chất liên quan đến cách ứng xử khi làm nhà.

“Lành” từ lối sống, không gian
Sau các biến động kinh tế, xã hội, môi trường… ngôi nhà an lành vẫn luôn còn đó với các tiêu chí vượt thời gian, căn bản và thiết thực, không có gì quá xa vời. Phong thủy thể hiện triết lý Đông phương về chuyện thịnh hay suy được xét theo từng thời điểm (thiên thời), địa điểm (địa lợi) và nhân hòa. Hai chữ phong và thủy cũng mang tính tương tác để hòa hợp, trôi chảy trong sử dụng, đi lại… trong đó phong là sự dịch chuyển thay đổi của khí trường trên địa hình cao thấp (sơn thế), còn thủy với đặc trưng là những đường uốn khúc, lượn sóng và đa diện cong là biểu hiện của sự tự nhiên trong hành xử. Nhưng yếu tố “tự nhiên như nước chảy” không phải là tự nhiên tùy tiện, mà là sự thuận theo quy luật tự nhiên làm tiêu chí chủ đạo khi bài trí không gian.
Quy luật tự nhiên chỉ ra các giới hạn mà cơ thể con người chịu được về ánh sáng, tiếng ồn, không khí… khiến cho các ý tưởng kiến trúc hàm chứa nhiều tiêu chuẩn khoa học ứng dụng. Còn các xu hướng mang tính hình thức trong đường nét, màu sắc, chất liệu… là bề mặt thiên về quan điểm cá nhân (thẩm mỹ riêng) và xã hội (xu hướng chung) khiến cho nơi cư trú luôn thay đổi cùng sự phát triển, luôn có các mâu thuẫn, và do đó luôn phải loại bỏ, bù trừ để tồn tại theo thời gian.
Cụ thể hơn, các tiêu chí phong thủy xưa nay luôn biến đổi cùng tiến bộ khoa học kỹ thuật, không cố định lạc hậu. Lý do những nội thất tối giản bên Nhật Bản, hay kiểu nhà gạch trần thô mái ngói hàng hiên rộng ở Việt Nam luôn được đa số chấp nhận, bởi chúng đáp ứng được nhu cầu sử dụng, tâm thức văn hóa, thích ứng khí hậu… và vô số khả năng tùy biến mà những kiểu thức nhà cửa du nhập xa lạ, thời thượng khác sẽ chỉ mang tính nhất thời, thiếu gần gũi và không thoải mái. Tức là lối sống tạo nên phong cách, từ đó hình thành không gian đặc thù, để quay trở lại quyết định tiêu chí an lành cho nhà cửa.
Không gian có kết nối thiên nhiên, hoặc đóng theo môi trường bên ngoài… sẽ mang lại khả năng tùy biến, thích ứng tốt hơn
“Lành” do tương tác nhân văn
Ngôi nhà riêng ngày càng thể hiện cá tính chủ nhân và bắt kịp xu thế chung của kiến trúc thế giới. Gia chủ ngày càng trẻ hơn, thông tin, dữ liệu “đầu vào” ngày càng nhiều và nhanh hơn, nhưng hiểu biết về phong thủy đôi khi không tương ứng với sự nhanh, nhiều, nhạy… đó. “Có còn hơn không” thành câu cửa miệng khi người trẻ làm nhà, sửa nội thất, bài trí căn hộ… khiến sự hiểu biết về phong thủy dần được nhà chuyên môn hiện nay (cần, phải) xem trọng, ít ra là dưới khía cạnh “thuốc an thần” cho chủ đầu tư. Có còn hơn không, khi nhiều kiến trúc sư sẵn sàng chiều lòng khách hàng bằng cách đợi họ đi “xem thầy” đầy đủ rồi quay lại thiết kế, khỏi phải chỉnh sửa nhiều lần phương án.
Với các kiến trúc sư du học về thì lại cho rằng: bên Tây không có phong thủy sao vẫn phát triển vậy? Lời đáp là: không minh chứng khoa học nào chỉ ra việc phong thủy quyết định đến sự phát triển hay không phát triển của một đất nước, một cá thể. Vấn đề nằm ở chỗ: với người phương Đông, phong thủy là một phần thuộc về văn hóa trong kiến trúc, là cách cư xử với môi trường thiên nhiên và xã hội sao cho hòa hợp, cộng thêm các yếu tố truyền tụng dân gian, tín ngưỡng địa phương và giao lưu văn hóa qua thời gian. Môi trường phương Tây khác mình, và chính họ cũng khác nhau thì làm nên đa dạng văn hóa, đa dạng “hệ sinh thái kiến trúc”. Họ cũng có đủ các loại kiêng kỵ, quan niệm lành dữ… nhưng chẳng qua “dân Tây” không gọi tên là phong thủy như ta gọi mà thôi. Yếu tố mê tín và cầu may mắn thì ở đâu cũng có, nhưng người làm kiến trúc phải biết phân biệt đâu là mê tín, đâu là nhu cầu chính đáng, cái gì làm được (mà không hại đến giải pháp, môi trường, thẩm mỹ) thì làm cho gia chủ, cái gì thiếu cơ sở khoa học thì phải biết phân tích, chứng minh. Một nhà thiết kế không phân biệt được bàn thờ ông địa, ông thần tài là giải pháp phong thủy hay tín ngưỡng dân gian thì sẽ thiếu lý lẽ thuyết phục khi trình bày phương án với gia chủ.
Việc tương tác nhân văn trong xã hội là điều kiện cần có để không gian cư ngụ ngày một “lành” hơn, như gần đây có ý kiến nói đùa mà khá đúng thực trạng đáng buồn, đó là việc có khi phải treo biển “coi chừng chủ dữ” cho những ngôi nhà có nuôi chó! Không hành xử nhân văn thì mọi giải pháp mệnh danh phong thủy hay cầu lành tránh dữ để trở nên vô nghĩa, thiếu thực tế.
Những ví dụ về kiến trúc hiện đại dù cách nhau cả trăm năm vẫn luôn dựa trên nền tảng cơ bản về cấu trúc và tương tác môi trường
“Một nhịn, chín lành” 
Hiện nay đa số gia chủ và người làm chuyên môn đều biết phong thủy như là một cách thức sắp xếp theo kiểu “có kiêng có lành”, tham khảo cho biết, giúp tâm lý mọi người thoải mái hơn, không quá mơ hồ và chấp nhận giải pháp nào là “hợp phong thủy”. Ví dụ như đóng trần che bớt cái đà băng ngang trên giường, sơn màu tường này hợp với tuổi mình hơn… đều được giới chuyên môn vui vẻ chấp nhận. Nhưng khi bị “nhiễu thông tin” quá mức thì lại sinh ra tâm lý lo ngại, bệnh tưởng tượng, nhìn đâu cũng thấy nguy hiểm rình rập nhà mình, và đổ thừa mọi thứ tại phong thủy gây ra.
Cha ông ta thuở trước chọn đất cất nhà, che nắng đón gió luôn dựa vào thực tiễn cuộc đất, mỗi vùng miền có điều chỉnh tùy nghi, sáng tạo từ các nguyên tắc cơ bản về khí hậu. Một ngôi nhà nắng chiếu trực tiếp chói chang là thuộc diện dương quang quá mạnh, như các căn hộ chung cư trên tầng cao, không thể nào làm cửa mở rộng như nhà nhỏ dưới trệt được, vì ánh sáng trên cao không có gì che bớt (cây xanh, nhà lân cận) sẽ chói chang gay gắt hơn. Biến đổi khí hậu hiện nay không còn là khái niệm xa vời nữa, chỉ xét riêng trong lĩnh vực xây dựng nhà cửa có thể thấy xu hướng quay trở về giá trị bền vững theo thời gian là điều lốt lõi của mọi giải pháp. Để tạo một môi trường ở hợp phong thủy mà nói gọn là “ lành” hơn, thì mọi kiểu nhà đều cần giải quyết câu chuyện nhường nhịn đúng mức, cụ thể là:
– Nhường hình thức đi sau tiện ích: qua việc giảm các xếp đặt mang tính trang trí tạo khối, mà tăng giải pháp cho tiện ích nhiều hơn, như khung kính cách âm ở hướng ồn ào và bụi, tránh dùng sàn quá thô ráp ở nơi nhiều người già, trẻ em hoặc chốn bếp núc… Vật liệu tự nhiên phải xử lý an toàn, thân thiện và không quá thiên lệch một chủng loại nào, nhất là khi nhà ở không phải môi trường kinh doanh, nơi bày vẽ hình thức thu hút khách khứa sẽ khác “nơi ta sống với mình”.
– Nhường ngoại cảnh để đóng mở linh động: các đô thị lớn sẽ tỷ lệ thuận với mức độ ô nhiễm, nên nhà nông thôn sẽ có tính toán về ngoại cảnh, trồng cây, hồ nước… khác với nhà đô thị. Thực tiễn sử dụng, quá trình bảo trì bảo dưỡng, hiệu quả môi trường… của việc trồng cây xanh trong từng ngôi nhà luôn phức tạp và khó kiểm soát. Các thiết kế đô thị bền vững luôn đề cao tỷ lệ mảng xanh công cộng, góp phần tối ưu hóa không gian chung để thuận tiện hơn cho các tùy biến riêng. Điều này chưa được thực hiện đồng bộ và sâu rộng ở Việt Nam nên nhà riêng vẫn thể hiện nhiều quan niệm trái chiều, do vậy việc cóp nhặt kiểu nhà sẽ thành sự áp đặt hình thức (dạng nhà gạch trần như lò gạch, nhà hộp tối giản trồng cây dày đặc để nuôi muỗi, hay nhà phố dạng resort có nhiều tranh tre) khi “vào” điều kiện đô thị Việt Nam cần biến đổi, cân nhắc cho phù hợp.
Xu thế kiến trúc sinh thái, kiến trúc xanh hiện nay đang phát triển chính là mong mỏi tạo dựng nơi cư trú hài hòa và cải tạo tốt môi trường sống như Singapore hay Hong Kong, những nơi đi một bước là gặp phong thủy. Vấn đề là họ phát triển đồng bộ và đa dạng, độc lập và khoa học hiện đại trong vấn đề phong thủy, chứ họ không tin tưởng lệch lạc vào phong thủy một cách cổ hủ, vô căn cứ.
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 201
Nguồn : https://ktds.vn/de–“kieng”-sao-cho-“lanh”