Cần biết khi phân chia nhà sau khi ly hôn ở Mỹ

Bạn đã mua căn nhà trước khi bạn gặp người sẽ trở thành bạn đời của mình. Tuy nhiên, trong thủ tục pháp lý và dàn xếp vụ ly hôn, bạn sẽ tự hỏi người phối ngẫu của bạn có thể đòi hỏi căn nhà đó phải được coi như một tài sản hôn nhân hay là người đồng sở hữu ?

Đối với một căn nhà chỉ được liệt kê dưới tên của một người hôn phối, sự phân chia trị giá của căn nhà có thể tế nhị. Và có thể bạn cần biết một vài chi tiết trong tiến trình ly hôn của bạn.

Bạn có thực hiện một vụ đầu tư khôn ngoan không?

Khi nền kinh tế hoạt động tốt, bình thường giá trị của một căn nhà tăng lên –  dù bạn không thay đổi một thứ gì về nó. Nếu tiền bạc của vợ chồng đã không đóng góp vào những kỳ thanh toán hàng tháng, và phí tổn bảo trì (hoặc bất cứ điều gì khác liên quan đến căn nhà của bạn), khi đó căn nhà vẫn là tài sản riêng, chứ không phải là tài sản hôn nhân.

NhaDat-LyDi

Dù người phối ngẫu đóng góp nhiều hay ít, việc phân chia tài sản về căn nhà vẫn tùy thuộc tòa án.

Việc mua nhà xảy ra trước khi bắt đầu cuộc hôn nhân của bạn thường vẫn là tài sản cá nhân của bạn. Do đó, nó thường không phải phân chia khi giải quyết một vụ ly hôn. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, bạn có thể thấy tài sản riêng của bạn biến thành tài sản hôn nhân.

Bạn đã “tặng” căn nhà cho người phối ngẫu?

Các quy tắc của tiểu bang được áp dụng trong trường hợp này, nhưng có thể rằng tài sản đó được chuyển đổi thành tài sản hôn nhân – dù không có đồng bạc nào trong các ngân khoản hôn nhân được sử dụng để bảo trì, trả tiền thế chấp hoặc tân trang căn nhà.

Thí dụ, có thể bạn đã mua một căn nhà cần sửa chữa bằng tiền của mình, nhưng người phối ngẫu mới của bạn lắp đặt một mái nhà mới, và sửa chữa mọi đường ống rò rỉ. Nếu vậy, sự khó nhọc này có thể cho phép người đó chia sẻ một phần trị giá của căn nhà; điều này đặc biệt đúng trong trường hợp công việc của họ trực tiếp đem lại giá trị bán lại cao hơn cho căn nhà.

Bạn cũng có thể thấy tài sản bị chuyển đổi nếu nó đã được sử dụng như căn nhà hôn nhân trong một số năm. Trong trường hợp này, quan tòa có thể quyết định như thế này: Dù căn nhà đã từng là tài sản riêng biệt, cả hai vợ chồng đều có quyền hưởng phần trị giá của căn nhà – bởi vì khoảng thời gian dài mà cả hai đều cư ngụ trong căn nhà. Tòa án có thể coi như một người phối ngẫu đã “tặng” căn nhà cho người kia.

Trong trường hợp quỹ hôn nhân được trực tiếp sử dụng để bảo trì căn nhà (dù để trang trải tiền thế chấp, hoặc chỉ là trả tiền điện), rất có thể căn nhà đó trở thành tài sản hôn nhân. Cả hai vợ chồng sẽ có một phần trị giá của căn nhà vì quỹ hôn nhân đã được sử dụng để điều hành căn nhà, và cả hai vợ chồng đều được hưởng lợi.

Người phối ngẫu của bạn có thể đòi bao nhiêu?

Nếu căn nhà từng được coi như tài sản riêng biệt, phần mà người phối ngẫu của bạn có thể đòi chia từ căn nhà sẽ tùy thuộc vào luật pháp tiểu bang. Tuy nhiên, họ thường không được hưởng hết giá trị của căn nhà. Thay vào đó, họ có thể hưởng giá trị hiện tại của căn nhà vượt quá giá trị nguyên thủy vào lúc bắt đầu cuộc hôn nhân.

Việc phân chia tài sản về căn nhà vẫn tùy thuộc tòa án. Nó có thể tùy theo số tiền đóng góp vào nhà, cũng như công lao hoặc những tân trang làm tăng giá trị của nó. Việc tính toán có thể không đơn giản như một vụ chia đều trị giá của căn nhà.

Nếu bạn cho rằng căn nhà mà bạn mua vẫn là tài sản riêng của bạn, bạn có thể nên nghĩ lại. Trên thực tế, người phối ngẫu của bạn có thể đòi hưởng một cách chính đáng một phần giá trị mà tài sản đó đã tích lũy trong những năm kết hợp với bạn.

Bạn có thể nên thảo luận về các khoản đóng góp của bạn trong hôn nhân vào căn nhà với một nhà phân tích tài chánh ly hôn được chứng nhận. Sau đó, bạn có thể xác định tài sản sẽ được phân chia ra sao khi ly hôn.

(NV)