Cách đối phó để tránh tai nạn khi lái xe ở Mỹ

Trên trang mạng xe hơi www.edmunds.com, trong chuyên mục “Những Lời Khuyên Khi Lái Xe,” một chuyên viên than phiền rằng những kỳ thi lấy bằng lái xe ở Mỹ dễ dàng quá, nên nhiều người lái xe không đủ kiến thức, kinh nghiệm để đối phó với những tình huống nguy hiểm thường xảy ra, có thể dẫn đến tai nạn.

Nếu học lái máy bay, học viên phải chứng tỏ mình có thể giải quyết được những tình huống khẩn cấp căn bản. Còn đối với người học lái xe hơi, họ chỉ cần chứng tỏ mình quẹo xe đúng luật. Hay khó hơn một chút, là biết cách “parallel parking” (đậu xe vào chỗ trống giữa hai xe), mà có những tiểu bang còn bỏ qua cả yêu cầu này như California chẳng hạn.

lai-xe

Cho đến khi thực tế lái xe trên đường, gặp tình huống khẩn cấp, người lái không biết phải làm gì, và tai nạn là điều khó tránh khỏi!

Chuyên viên này học được những kỹ năng căn bản để đối phó với những tình huống lái xe khẩn cấp để tránh gây tai nạn từ những tạp chí và sách hướng dẫn dành cho người đua xe. Sau đó, ông đúc kết, điều chỉnh lại thành lời khuyên dành cho người lái xe hơi bình thường. Sau đây là một vài lời khuyên hữu ích nhất:

-Tình huống nguy hiểm 1: Cũng giống như câu tục ngữ quen thuộc “phòng bệnh hơn chữa bệnh,” cách hay nhất để sống sót trong một vụ tai nạn chính là… đừng để dính líu vào bất cứ tai nạn nào.

Hãy chấp nhận bạn là người chịu trách nhiệm bất cứ điều gì xảy ra khi đang lái xe. Công việc chính của bạn là tập trung vào việc lái, sẵn sàng như chung quanh bạn đều là… người lái xe vi phạm luật! Cảnh giác như sẽ có người vượt đèn đỏ, như có người sắp quẹo trái ngay trước mũi xe bạn. Hay như trong một đoạn kẹt xe trên xa lộ, mà có người lái xe vẫn đang mải mê… nhắn tin qua điện thoại…

Bạn hãy nhận diện ra những tình huống tương tự như vậy trước khi nó biến thành khẩn cấp cho chính mình. Một cách hữu hiệu là hãy quan sát rộng, xa, tổng quát trên đường đi. Luôn giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước. Thí dụ, khi thấy toàn bộ xe phía trước đều đỏ đèn thắng phía đuôi, điều đó có nghĩa là có chuyện đang xảy ra. Hãy giảm tốc độ xe mình lại tức thì, để giữ khoảng cách an toàn.

-Tình huống nguy hiểm 2: Người đi bộ, xe hai bánh. Khoảng 36% các tai nạn xe cộ xảy ra là tại giao lộ, khi các xe đang quẹo hay cắt ngang giao lộ. Hiện nay, do phía trước xe phải đủ lớn để chứa các túi khi an toàn, cho nên tầm nhìn của tài xế khá bị khuất. Tài xế khó quan sát rõ những chiếc xe hai bánh, hay khách bộ hành cắt ngang qua đường.

Vì vậy, trước khi bẻ tay lái quẹo tại ngã tư, hãy quan sát hết sức cẩn thận. Hãy nhớ ba chữ viết tắt BLT = brake, look, turn (thắng lại, quan sát, rồi mới quẹo). Quan sát cửa sổ bên hông khi chuẩn bị quẹo. Nếu U-turn, hãy nhìn qua cửa sổ phía sau xe. Và ngay cả khi đi qua giao lộ lúc đường xanh, cũng nên nhìn qua cửa sổ hông, để phòng khi có kẻ… vượt đèn đỏ.

Một thực tế nghe có vẻ nghịch lý: Ở Mỹ, quẹo phải khi đèn xanh là lúc phải quan sát nhiều hướng, để bảo đảm an toàn. Này nhé, khi bạn đèn xanh, là lúc khách bộ hành cũng đèn xanh, nên họ bắt đầu băng qua đường.

Mà khi bạn đèn xanh, thì cũng có thể một tay quẹo trái từ phía bên chiều ngược lại cũng vào chung làn đường quẹo phải của bạn, và họ quên chuyện quẹo phải được ưu tiên hơn.

Đó là chưa kể, khi bạn chạy chậm để quan sát cẩn thận trước khi quẹo, ở đằng sau mình có một tay đang vội đi thẳng, cho nên bấm còi thúc giục, khó chịu vô cùng!

-Tình huống nguy hiểm 3: Thắng khẩn cấp. Đó là những tình huống phải đạp thắng tối đa để dừng xe tức thì, thí dụ như đang đi trên xa lộ mà bất thần có một chú nai vàng ngơ ngác băng qua đường.

Với các xe đời mới có trang bị hệ thống ABS (antilock braking systems), công việc của người lái xe tương đối dễ dàng: Hãy đạp thắng hết ga, giữ vững tay lái cho đến khi xe dừng lại hẳn. Hệ thống ABS sẽ tự động làm công việc của nó, giúp cho xe dừng một cách an toàn.

Một trong những công dụng tuyệt vời của ABS là giúp cho người lái xe có thể vừa thắng vừa bẻ tay lái mà không gặp nguy hiểm. Vỏ xe chỉ tạo lực cản lớn nhất để dừng xe là khi xe chạy thẳng.

Còn khi vừa thắng vừa bẻ lái, thì bánh xe không còn lăn nữa mà sẽ trượt. Lúc đó, xe không còn khả năng dừng lại, lẫn điều khiển tay lái. Xe sẽ quay vòng rất nguy hiểm.

Được biết, tất cả các đời xe từ 2012 trở đi đều bắt buộc phải trang bị hệ thống ABS. Trong khi chỉ có khoảng phân nửa số xe có đời thọ từ 15 tuổi trở lên có ABS. Do đó, khi lái một chiếc xe đời cũ, nên kiểm tra xem xe có ABS hay không, để ứng phó cho đúng cách.

Lưu ý rằng khi xe có hệ thống ABS, người lái xe cũng có thể gặp rắc rối khi không quen. Thí dụ, người lái vừa đạp thắng gấp, vừa bẻ tay lái gắt để tránh một con nai.

Sau khi đã tránh được rồi, người lái lại chưa trả tay lái thẳng lại, mà đã buông thắng. Lúc đó, xe có thể sẽ chồm về hướng tay lái đang được bẻ với tốc độ còn khá nhanh. Hậu quả là xe né được con nai, nhưng lại đụng vào… gốc cây bên đường! Hãy tập thói quen trả thẳng tay lái lại trước khi nhả thắng.

Một điều nữa cần lưu ý khi thắng khẩn cấp: Đừng để ý đến xe đằng sau, mà hãy thắng càng nhanh càng tốt. Bởi vì nếu họ đụng bạn từ đằng sau, lỗi thuộc về họ. Trong khi nếu bạn thắng không kịp và đụng xe đằng trước, thì bạn sẽ bị lỗi.

-Tình huống nguy hiểm 4: Lạc tay lái ra khỏi đường cái. Theo Cơ Quan An Toàn Giao Thông Xa Lộ Quốc Gia (NHSTA), có khoảng 25% các trường hợp tai nạn chết người là chỉ liên quan đến một chiếc xe, tức là tự mình gây tai nạn cho chính mình. Và 70% trong số này là do tài xế bị lạc tay lái, hai bánh đã ra khỏi đường bê tông chạy trên lề đất đá, và sau đó hoảng loạn và phản ứng sai. Điểm đáng nói là những trường hợp như vậy có thể tránh trở thành tai nạn, nếu người lái bình tĩnh hơn.

Hãy giảm tốc độ bằng cách buông chân ga, giữ tay lái cho thẳng, để cho xe tự giảm tốc độ rồi nhẹ nhàng hướng nó lên đường trở lại. Không nên sử dụng thắng, trừ trường hợp cả bốn bánh xe đều đã ra khỏi đường bê tông. Nếu không xe sẽ dễ mất thăng bằng, lạc hướng lao thẳng xuống lề đường, gây tai nạn cho người trên xe.

-Tình huống nguy hiểm 5: Bể bánh xe. Rất nhiều người hốt hoảng khi nghe tiếng nổ bánh xe, và tìm cách dừng xe lại càng nhanh càng tốt bằng cách đạp thắng gấp, đồng thời bẻ tay lái vào bên trong lề. Đó là hành động sai lầm lớn. Với một bánh xe bị bể, việc bẻ tay lái ở tốc độ cao nhiều khả năng xe làm cho xe bị lật.

Việc làm đúng nhất trong tình huống này là tạm thời đạp thêm ga và giữ thẳng tay lái. Với một bánh bể, xe sẽ không thể nào tăng được tốc độ cho dù ta đạp ga cỡ nào. Ngược lại, việc giữ chân ga sẽ giúp cho ta quên chuyện đạp thắng. Ta chỉ còn một việc phải làm, là tập trung chuyển làn xe một cách an toàn, cho đến khi xe vào hẳn bên trong lề đường.

Một lưu ý hữu ích để có thể tránh trường hợp bị nổ bánh xe bất ngờ trên đường: Hầu hết xe bị nổ bánh trên xa lộ xảy ra trong những lúc thời tiết nóng, và xe đang chạy tốc độ nhanh với bánh xe mềm, bơm không đủ áp lực. Bánh xe mềm là nguyên nhân làm hỏng lớp bố. Vì vậy, khi đi xa trên những đoạn đường nóng như băng qua sa mạc để đến Las Vegas đánh bài, nhớ kiểm tra áp lực vỏ xe trước khi đi.

-Tình huống nguy hiểm 6: Bẻ tay lái quá gắt. Trong tình huống khẩn cấp, cần điều khiển tay lái nhanh, nhưng phải “trơn tru,” chứ không nên gắt. Bởi vì bẻ tay lái gắt sẽ làm cho bánh xe mất độ ma sát. Và nếu bánh xe sau bị trượt, sẽ dễ dẫn đến việc lật xe!

lai-xe1

-Tình huống nguy hiểm 7: Bánh trước hoặc bánh sau bị trượt do đường trơn. Nếu bánh trước (bánh dẫn động) bị trượt, hãy buông chân ga, nhưng cũng đừng đạp thắng. Cũng không nên bẻ tay lái trong lúc này. Bạn hãy bình tĩnh chờ cho đến khi bánh xe bám vào mặt đường trở lại, đồng thời… cầu nguyện là trong thời gian đó mình chưa đụng vào gốc cây, hay rào cản bên lề đường.

Còn trong trường hợp bánh sau bị trượt? Ta không thể can thiệp được nhiều như bánh trước, mà đành phải… chờ. Những xe có hệ thống ESC (Electronic stability control) sẽ có khả năng chống trượt tốt hơn.

Nhớ kiểm tra gai của bánh xe có còn đủ sâu hay không. Xe mòn hết gai dễ bị trượt. Và nhớ là hãy đặt những bánh có gai sâu hơn ra phía bánh sau.

(NV)