Xu thế xuất bản tại các quốc gia ASEAN: Hợp tác One Asean liệu có khả thi?

Tại hội sách Hà Nội 2019 diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long được sự hỗ trợ tổ chức từ Sở thông tin và truyền thông Hà Nội, công ty cổ phần Sách Thái Hà đã tổ chức sự kiện “Hoạt động xuất bản và thị trường sách tại các nước ASEAN” với sự tham gia của đại diện xuất bản các nước:

– Ông Dominador D. Buhain, Chủ tịch Tập đoàn Xuất bản Rex, Philippines, Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Asean, Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Châu Á Thái Bình Dương

– Bà Sonia A. Santiago, Thư ký Ủy ban Sách Quốc Gia, Hiệp hội Nhà xuất bản giáo dục Philippines

– Bà Laura Prinsloo, Chủ tịch Ủy ban Sách Quốc gia Indonesia

–Ông Aung Si Thar, Thành viên Ủy ban Điều hành Hiệp hội các Nhà xuất bản và Phát hành sách Myanmar

– Ông Hasri Hasan, Phó TGĐ Thành phố Sách Kotabuku, Malaysia

– Ông Nguyễn Mạnh Hùng,Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sách Thái Hà

Tới tham dự sự kiện, mỗi đại diện đều đã có những chia sẻ vô cùng hữu ích về ngành xuất bản sách nói chung và những khó khăn riêng tại từng quốc gia. “Sự cần thiết có một diễn đàn chung cho các nước ASEAN trong lĩnh vực xuất bản là vô cùng cần thiết.” Ông Dominador D. Buhain Chủ tịch Tập đoàn Xuất bản Rex, Philippines, Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Asean, Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Châu Á Thái Bình Dương chia sẻ, “Bản thân tôi cũng bỏ tiền cá nhân để có một buổi hội thảo chung cho các nước Asean tại Hội sách lớn nhất thế giới.” Đặc biệt năm vừa rồi, Indonesia, lần đầu tiên một quốc gia Đông Nam Á, được làm khách mời danh dự tại Hội sách thế giới tổ chức tại Frankfurt, Đức.

Bà Laura Prinsloo, Chủ tịch Ủy ban Sách Quốc gia Indonesia, cũng chia sẻ về sự phát triển của ngành xuất bản tại Indonesia, sự cần thiết và tầm quan trọng của chính phủ trong việc hỗ trợ tạo điều kiện cho các công ty xuất bản. “Và không chỉ đơn thuần là văn hoá đọc, chúng ta còn cần nghĩ đến cả lợi ích kinh tế và sự đa dạng ngôn ngữ trong việc xuất bản sách tại các quốc gia Đông Nam Á”.

Chúng ta đang có lợi thế về sự tương đồng trong vị trí địa lý và những nét văn hoá nhưng đồng thời cũng gặp khó khăn trong rào cản ngôn ngữ cũng như chi phí dịch thuật. Đây cũng là câu hỏi được các độc giả tham dự đặt ra khi “chúng ta đều muốn phát triển một thị trường sách chung dành cho các nước Đông Nam Á thì làm cách nào để xây dựng một quy chuẩn chung, một nền tảng chung cho văn hoá đọc ở khu vực này?”

Bà Laura cũng nói thêm về việc các quốc gia Đông Nam Á cần xây dựng một nền tảng online, một website chung để các quốc gia có thể đề xuất những cuốn sách bán chạy, hay các chính sách hỗ trợ dịch thuật từ chính các nước ASEAN.

Ông Hasri Hasan Phó TGĐ Thành phố Sách Kota Buku, Malaysia cũng chia sẻ thêm về ý tưởng One ASEAN (Một Châu Á) của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, đây là một ý tưởng hay đã được trao đổi cách đây vài năm, sau đó tới mỗi quốc gia ông đều chia sẻ và đề này đối với các chính quyền. Tuy nhiên không phải không tồn tại những khó khăn trên con đường hiện thực hoá mong muốn này. Không chỉ rào cản ngôn ngữ hay vấn đề kinh phí mà còn là khó khăn tại chính mỗi quốc gia.

Như ông Aung Si Thar, Thành viên Ủy ban Điều hành Hiệp hội các Nhà xuất bản và Phát hành sách Myanmar có chia sẻ về tình hình xuất bản sách và ngành xuất bản tại đất nước Myanmar “Cả đất nước có tới 2000 nhà xuất bản nhưng chỉ có khoảng 200 công ty làm việc có hiệu quả. Hơn nữa tuy giá sách chỉ rơi vào 1,5-2 Đô-la một cuốn sách nhưng so với thu nhập bình quân đầu người tại quốc gia ông thì vẫn khá cao. Và cho đến hiện tại chỉ có 63 hiệu sách trên toàn quốc.”

Tại Myanmar cho đến hiện tại vẫn chưa có hội sách dành cho nhiều lứa tuổi nhưng sau khi tới Việt Nam, ông nghĩ nên về và triển khai ngay tại đất nước của mình. Hay như tại Malaysia số lượng sách xuất bản theo nghiên cứu của UNESCO cần đạt 0,1% dân số nhưng thực tế vẫn chưa đạt tới con số này. Cả nước chỉ có 200 NXB chính thức và 400 NXB không chính thức. Mặc dù số sách trung bình một người dân đọc đã tăng từ 2010: 8 cuốn lên 15 cuốn /năm vào năm 2014. Số liệu có vẻ tốt nhưng thực tế không phải như vậy, tìm hiểu gốc rễ của vấn đề: văn hóa đọc vẫn chưa thực sự phát triển. Ngồi suy nghĩ 1 cách nghiêm túc, nhìn lại bản thân, vấn đề của những người đứng đầu và các tổ chức là chưa tính toán một cách rõ ràng, con số thống kê chưa chuẩn.

Còn rất nhiều khó khăn chung khác như thiếu các chính sách hỗ trợ của quốc gia, thiếu vốn đầu tư, thiếu hụt những tác giả có sức hút trên thị trường sách thế giới hay vấn nạn bản quyền, sách lậu tràn lan… Nhìn vào thị trường sách, rất nhiều người nói “nó đang chết dần” nhưng sự thực không phải vậy, nó chỉ là đang tự cải tạo lại mình, đây là một thị trường đa dạng, không ngừng biến hóa để bắt kịp thời đại.

Xin mượn lời Bà Sonia A. Santiago, Thư ký Ủy ban Sách Quốc Gia, Hiệp hội Nhà xuất bản giáo dục Philippines để khép lại bài viết “Chúng ta cần số hóa sách, tăng chất lượng và khuyến khích người trẻ đọc sách nhiều hơn, khuyến khích sự giao lưu giữa các công ty xuất bản sách tại các nước Đông Nam Á nhiều hơn. Và để một cuốn sách thu hút không chỉ dựa vào chiến lược Marketing mà chính từ tâm của người làm sách.”

Nguồn: thaihabooks.com