Xả lũ hồ Hòa Bình: Cá chết chưa từng thấy

Tính từ ngày 18.7, sau khi Thủy điện Hòa Bình mở 3 cửa xả đáy, đến ngày 24.7, ước tính có khoảng gần 400 tấn cá của các hộ chăn nuôi đã bị chết do “sốc” nước, “sặc phù sa”.

Hàng trăm lồng cá của người dân tại lưu vực sông Đà thuộc 2 tỉnh Hòa Bình và Phú Thọ bị thiệt hại, trị giá lên tới hàng chục tỉ đồng. Đến thời điểm ngày 24.7, số lượng cá nuôi của các hộ dân tại chết tuy không ồ ạt, nhưng vẫn tiếp tục rải rác, chưa dừng lại.

ca chet1

Số lượng cá chết vẫn chưa ngừng lại

Tuy nhiên trao đổi với chúng tôi, bà Đặng Thị Duyên, Phó Giám đốc Chi cục Thủy sản tỉnh Hòa Bình cho biết, đến sáng nay, 2 địa phương bị thiệt hại trong tỉnh Hòa Bình là Kỳ Sơn và TP Hòa Bình vẫn đang tiếp tục thống kê số liệu và xác thực lại.

Theo báo cáo của huyện Kỳ Sơn, lượng cá chết đến sáng nay ước khoảng 35,6 tấn, còn TP Hòa Bình báo cáo có hơn 20 tấn cá lồng bè chết.Theo Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình, hiện Hòa Bình có khoảng trên 4.000 lồng bè nuôi cá, trên lưu vực sông Đà có khoảng 400 lồng bè ở hạ lưu đập thủy điện Hòa Bình. Thống kê đến sáng 24.7 đã có 251 lồng bè bị thiệt hại, trọng lượng khoảng hơn 20 tấn.

Tại Phú Thọ, chịu thiệt hại nặng nề nhất là các hộ nuôi cá trên địa bàn huyện Thanh Sơn do các lồng cá này nằm ở hạ lưu sông Đà, nơi đang có hơn 440 lồng bè nuôi cá của bà con ven sông. Theo ước tính, hiện có khoảng 50% số lồng bè có cá ở huyện Thanh Sơn bị thiệt hại, với số lượng cá chết ước khoảng 350 tấn.

Thông tin đánh giá ban đầu, nguyên nhân cá chết là do “sốc” bởi thay đổi môi trường sống đột ngột, sặc bùn, môi trường nước trong hồ chứa không phù hợp, dòng chảy tạo các xoáy ngầm, lượng phù sa bị “khuấy”, lượng ôxy trong nước thay đổi hoặc giảm sút… khiến cá bị ngạt khí.

Để xác định được nguyên nhân chính xác, Chi cục Thủy sản tỉnh Hòa Bình đã cử cán bộ xuống thực địa lấy mẫu nước và cá gửi xuống Viện Khoa học công nghệ Việt Nam để kiểm tra, tuy nhiên hiện vẫn chưa có kết quả. Đến thời điểm này, lượng cá chết vẫn tiếp tục rải rác.

Điều đáng nói là lượng cá chết quá nhiều khiến người dân không thể bán, đành phải tiêu hủy, hoặc bán “tháo” với giá rẻ 10 nghìn đồng/kg; đối với cá nhỏ, giá còn thấp hơn.Người nuôi cá đang “méo mặt” bởi vụ cá này coi như mất trắng.

Để hỗ trợ bà con, Sở NNPTNT 2 tỉnh Hòa Bình và Phú Thọ đã kiến nghị hỗ trợ người nuôi cá. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chưa có bất kỳ thông tin nào về việc bồi thường thiệt hại hoặc hỗ trợ 1 phần kinh phí cho bà con.

PV Báo Lao Động cũng đã gửi câu hỏi tới ông Trần Quang Hoài – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) – Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, nhưng vẫn chưa được hồi đáp.

ca chet

Người nuôi cá trắng tay.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Đặng Trần Công – Chánh Văn phòng Cty Thủy điện Hòa Bình bày tỏ sự thông cảm đối với các trường hợp cá chết do “sốc”, đồng thời bày tỏ quan điểm: Việc xả lũ sông Đà là bất đắc dĩ để đảm bảo an toàn cho đập thủy điện trong thời điểm lũ chính vụ.

Việc xả lũ được thực hiện đúng quy trình theo Lệnh của Bộ trưởng Bộ NNPTNT – Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường. Trước khi xả lũ, đơn vị đã phối hợp với địa phương và các ngành chức năng để thông báo tới người dân các tỉnh vùng hạ du để ứng phó với xả lũ.

Theo LĐ