Việt Nam thu hơn 100 tỉ đồng tiền phạt vi phạm an toàn thực phẩm

Nhiều doanh nghiệp bị phạt hàng trăm tỉ đồng do vi phạm an toàn thực phẩm vừa được Bộ Y tế công bố.

Con số này được Bộ Y tế công bố tại diễn đàn an toàn thực phẩm (ATTP) với chủ đề “Phát triển thị trường cho hàng Việt” do Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam phối hợp với Hiệp hội hàng Việt Nam Chất lượng cao tổ chức sáng ngày 28-8, với sự tham gia của lãnh đạo nhiều bộ, ngành, hiệp hội cùng 300 doanh nghiệp.

Theo bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục ATTP-Bộ Y tế, trong 5 năm, từ 2011-2015, qua công tác thanh kiểm tra hơn 3 triệu lượt cơ sở, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 620.000 lượt cơ sở vi phạm, trong đó hơn 46.000 lượt cơ sở bị phạt với tổng số tiền hơn 100,6 tỉ đồng. Đáng chú ý, số lượng cơ sở vi phạm phát hiện ngày càng ít dần nhưng số tiền phạt ngày càng cao.

Việt Nam cần kiểm soát dư lượng thuốc BVTV nông sản nếu muốn xuất khẩu

Chẳng hạn, trong năm 2015 đã xử phạt hơn 25 tỉ đồng đối với gần 7.000 cơ sở vi phạm, trong khi năm 2011 trước đó số tiền phạt chỉ hơn 14 tỉ đồng nhưng số cơ sở vi phạm là gần 10.500.  Các vi phạm chủ yếu là: điều kiện vệ sinh cơ sở; trang thiết bị, dụng cụ; con người; ghi nhãn quảng cáo thực phẩm; thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Trong khi đó, qua kiểm tra đánh giá việc thực hiện kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong trái cây, rau, thảo mộc và gia vị để xuất khẩu sang châu Âu do Trung tâm Eurofins Sắc ký Hải Đăng tiến hành trong tháng 3-2017, kết quả chỉ ra rằng tại Việt Nam dù có quy định thiết lập hệ thống kiểm soát  thuốc BVTV.

Tuy nhiên, vẫn còn một khoảng cách đáng kể trong việc áp dụng biện pháp kiểm soát. Hậu quả là không có hệ thống kiểm soát thuốc BVTV hiệu quả cho thực phẩm xuất khẩu sang châu Âu và cơ quan có thẩm quyền cũng không thể đảm bảo sản phẩm của Việt Nam tuân thủ các yêu cầu quốc tế về mức dư lượng tối đa thuốc BVTV, trong đó có quy định của châu Âu.

Theo các chuyên gia, Việt Nam được xếp thứ hạng cao về xuất khẩu nhiều loại sản phẩm nông nghiệp, tuy nhiên chưa được đánh giá cao về mặt chất lượng, giá trị, khả năng cạnh tranh và thường bị các nước nhập khẩu trả về vì lý do ATTP. Tình hình này cần được cải thiện và cần cải tiến hệ thống ATTP, chia sẻ trách nhiệm…

Theo NLĐ