Vì đâu mua sắm trực tuyến nhiều nhưng thanh toán điện tử ít?

Mặc dù thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển đáng kể, lượng thanh toán điện tử vẫn ở mức thấp, chủ yếu do thói quan của người tiêu dùng.

Tốc độ tăng trưởng trung bình năm giai đoạn 2015 – 2018 của thương mại điện tử Việt Nam đạt 25%.

Theo báo cáo Chỉ số thương mại điện tử 2019, thương mại điện tử của Việt Nam năm 2018 tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) ước tính tốc độ tăng trưởng đạt 30% so với năm 2017.

Về quy mô, dù điểm xuất phát thấp khoảng 4 tỷ USD năm 2015 nhưng nhờ tốc độ tăng trưởng trung bình trong ba năm liên tiếp cao, quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2018 lên tới khoảng 7,8 tỷ USD.

Thị trường này bao gồm bán lẻ trực tuyến, du lịch trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, giải trí trực tuyến và mua bán trực tuyến các dịch vụ và sản phẩm số hoá khác.

VECOM cho rằng nếu tốc độ tăng trưởng duy trì mức 30% thì tới năm 2020, thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt quy mô khoảng 13 tỷ USD, cao hơn mục tiêu được đề ra cho khu vực này giai đoạn 2016 – 2020.

Theo Báo cáo e-Conomy SEA 2018 của Google và Temasek, tốc độ tăng trưởng trung bình năm giai đoạn 2015 – 2018 của thương mại điện tử Việt Nam đạt 25% và dự kiến thị trường sẽ lên mức 33 tỷ USD vào năm 2025.

Nếu kịch bản này diễn ra, Việt Nam sẽ sở hữu quy mô thương mại điện tử lớn thứ ba tại khu vực Đông Nam Á vào năm 2025, sau Indonesia (100 tỷ USD) và Thái Lan (43 tỷ USD).

Theo TechinAsia, lượng người dùng Internet tại Việt Nam xếp thứ ba trong số các nước Đông Nam Á được khảo sát (Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia và Singapore) với 44 triệu người năm 2015 và dự kiến tăng lên mức 82 triệu năm 2020.

Mỗi ngày, người dùng tại Việt Nam trung bình dành khoảng 6 giờ 52 phút để truy cập Internet qua điện thoại di động.

Mặc dù thương mại điện tử và số người dùng tại Việt Nam gia tăng đáng kể, mức chi tiêu trong mỗi lần mua sắm trực tuyến cũng như thanh toán trực tuyến lại ở mức thấp.

TechinAsia cho biết trong khi Singapore hay Malaysia có tỷ lệ bán hàng nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng lên tới 100%, Philippines đạt 95%, Thái Lan đạt 90% thì Việt Nam chỉ dừng ở mức 60%.

Tỷ lệ nhận chuyển khoản ngân hàng cao hơn, ở mức 88% và tỷ lệ thanh toán khi nhận hàng đạt tới 82%, cao hơn tất cả các quốc gia được khảo sát còn lại.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tại phiên thảo luận về thanh toán điện tử trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế tư nhân năm 2019 cho biết chỉ 3-5% lượng giao dịch sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, với tỷ lệ thanh toán trực tuyến chiếm tỷ trọng rất thấp.

“Việc thay đổi thói quen của khách hàng, cải thiện quy trình thanh toán là đòi hỏi cấp thiết, không chỉ riêng với thương mại điện tử mà cả với sự phát triển của kinh tế số”, bà Huyền nhấn mạnh.

Theo vị Phó cục trưởng, mấu chốt để thay đổi điều này là xây dựng niềm tin của người tiêu dùng trong thương mại điện tử.

Bên cạnh việc đưa ra những hành lang pháp lý, những thể chế để thúc đẩy phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, cần có những giải pháp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, thay đổi niềm tin của khách hàng với quy trình thanh toán không dùng tiền mặt.

Ông Đào Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã “điểm danh” một số rào cản cần tháo gỡ nhằm phát triển thanh toán điện tử.

Thứ nhất, thói quen của người tiêu dùng là vấn đề lớn nhất. Hiện 60% dân số Việt Nam đủ độ tuổi mở thẻ nhưng 80% trong số này vẫn dùng tiền mặt. Mua hàng trực tuyến đã thay đổi thói quen song giao hàng theo hình thức COD (nhận hàng và trả tiền trực tiếp) vẫn là chủ yếu.

Thứ hai là nhiều doanh nghiệp ngại chấp nhận phương thức thanh toán mới.

Thứ ba là chưa có nhiều chính sách khuyến khích đối với các thành phần tham gia.

Thứ tư là phát triển hạ tầng. Theo ông Tuấn, việc chia sẻ dữ liệu có rào cản nhất định vì dữ liệu ngân hàng đòi hỏi pháp lý cao nên cần có sự tham gia của Nhà nước.

Chia sẻ cùng quan điểm, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cũng cho rằng rào cản lớn nhất về việc áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt là thói quen của người tiêu dùng. Nhiều người vẫn giữ thói quen dùng tiền mặt dù rằng áp dụng công nghệ, những ứng dụng thanh toán mang lại sự tiện lợi hơn rất nhiều.

Một rào cản khác cho sự thay đổi là khoảng cách giữa nói và làm. Ông Dũng nhận định hành lang pháp lý đang đi chậm hơn so với công nghệ từ 3-5 năm và cho rằng nếu không có những cơ chế thí điểm quản lý thì việc theo kịp với sự phát triển của công nghệ là rất khó.

Mặc dù mua sắm trực tuyến khá lớn, khách hàng Việt vẫn ưa chuộng hình thức thanh toán bằng tiền mặt. Ảnh: Quang Định

Về vấn đề sử dụng dữ liệu, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng rào cản nằm ở sự tham gia của các bộ, ngành liên quan. Muốn áp dụng thanh toán điện tử cho các dịch vụ như điện, y tế hay giao thông, cơ quan quản lý cần cơ chế chia sẻ dữ liệu, xây dựng hệ thống liên thông với những Bộ, ngành liên quan để chia sẻ thông tin khách hàng, tạo ra một cơ chế thanh toán thông suốt.

Ngoài những rào cản về mặt cơ chế, ông Dũng cho rằng một vấn đề đang tồn tại trong thương mại điện tử là lòng tin của khách hàng.

“Những nền tảng thương mại điện tử bán hàng không đúng quảng cáo, không đúng mẫu mã yêu cầu khiến khách hàng không thực hiện thanh toán trước”, Vụ trưởng Thanh toán cho biết.

Ông Dũng khuyến nghị nếu những dịch vụ ngân hàng đáp ứng được quy tắc 3-1-0 sẽ tạo ra sự thay đổi rất lớn. Nghĩa là mọi nghiệp vụ phải hoàn thành trong thời gian 3 phút, ứng dụng phải đáp lại yêu cầu trong thời gian 1 giây và không có sự can thiệp của con người trong quy trình này.

Về phía ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TP Bank cho biết ngân hàng này cũng phải đối mặt với nhiều thách thức vì hiện nay tình trạng giả mạo danh tính trên các kênh giao dịch rất nhiều, từ giả mạo thông tin cho đến giả mạo cả người đến làm thủ tục, thậm chí đến nay còn có tình trạng mua bán thông tin thật của một ai đó rồi thuê người đến làm thẻ, ebank và sử dụng tài khoản đó.

Nếu Chính phủ có cổng xác thực thông tin và dữ liệu mở để các ngân hàng khai thác thì có thể hạn chế được nhiều.

Nguồn: https://theleader.vn/vi-dau-mua-sam-truc-tuyen-nhieu-nhung-thanh-toan-dien-tu-it-1556856437436.htm