Vài suy nghĩ về giờ làm trong ngày

Ðất nước Việt Nam diện tích chỉ vỏn vẹn 330.992 km2, lại nhỏ hẹp, nằm trong cùng một múi giờ, vì vậy tất cả mọi hoạt động kinh tế, hành chính, xã hội từ lâu nay đều lấy một giờ duy nhất làm chuẩn. Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển và hội nhập mạnh mẽ như hiện nay, nhiều ý kiến đang đề xuất thay đổi giờ làm cho phù hợp với xu hướng thế giới hay đặc thù của từng địa phương, dù chỉ đang là những ý kiến cá nhân nhưng qua các phương tiện truyền thông, dễ nhận ra nhiều người ủng hộ việc bắt đầu giờ làm việc hằng ngày muộn hơn hiện tại.

Đi học sớm mùa đông – ảnh: báo Gia Lai

Mới đây, một người bà con tại Mỹ gọi điện cho biết, tiểu bang nơi người thân đang sinh sống bắt đầu thay đổi múi giờ do đã bước qua mùa Ðông, nên dặn dò để thuận tiện thì những liên lạc như điện thoại, e.mail cần tính toán giờ gọi, giờ gởi cho thuận tiện. Hỏi thăm thì được biết vì nước Mỹ rộng lớn nên có nhiều múi giờ khác nhau, tiểu bang nơi họ sinh sống thuộc Bắc bán cầu,  theo vòng xoay của trái đất tùy từng tháng trong năm sẽ có ngày dài đêm ngắn hay ngược lại, vì vậy ở từng thời điểm đã có những mốc thời gian thay đổi để tiện sinh hoạt, giao dịch.

Việt Nam chúng ta, một đất nước nằm gần đường xích đạo nên sự chênh lệnh ngày và đêm trong năm không lớn và không rõ ràng lắm, nhưng vẫn có sự chênh lệnh đáng kể không khó để nhận ra tại những vùng miền đặc thù về khí hậu. Chẳng hạn ở địa phương nơi tôi sinh sống là thành phố cao nguyên Ðà Lạt, những tháng cuối năm cảm nhận không khí mùa Ðông rất rõ ràng, nhiệt độ về đêm thường từ 11-17 độ C. Ði kèm với thay đổi nhiệt độ thì những tháng này bầu trời rất nhanh tối và lâu sáng, tức thời điểm đêm dài hơn ngày khá rõ ràng. Nếu học sinh học ca sáng phải rời nhà lúc 6g15 –  6g30 để kịp vào lớp lúc 7 giờ thì nhiều ngày trời chưa sáng hẳn, nhiệt độ giờ này thường hạ xuống rất thấp, kết hợp sương mù khiến việc di chuyển có phần khó khăn và hại sức khỏe; tương tự công chức ở đây xưa nay bắt đầu giờ làm lúc 7g30 thì cũng phải rời nhà trong tiết trời rất lạnh. Có một thực tế là, chỉ những người học hay làm theo quy định hành chánh là dậy giờ đó vào mùa này, còn lại ở Ðà Lạt trong mùa Ðông, những người làm công việc tự do đều tự dịch chuyển theo thời tiết, ví dụ các cửa hàng kinh doanh buôn bán sẽ mở cửa muộn hơn, kể cả việc đi làm các thủ tục hành chính, khám bệnh nếu không phải là nơi quá đông đúc cần phải bốc số chờ đợi thì người dân cũng chờ trời ấm hơn mới đi. Ðáng chú ý, việc thay đổi giờ giấc sinh hoạt trong năm ở miền này cũng đã được một số linh mục quản xứ áp dụng từ lâu : tùy theo mùa mà giờ lễ, giờ chầu hằng ngày tại nhà thờ có sự điều chỉnh cho phù hợp với thay đổi thời tiết và rất được giáo dân ủng hộ.

Từ những trải nghiệm này, cá nhân tôi thiển nghĩ giờ làm việc và giờ nghỉ ở từng vùng nên để các địa phương chủ động thay đổi cho phù hợp với khí hậu và điều kiện tại chỗ trong từng thời điểm của năm, miễn là đảm bảo đủ số giờ làm việc hay giờ học trong một ngày, như một số nước trên thế giới vẫn làm.

Nguồn: cgvdt.vn

http://www.cgvdt.vn/ban-doc/vai-suy-nghi-ve-gio-lam-trong-ngay_a10221