Startup Việt Nam – Những sai lầm dẫn đến thất bại

Vì sao nhiều startup Việt Nam háo hức khởi nghiệp rồi ngậm ngùi “dẹp tiệm” ? Vấn đề nóng hổi này được đưa ra bàn luận và phân tích bởi các chuyên gia tư vấn tại Chương trình Cafe cùng doanh nghiệp – Chuyên đềđặc biệt dành riêng cho các doanh nghiệp startup do Ủy ban Thương hiệu Truyền thông và Công ty Saigon Biz tổ chức vào ngày 25/06 vừa qua tại Canteen (Quận 1, TPHCM).

Hiểu sai về startup

“Việt Nam hiện có hơn 1.500 startup nhưng nhiều dự án startup thất bại ngay từ khi còn là ý tưởng nằm trên giấy.”, ông Nguyễn Tấn Huy – Tổng thư ký Hội đồng Doanh nhân Việt Nam cho biết.

Ông Nguyễn Tấn Huy Tổng thư ký Hội đồng Doanh nhân Việt Nam bên trái

Ông Robert Trần – Tổng Giám đốc Tập đoàn Tư vấn chiến lược Robenny Khu vực Mỹ, Canada và Châu Á Thái Bình Dương cho biết: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại là lầm tưởng giữa startup và entrepreneur.”

Để là một startup, bạn phải có ý tưởng “mới”. Chuyên gia Robert giải thích thêm: “Một là ý tưởng chưa từng có trên thế giới. Hai là ý tưởng đã có ở nước ngoài, sau đó đưa về Việt Nam và điều chỉnh phù hợp thị trường nội địa. Ba là sản phẩm có tính năng mới dựa trên tính năng nền tảng, là giải pháp mới trong một lĩnh vực. Còn Entrepreneur là kinh doanh cho riêng mình vì không thích làm cho doanh nghiệp.”

Sai ngay từ các bước nền tảng

Có 6 bước nền tảng:

-Xác định định hướng chiến lược

-Xác định mô hình kinh doanh

-Mô hình hoạt động phù hợp với định hướng và mô hình kinh doanh

-Xây dựng cơ cấu tổ chức

-Chuyển đổi văn hóa

-Thực hiện

Chuyên gia Robert Trần cho biết: “Sai lầm của nhiều startup không xác định rõ mục tiêu và không kiên trì “bám chặt” mục tiêu.”

Ông Nguyễn Tấn Huy Tổng thư ký Hội đồng Doanh nhân Việt Nam, ông Robert Trần, doanh nhân Phan Trần Quân cùng trò chuyện trước chương trình

Chuyên gia đưa ra dẫn chứng, khi các startup gọi vốn đầu tư thì thường bị nhà đầu tư “xoay vòng vòng” vì không có mục tiêu rõ ràng, đến khi đi cùng nhau thì cũng chẳng được bao lâu do khác biệt về giá trị theo đuổi của đôi bên. Đây cũng là nguyên nhân nhiều startup có vốn đầu tư “khủng” mà vẫn thất bại. Câu chuyện The KAfe và Đào Chi Anh sau khi có vốn đầu tư 5 triệu USD vẫn thất bại là bài học điển hình.

“Hãy thuyết phục chủ đầu tư bằng những giá trị sản phẩm mang lại và nên nhớ phải giữ vững mục tiêu ban đầu.”, Chuyên gia Robert Trần khuyên.

Thêm một sai lầm nữa của các startup Việt Nam là nhầm lẫn giữa lưu đồ và cơ cấu tổ chức. Điều này gây ra việc thừa thiếu nhân sự ở các doanh nghiệp startup. Các doanh nghiệp cần xác định để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng thì cần có bước gì rồi mới vẽ cơ cấu tổ chức, từ đó nắm được số lượng nhân sự cần tuyển cho từng bộ phận.

Thực thi luôn là bước quan trọng nhất. Nhiều startup Việt Nam sau khi lên chiến lược thì không biết cách thực hiện. Đây là nguyên nhân khiến nhiều ý tưởng hay “chết yểu” trên giấy.

DSC03580

Thiếu kĩ năng

Không phải cứ có ý tưởng hay là sẽ thắng trận. Chuyên gia Robert Trần cho biết chủ doanh nghiệp startup cần trang bị kĩ năng sale; kĩ năng gọi vốn đầu tư; kĩ năng tuyển dụng và giữ nhân tài…

Từng giảng dạy kĩ năng sale cho các doanh nghiệp startup tại Thung lũng Silicon Mỹ, ông Robert Trần cho biết: “Chủ doanh nghiệp phải thuyết phục được nhà đầu tư và làm họ tò mò về dự án trong…5 phút trình bày ý tưởng. Nếu không, hãy quay về tiếp tục đi làm cho các công ty để tích lũy thêm kinh nghiệm.”

Làm sao để gặp chủ đầu tư mà ý tưởng không bị đánh cắp? Đây là câu hỏi lớn của nhiều chủ doanh nghiệp đặt ra cho diễn giả tại chương trình. Trả lời câu hỏi đây, chuyên gia Robert Trần khuyên: “Thứ nhất, cần chuẩn bị tâm thế “gọi vốn” chứ không “xin”, tức là vị thế ngang bằng nhau với chủ đầu tư. Thứ hai, nên gặp gỡ trực tiếp để đánh giá quỹ đầu tư có uy tín hay không. Cuối cùng, cần biết cách viết proposal hấp dẫn nhưng vẫn giấu được điểm cốt lõi của dự án.”

Người sáng lập phải biết cách hấp dẫn người giỏi, truyền lửa thúc đẩy tinh thần làm việc của nhân viên, quan trọng hơn là đào tạo phát triển họ. Ngoài ra, nhiều startup Việt Nam hiện nay còn rất chủ quan trong việc đánh giá ý tưởng mà bỏ qua các bước nghiên cứu, khảo sát.

Diễn giả Robert Trần cùng các bạn trẻ đam mê khởi nghiệp

Mọi người chụp hình lưu niệm cùng ban tổ chức và diễn giả

Xu hướng “Khởi nghiệp trong doanh nghiệp”

Mô hình startup mới này được nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên toàn cầu sử dụng để giữ chân nhân tài, cho họ cơ hội startup ngay trong doanh nghiệp thay vì ra ngoài bươn chải với tỉ lệ thời gian 80% làm việc văn phòng – 20% làm việc từ dự án startup. Lợi thế của mô hình này là nguồn vốn có sẵn từ công ty mẹ và được hỗ trợ tối đa từ chuyên gia ngay chính trong công ty họ đang làm.

Kim Loan