Quy trình xử lý nước sử dụng trong ăn uống và sinh hoạt

Có bao giờ bạn thắc mắc, nguồn nước máy mà chúng ta đang sử dụng đã được xử lý như thế nào? Rồi quy trình xử lý nước đơn giản tại hộ gia đình ra sao? Làm sao để nhận diện những nguồn nước không đạt chỉ tiêu thông thường?

 Các nguồn nước được sử dụng làm nguyên liệu để xử lý và cung cấp cho người dân sử dụng trong việc ăn uống và sinh hoạt chủ yếu từ nước mắt, nước dưới đất và nước mưa.

Các quy trình xử lý nước tại các nhà máy nước và cơ sở cung cấp nước

Mỗi nhà máy nước đều có các phương pháp xử lý nguồn nước theo quy trình công nghệ, thiết bị, hóa chất, không giống nhau, nhưng vẫn đảm bảo các công đoạn cơ bản như sau:

Mỗi nhà máy nước có một công trình thu nước thô đặt tại khu vực lấy nước. Tại đây, nguồn nước thô được thu vào hầm chứa qua một song chắn rác, được xử lý sơ bộ bằng Clo trước khi vào hầm giao liên để vận chuyển nước về bể tiếp nhận nước thô tại nhà máy nước. Việc Clo hóa này nhằm đảm bảo phòng tránh và loại trừ rong rêu trong quá trình vận chuyển.

Tại bể tiếp nhận của nhà máy nước, công đoạn đầu tiên được thực hiện là tiền xử lý với Clo, PAC… sau đó là công đoạn trộn để nguồn nước tiếp xúc với hóa chất xử lý, bao gồm trộn sơ cấp, trộn thứ cấp… Công đoàn lắng, lọc và sau cùng là công đoạn khử trùng và thêm một số hóa chất cần thiết tại bể tiếp xúc trước khi vào bể chứa nước sạch và hệ thống mạng lưới đường ống cấp nước.

Nước trước khi vào bể chứa nước sạch, nguồn nước qua xử lý được kiểm soát một số chỉ tiêu tại nhà máy nước, các chỉ tiêu này được kiểm tra liên tục nhằm điều chỉnh các công đoạn xử lý kịp thời. Hiện nay, một số nhà máy nước đã cải tiến bằng thiết bị quan trắc tự động liên tục các chỉ số này và hiển thị trên bảng điện tử giúp theo dõi thường xuyên, chặt chẽ các công đoạn xử lý nước.

Quy trình xử lý nước mặt:

Quy trình xử lý nước ngầm:

Quy trình xử lý nước đơn giản tại hộ gia đình

Tùy theo tính chất, mức độ và nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước, có thể lựa chọn phương pháp xử lý nước hiệu quả và chi phí phù hợp. Hiện nay, có nhiều phương pháp xử lý nước đơn giản như phương pháp xử lý nước bằng giàn mưa, bể lọc đơn giản tại hộ gia đình, vì không đòi hỏi kỹ thuật cao, chất lượng nước đầu ra đáp ứng được mục đích sinh hoạt thông thường và chi phí phù hợp.

Đối với nguồn nước không đạt do vài chỉ tiêu thông thường như: màu sắc, mùi vị, độ đục, pH, chỉ số pecmanganat, hàm lượng sắt tổng số, vi sinh (giàn mưa cũng xử lý được Mn giống như xử lý Fe).

Giàn mưa Mục đích là nâng pH, khử sắt, khử mùi (mùi tanh của sắt, mangan).

Giàn mưa làm cho nước tiếp xúc với không khí để nhận oxy từ không khí khử sắt, khử mangan và nâng độ pH.Có thể tạo đơn giản bằng cách đục ống nhựa PVC, cứ cách 3cm lại đục 1 lỗ.

Sau đó bịt 1 đầu ống lại, cho nước chảy từ các lỗ đục xuống bể lọc.

Bể lọc

Mục đích là lọc cặn, độ đục (như Fe3+), chất hữu cơ, làm trong nước, khử mùi (mùi bùn đất, mùi chất hữu cơ).

Nước qua giàn mưa xuống bể qua các lớp vật liệu sau:

– Lớp cát vàng hoặc cát thạch anh (độ dày 25 – 30cm).

– Than hoạt tính (độ dày 10 cm).

– Lớp đá sỏi nhỏ đường kính 0,5 – 1 cm (độ dày 10 cm).

Dưới đáy bể dùng ống nhựa khoan lỗ phần ống nằm trong bể nhằm ngăn vật liệu lọc rơi vào đường ống.

Tùy theo tình hình thực tế và công suất sử dụng của gia đình, nên rửa lớp váng màu vàng đóng trên bề mặt lớp cát trên cùng với tần suất 1- 3 tháng/lần. Trường hợp vật liệu quá bẩn cần thay vật liệu lọc.

Khử trùng nước

Nước sau khi qua lọc vẫn phải đun sôi trước khi sử dụng cho ăn uống nhằm tránh các bệnh đường tiêu hóa (vì có thể còn vi khuẩn trong nước).

Có thể sử dụng hóa chất Chloramine B để khử trùng nước. Nước chỉ được khử trùng sau khi qua quá trình lọc. Sử dụng 3g bột Chloramine B 25% khử trùng 1m³ nước. Nước sau khi khử trùng để thoáng 30 phút mới sử dụng.

Tại một số khu vực chưa có mạng lưới cấp nước, người dân sử dụng nước dưới đất trong sinh hoạt. Đa số chất lượng nước giếng tại hộ gia đình thông thường không qua quá trình xử lý sơ bộ trước khi sử dụng, nên không đảm bảo sử dụng trong ăn uống.

Mặc dù nước dưới đất được khai thác để sử dụng cho sinh hoạt đã có từ lâu đời nay, tuy nhiên việc điều tra nghiên cứu nguồn tài nguyên này một cách toàn diện và có hệ thống chỉ mới được tiến hành trong khoảng chục năm gần đây.

Hiện nay nguồn nước dưới đất ở Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những vấn đề như bị nhiễm mặn, nhiễm thuốc trừ sâu, các hóa chất có hại khác… Việc khai thác quá mức và không có quy hoạch đã làm cho mực nước dưới đất bị hạ thấp.

TS. BS Lê Văn Nhân

Giảng viên ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch

GĐ Y khoa Công ty Pacific Cross Việt Nam

 

Nguồn: khoe24h.vn