Phong vị chơi xuân

Xem sách Tết cũng là một phong vị chơi xuân đầu năm cùng với đào, mai, quất hay thủy tiên. 

Một thú phong vị tưởng đã lãng quên từ lâu nay trỗi dậy nhờ “Sách Tết Kỷ Hợi 2019” do nhà văn Hồ Anh Thái tuyển, Nhà xuất bản Văn học – Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A phát hành.

08-57-53_sch_tet_2019
“Sách Tết Kỷ Hợi” (2019) của Đông A

Có lẽ trong lịch sử xuất bản Việt Nam, “Sách Xem Tết Mậu Thìn 1928” của Tân Dân thư quán đã mở đầu cho sách Tết ra đời.

Tác giả Nguyễn Ngọc Hoài Nam đã so sánh: “Về hình thức, “Sách Xem Tết” của nhà Tân Dân có khổ như cuốn sách bình thường, không có phụ bản minh họa, số trang cũng không cố định. Năm Mậu Thìn được in 78 trang, sang năm Kỷ Tỵ tăng lên 100 trang, năm Canh Ngọ gồm 88 trang, và lần cuối Sách Xem Tết của nhà Tân Dân xuất hiện vào năm Quý Dậu 1933, số trang chỉ còn 66”.

Về nội dung sách Tết của Tân Dân, theo Nguyễn Ngọc Hoài Nam, chủ yếu có hai mảng văn hài đàm và thơ vui, xen vào giữa có các trang quảng cáo và giới thiệu sách, với mục đích mang lại cho độc giả những tiếng cười sảng khoái, những câu chuyện lời thơ nhẹ nhàng dí dỏm vào ngày đầu năm.

Tết Kỷ Tỵ (1929), nhà Nam Ký thư quán trình làng một ấn phẩm tương tự có tên “Sách Chơi Xuân”. Ấn phẩm này năm 1929 có 52 trang, năm 1931 tăng lên 80 trang, năm 1932 lên thêm 92 trang và năm 1933 thì tụt xuống còn 42 trang. Các số “Sách Chơi Xuân” của nhà Nam Ký được giới sưu tầm sách đánh giá là vẽ minh họa và trình bày đẹp mắt hơn “Sách Xem Tết” của nhà Tân Dân.

08-57-53_sch_choi_xun_1929
“Sách Chơi Xuân” (1929) của Nam Ký

Nội dung “Sách Chơi Xuân” có thơ xuân, thơ trào phúng của Nguyễn Công Trứ, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Á Nam Trần Tuấn Khải… Các mẩu chuyện hài, tản văn về phong tục ngày Tết…

Thập niên 1940, sách Tết nở rộ với “Sách Tết Đời Nay” (1941) của nhóm Tự lực Văn đoàn với những gương mặt Huy Cận, Thanh Tịnh, Bửu Kế, Tế Hanh… Nhà xuất bản Minh Cường cho ra đời “Sách Tết Nắng Xuân” (1942) có sự góp mặt của Hoài Thanh, Hoài Chân, Trần Thanh Mại, Lê Văn Hòe… Nhà xuất bản Đại La chung vui cùng “Thơ Văn Mùa Xuân” (1943) với Thế Lữ, Vân Đài, Đào Trinh Nhất, Nguyễn Tuân, Vũ Hoàng Chương, Tú Mỡ…

Hai cái Tết Đinh Dậu (1957) và Mậu Tuất (1958) bạn đọc miền Bắc được thưởng thức “Sách Tết” của Nhà xuất bản Minh Đức với những cây bút Lê Đại Thanh, Hữu Loan, Trần Lê Văn, Hoàng Tích Linh, Hồ Dzếnh, Ngọc Giao, Vũ Đình Liên…

Từ sau “Sách Tết” 1958 của Nhà xuất bản Minh Đức, sách Tết gần như vắng bóng trên văn đàn. Thảng hoặc, bạn đọc vẫn thấy xuất hiện sách Tết ở Nhà xuất bản Kim Đồng dành cho thiếu nhi.

Họa sĩ Phạm Tô Chiêm chia sẻ về cuốn sách Tết của Nhà Xuất bản Kim Đồng, được phát hành chào mừng xuân Kỷ Hợi – 1959: “Bìa sách của họa sĩ Nguyễn Kim Xuân, vẽ con lợn đang bay lên. Mầu sắc xưa còn thô nhưng khí thế thì ngất trời”.

08-57-53_sch_tet_kim_dong_1959
“Sách Tết Kỷ Hợi” (1959) của Kim Đồng

Cuốn sách được phát hành chỉ hơn 1 năm sau ngày thành lập nhà xuất bản (17/6/1957). Sách Tết dành cho thiếu nhi của Kim Đồng luôn đồng hành với bạn đọc cho tới cuối những năm 1980.

Còn “Sách Tết Kỷ Hợi” (2019) của Đông A với 280 trang, gồm sách bìa mềm phổ thông và sách bìa cứng dành cho người chơi sách. Nội dung gồm 6 chuyên mục chính: Văn, Thơ, Nhạc, Sử, Cổ tích, Bình thơ, Góc nhìn. Và một phần Vĩ thanh cuối sách. Bạn đọc được thưởng thức những minh họa của họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phạm Hà Hải, Phạm Tuấn Tú… Bạn đọc cũng được nhẩn nha cùng tâm tình ngày Tết của nhà thơ Chính Hữu, được trở về không khí hoài niệm cùng GS Ngô Bảo Châu nhớ nhung những hiệu sách mậu dịch trên phố Tràng Tiền (Hà Nội) để được dịu đi nỗi tuyệt vọng: “Con người cần có cái gì đó cao cả mà bám vào, để đu người lên để có thể nhìn về quá khứ và tương lai mà không nuối tiếc, không sợ hãi” (GS Ngô Bảo Châu: Những hiệu sách ấy bây giờ ở đâu).

“Anh em ta đây vốn nghèo hứng thú chỉ giầu văn chương, dẫu không giầu xong cũng đủ để đua chơi, đua chơi cùng người trần thế! Mà thực chơi văn cũng là một cái thú mà là một cái thú thanh cao, thanh cao mà không phí không hại như các cái thú khác. Như vậy há chẳng nhân lúc vui chơi mà chơi sao!” (Lợi tựa “Sách Chơi Xuân” Kỷ Tỵ – 1929).
“Nào Văn chương, nào Thi ca, nào Ký sự, nào Nhàn đàm, nào Tiểu thuyết… Tóm lại là một tập tùng văn, lấy văn chương làm tố chất, lấy xuân cảm làm nguyên nhân; rất bổ ích cho cuộc chơi xuân, di dưỡng tinh thần; phát minh tư tưởng. Ai là người tao nhân mặc khách, ai là bạn thanh khí liên tài, cùng nhau chơi lấy kẻo hoài xuân đi!

Xuân người nào được mấy mươi?

Không chơi Xuân hết lại ngồi tiếc Xuân!” (“Sách Chơi Xuân”, 1929).

Nguồn: KHẢI MÔNG/ Nông Nghiệp VN