Nói “không” với hải sản bất hợp pháp

Cộng đồng doanh nghiệp (DN) kỳ vọng, xuất khẩu (XK) thủy – hải sản vào EU sẽ bứt phá sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực. Đây cũng là động lực để ngành hải sản đang thực hiện các giải pháp gỡ thẻ vàng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) trong thời gian tới.

Thống kê của Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, thẻ vàng IUU đã khiến XK hải sản của Việt Nam sụt giảm liên tục từ năm 2018 đến nay. Cụ thể, năm 2018, kim ngạch XK hải sản sang EU giảm 6%; năm 2019, giảm 15% và 9 tháng đầu năm 2020 giảm 13% so với cùng năm trước.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc – Phó Chủ tịch Hiệp hội VASEP, Chủ tịch Ủy ban Hải sản VASEP – cho biết, kể từ năm 2019, thị trường EU đã rớt xuống vị trí thứ 4 trong các thị trường nhập khẩu hải sản của Việt Nam. Đặc biệt, năm 2020, XK sang EU bị tác động kép bởi dịch Covid-19, thẻ vàng và Brexit, khiến giá trị XK hải sản trong 9 tháng qua chỉ đạt 250 triệu USD.

Nói “không” với hải sản bất hợp pháp
Cần thu mua nguyên liệu hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp (ảnh: internet)

Tuy nhiên, EU vẫn là thị trường lớn có tính định hướng và chi phối, đối tác quan trọng của thủy sản Việt Nam. Vì vậy, giữ vững thị trường EU là việc quan trọng mà VASEP và cộng đồng DN thủy – hải sản Việt Nam nỗ lực trong những năm qua, đặc biệt sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Bởi lẽ, theo bà Nguyễn Thị Ánh – Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Ngọc Xuân, trong khi nhiều sản phẩm từ cá tra có xu hướng sụt giảm ở thị trường EU, riêng hải sản vẫn được đặt hàng. Dù vậy, việc tìm mua hải sản tuân thủ các quy định IUU rất khó, bởi DN không đủ cơ sở để đảm bảo cá của ngư dân không vi phạm, vì không có cơ chế cộng đồng trách nhiệm hay giao ước cụ thể. “Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực, nhiều lợi thế về thuế suất cho hải sản XK, nhưng chúng tôi chưa thể tăng sản lượng đi EU vì mắc những hạn chế này. Chúng ta cần gấp rút có biện pháp gỡ thẻ vàng IUU để có thể tăng XK hải sản trong thời gian tới” – bà Ánh nhấn mạnh.Liên quan đến việc gỡ thẻ vàng IUU, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng Thư ký VASEP – cho biết, VASEP đã chủ động triển khai Chương trình “DN Hải sản cam kết chống khai thác IUU” với 4 nhóm hoạt động chính: Cam kết chống khai thác IUU; đề xuất, góp ý xây dựng các văn bản pháp lý liên quan; hợp tác với các bên và quan hệ quốc tế; truyền thông. Trong đó, có 62 nhà máy chế biến hải sản XK cam kết “Nói không với hải sản khai thác IUU”, chỉ thu mua nguyên liệu hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; chỉ nhập khẩu hải sản khai thác có nguồn gốc hợp pháp, kiên quyết nói không với hải sản của tàu cá đánh bắt bất hợp pháp, khai thác không có giấy phép, không có nhật ký và không báo cáo theo quy định.

Tuy nhiên, tới nay, chương trình vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định như chưa có nhiều hoạt động trực tiếp hỗ trợ hoặc tác động hướng đến ngư dân. Việc phối hợp với các cảng cá và chi cục thủy sản địa phương vốn là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hải sản chưa được chặt chẽ, thường xuyên; hỗ trợ, giải quyết hồ sơ, công tác chứng nhận, khó khăn về nguyên liệu cho DN tham gia chương trình cam kết chống khai thác IUU chưa kịp thời… nNăm 2021, VASEP sẽ hỗ trợ rà soát triển khai của DN liên quan đến thực hiện các quy định IUU khi XK sang EU, Mỹ; xây dựng chương trình phối hợp với chi cục, cảng cá, ngư dân để xác nhận, chứng nhận an toàn vệ sinh trên tàu cá… Đồng thời, tổ chức các chương trình đối thoại, tập huấn, tuyên truyền trực tiếp cho ngư dân về việc tuân thủ quy định quốc tế về khai thác, đánh bắt hải sản.

                                                                                                                         Thùy Dương

                                                                                                               Nguồn: congthuong.vn

https://congthuong.vn/noi-khong-voi-hai-san-bat-hop-phap-146921.html