Nhận mặt 4 loại “cò” đặc sản ở Đà Lạt

Qua tiến hành phân loại, xác minh, cơ quan chức năng TP Đà Lạt ,tỉnh Lâm Đồng, đã xác định hoạt động của “cò” đặc sản tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, đe dọa an toàn của du khách, ảnh hưởng trực tiếp tới du lịch Đà Lạt. 

Chiều 7-7, ông Võ Ngọc Trình, Phó chủ tịch UBND TP Đà Lạt cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, có khoảng 2,4 triệu lượt khách tới du lịch Đà Lạt.

Lượng khách tăng, nhu cầu sử dụng dịch vụ và mua sắm cũng tăng cao. Tuy nhiên, thời gian qua, một số cơ sở kinh doanh vì lợi ích trước mắt đã có hành vi nâng ép giá, bán không đúng giá niêm yết, gây va chạm xô xát với du khách…

co

“Cò” đặc sản đu theo du khách để chèo kéo

Nổi lên trong số đó là các cơ sở kinh doanh lĩnh vực lưu trú, bán hàng đặc sản, vườn dâu cho khách tham quan, quán ăn có sử dụng hình thức tiếp thị trái pháp luật hoạt động dưới dạng “cò” để chèo kéo, tranh giành khách, bán ép giá, lừa dối khách hàng…

Sự cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh gây thiệt hại cho du khách, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Ông Trình cho biết: Có nhiều trường hợp còn gây rối đánh du khách, đánh tài xế xe du lịch, hướng dẫn viên du lịch, nhân viên bảo vệ các khu du lịch.

Qua phân loại, hoạt động “cò” thường biểu hiện dưới các hình thức: nhân viên của cơ sở kinh doanh trực tiếp làm “cò”; “cò” tự do đón khách dẫn vào cơ sở kinh doanh dịch vụ (có thỏa thuận trước) để hưởng tiền “cò”; “cò” bảo kê ép cơ sở kinh doanh phải chi tiền “cò” khi đưa khách vào; lái xe, hướng dẫn viên đưa khách đến cơ sở kinh doanh để hưởng tiền môi giới; lái xe taxi trong thành phố đưa khách tới cơ sở kinh doanh hưởng tiền môi giới.

Qua tìm hiểu được biết, “cò” thường hoạt động tại các khu vực tập trung đông du khách như: Chợ đêm Đà Lạt, khu du lịch thác Prenn, Thung lũng tình yêu, Vườn hoa thành phố, Dinh 3, đường Nguyên Tử Lực, đường Phù Đổng Thiên Vương…

Theo SGGP