Nhà bỏ không, người vẫn vô gia cư

Tại nước Anh, 78.000 gia đình đang phải sống tạm bợ và số người ngủ ngoài đường đã tăng 134% kể từ năm 2011

Hơn 11.000 căn nhà ở Anh bị bỏ hoang suốt hơn 1 thập kỷ giữa lúc cuộc khủng hoảng nhà ở và tình trạng vô gia cư ngày càng tồi tệ – theo cuộc nghiên cứu mới của Đảng Dân chủ Tự do.

Thừa mà thiếu

Dữ liệu trên được thu thập từ yêu cầu gửi đến 275 hội đồng địa phương, qua đó cho thấy 60.000 căn nhà không có người ở từ 2 năm trở lên, 23.000 căn nhà bị bỏ hoang từ 5 năm trở lên và hơn 11.000 căn nhà vắng chủ từ ít nhất 10 năm. Dữ liệu chính phủ cũng cho thấy khoảng 200.000 ngôi nhà bị bỏ hoang trong ít nhất 6 tháng. Những khu vực “nóng” nhất là TP Durham (6.500 căn), TP Leeds (hơn 5.700 căn), TP Bradford (hơn 4.100 căn), hạt Cornwall (gần 3.300 căn) và TP Liverpool (hơn 3.000 căn).

Trong khi đó, theo tờ The Guardian, một ủy ban nghị sĩ Anh hồi cuối năm 2017 cho biết hơn 78.000 gia đình đang phải sống tạm bợ và số người ngủ ngoài đường tăng 134% kể từ năm 2011. Cũng theo cuộc nghiên cứu, chỉ 19/247 hội đồng địa phương có sử dụng Lệnh quản lý nhà ở bỏ hoang (EDMO) trong vòng 5 năm qua. EDMO cho phép nhà chức trách địa phương kiểm soát những căn nhà bị bỏ hoang từ 6 tháng trở lên. Trong số này, chỉ 6 hội đồng địa phương sử dụng EDMO vào năm ngoái. Tổng cộng, 19 hội đồng địa phương nói trên đã đưa 23.000 căn nhà bỏ hoang trở lại sử dụng.

Ông Vince Cable, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do, nhận định tình trạng thừa mà thiếu nói trên là “một bê bối quốc gia”. Đảng này kêu gọi cải cách EDMO, trao thêm quyền và nguồn lực cho hội đồng địa phương để đưa những căn nhà bị bỏ hoang lâu năm trở lại sử dụng, cung cấp chỗ ở vừa túi tiền cho những ai đang cần. “Đây phải là một phần của kế hoạch rộng lớn hơn nhằm xử lý cuộc khủng hoảng nhà ở, như xây thêm nhà tại những khu đất công chưa sử dụng và siết chặt quản lý hành vi đầu cơ đất đai” – ông Cable khẳng định.

Nhà bỏ không, người vẫn vô gia cư - Ảnh 1.

Người dân địa phương đứng trước những ngôi nhà để trống ở TP Cambridge – Anh Ảnh: CAMBRIDGE NEWS

Khó giải quyết

Đáp lại, Bộ Các cộng đồng và chính quyền địa phương (DCLG) khẳng định đã trao cho hội đồng địa phương nhiều quyền hạn nhằm đưa nhà bỏ hoang vào sử dụng trở lại và kể từ năm 2010, số lượng nhà không có người ở đã giảm 1/3. Theo DCLG, chính quyền cũng thay đổi luật lệ và sẽ đầu tư hơn 1,3 tỉ USD đến năm 2020 trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng vô gia cư.

Không dừng lại ở đó, chính phủ Anh khẳng định sẽ nỗ lực thúc ép chủ nhân những căn nhà bỏ không “hồi sinh” chúng bằng giải pháp cho phép giới chức địa phương tăng thuế hội đồng – chi phí các hộ gia đình phải trả mỗi năm cho các dịch vụ công cộng như tiền thu gom rác hay sửa chữa đường sá… – từ 50% lên 100%.

Tuy nhiên, với thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn, những biện pháp nêu trên là chưa đủ. Ông cho rằng nếu đảng này lên cầm quyền, chính phủ sẽ lập tức chi tiền mua 8.000 ngôi nhà để cho người vô gia cư sử dụng. Ngoài ra, đảng này sẽ trao cho nhà chức trách địa phương quyền tịch thu những bất động sản cố tình bị bỏ không, trong lúc yêu cầu các hội đồng địa phương xây nhiều nhà hơn.

Tổ chức từ thiện Empty Homes cũng đánh giá giải pháp tăng thuế hội đồng sẽ không có tác dụng đối với nhà đầu tư bất động sản chịu chi hàng triệu USD. Thay vào đó, Empty Homes kêu gọi chính phủ tìm hiểu nguyên nhân nhiều người mua nhà nhưng lại không sử dụng hoặc chí ít là cho thuê.

Nhiều người có thể nghĩ rằng việc phung phí một khoản tiền không nhỏ từ cho thuê nhà trong khi chờ giá bất động sản tăng là sự điên rồ về kinh tế. Tuy nhiên, chuyên gia bất động sản Henry Pryor giải thích đây là hành động có tính toán kỹ lưỡng. Chi phí phát sinh trong quá trình cho thuê, chẳng hạn phí sửa chữa hoặc quản lý, có thể nhiều hơn số tiền cho thuê mà chủ nhà nhận được – ông Pryor giải thích.

Một lý do khác là nhà chưa qua sử dụng dễ bán với giá cao hơn, đặc biệt là nhà cao cấp. “Nhiều người không muốn mua một căn nhà đã qua sử dụng, cũng giống như khi họ mua một chiếc xe sang Rolls-Royce hay một chiếc Aston Martin vậy” – chuyên gia này chia sẻ.

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Empty Homes – bà Helen Williams, nhận định tình trạng “mua rồi bỏ mặc” chủ yếu tập trung ở TP London và chỉ chiếm một phần nhỏ những bất động sản để trống. Theo bà, nguyên nhân chính xuất phát từ những nỗi lo tài chính thông thường. “Một trong những lý do phổ biến là chủ nhà không đủ tiền sửa chữa để cho thuê hoặc bán. Có lẽ những căn nhà này từng được cho thuê trước đây và hiện cần phải sửa chữa. Cũng có thể chúng là những căn nhà được thừa kế. Khi đó, có thể mất nhiều năm để người thụ hưởng quyết định nên làm gì với chúng” – bà Williams giải thích.

 

 

Theo Báo Người Lao Động/ nld.com.vn