Nghề Nail ở Mỹ ngày càng chật vật

Từ hơn 8 năm qua, cơ quan lao động tại hầu hết các tiểu bang Hoa Kỳ đã và đang tiến hành kiểm tra việc thi hành luật lệ lao động tại các tiệm Nail do người Việt làm chủ.

Cùng lúc đó, sở thuế vụ liên bang IRS cũng đã kiểm toán rất nhiều tiệm Nail của người Việt tại khắp các tiểu bang. Và kết quả là rất nhiều chủ tiệm Nail đã bị phạt vạ khá nặng nề do vi phạm các luật lệ lao động và thuế vụ áp dụng trong nghề Nail.

Từ năm 2012, Bộ Lao Ðộng liên bang Hoa Kỳ lần đầu tiên đã trực tiếp nhập cuộc và chọn vùng Seattle của tiểu bang Washington để tiến hành những vụ kiểm tra bất ngờ không báo trước nhắm vào các tiệm Nail.

Mục đích kiểm tra cũng là để đảm bảo việc thi hành luật lệ lao động trong tiệm Nail và các thợ Nail phải được phân loại là “employee” hoặc “independent contractor” đúng theo quy định của luật liên bang, ngăn chận những vi phạm trong vấn đề lương bổng quy định bởi Ðạo Luật Tiêu Chuẩn Lao Ðộng Công Bằng (the Fair Labor Standards Act).

The Fair Labor Standards Act (FLSA) là luật liên bang ra đời năm 1938 bảo đảm một số phúc lợi cho người làm việc ở Mỹ, đặc biệt là quyền được hưởng mức lương tối thiểu (minimum wages) theo luật hiện hành, và lương giờ phụ trội (overtime wages) gấp một rưỡi lương tối thiểu cho các giờ làm việc sau 40 giờ trong một tuần lễ. Tuy nhiên, luật FLSA không áp dụng cho “independent contractor.”

nail1

Một Nail Salon ở Mỹ

Trong vài năm gần đây, Bộ Lao Ðộng Hoa Kỳ cho biết rất quan ngại về sự kiện một số chủ tiệm Nail khắp nơi trên nước Mỹ đã tự ý phân loại thợ Nail là “independent contractor” cách trái phép và dùng 1099-MISC để trả lương cho thợ với mục đích tránh thi hành các luật lệ lao động quy định bởi đạo luật FLSA, tạo sự thiếu công bằng và gây thiệt thòi cho những chủ tiệm chấp hành luật lệ cách đúng đắn.

Theo lời của giám đốc văn phòng Bộ Lao Ðộng liên bang tại miền Tây Hoa Kỳ là ông Ruben Rosalez, mặc dầu Bộ Lao Ðộng ủng hộ việc các doanh nghiệp dùng người thật sự là “independent contractor,” chủ tiệm Nail phải tuân theo các quy định pháp lý trong việc phân loại thợ Nail. Ông cũng cho biết những vụ kiểm tra nhắm vào các tiệm Nail do Bộ Lao Ðộng đề xướng sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới đây để đảm bảo sự công bằng cho các chủ doanh nghiệp biết tuân thủ luật lệ.

Cũng nên biết rằng những vụ kiểm tra của Bộ Lao Ðộng liên bang nhắm vào tiệm Nail sẽ không phải chỉ nhằm vào vấn đề chủ tiệm phân loại thợ Nail là “independent contractor” cách trái phép, nhưng chính yếu là để bảo đảm các tiệm Nail phải thi hành đúng đắn luật FLSA nếu thợ làm trong tiệm là “employee.” Vì vậy, những chủ tiệm Nail có thợ là “employee” (trả lương bằng mẫu W-2) mà không hiểu rõ vấn đề lương bổng quy định bởi luật FLSA, cũng rất dễ bị phạt vạ trong những vụ kiểm tra của Bộ Lao Ðộng.

Thợ Nail là “Independent contractor” hay “Employee”?

Luật pháp Hoa Kỳ lâu nay vẫn cho phép người hành nghề thợ Nail có thể được phân loại là “independent contractor” hoặc “employee” tùy vào mối quan hệ trong việc làm với chủ tiệm Nail. Từ bao năm qua, hầu hết các tiệm Nail của người Việt vẫn thường dùng mẫu 1099-MISC để trả tiền công cho thợ, có nghĩa rằng đã phân loại người thợ làm trong tiệm là “independent contractor,” và trên nguyên tắc thì chủ tiệm vì vậy sẽ không bị ràng buộc bởi các luật lệ thuế vụ và lao động áp dụng cho “employee.”

Tuy nhiên, vì sự phân loại này là mấu chốt tạo nên những khác biệt rất quan trọng trong vấn đề thuế vụ và việc áp dụng luật lệ lao động cho người thợ Nail, chủ tiệm dùng 1099-MISC để trả công cho thợ bắt buộc phải tuân theo các quy luật liên quan đến việc sử dụng “independent contractor,” và quan trọng hơn hết là phải chứng minh người thợ đó thật sự là “independent contractor” dựa trên những điều kiện và tiêu chuẩn ấn định bởi luật lệ hiện hành khi có sự kiểm tra của cơ quan lao động hay sở thuế vụ IRS.

Trường hợp không chứng minh được thì người thợ sẽ kể như là “employee” của chủ tiệm. Nếu thợ Nail là “employee,” luật thuế vụ buộc chủ tiệm phải trả một nửa số thuế an sinh xã hội (FICA) cùng với thuế bảo hiểm thất nghiệp (FUTA) cho thợ, và luật lao động thì buộc chủ tiệm phải trả lương tối thiểu và lương giờ overtime cho thợ. Ngoài ra, chủ tiệm Nail tại hầu hết các tiểu bang cũng có thể bị buộc phải có bảo hiểm tai nạn lao động (workers’ compensation insurance) cho thợ là “employee.”

Ðể xác định thế nào là “independent contractor,” cơ quan lao động hiện nay vẫn dựa vào 11 yếu tố trắc nghiệm do sở thuế vụ liên bang IRS đề ra. Các yếu tố trắc nghiệm của IRS được đăng tải trong tập tài liệu “Publication 15-A” do cơ quan này ấn hành, và được chia thành ba hạng loại: Sự kiểm soát hành vi; sự kiểm soát về tài chánh; và sự huấn luyện mà chủ cung cấp cho nhân công. Tuy nhiên, các yếu tố do IRS đề ra cho thấy việc định nghĩa thế nào là “independent contractor” cho đến nay vẫn còn nhiều phức tạp và mâu thuẫn, đặc biệt là đối với người hành nghề thợ Nail.

Và chủ tiệm Nail dùng 1099-MISC trả công cho thợ vì vậy cần phải hiểu rõ vấn đề thì mới tránh bị phạt vạ khi có cuộc kiểm tra của cơ quan thuế vụ và lao động. Ngoài ra, luật lệ trong vấn đề này tại các tiểu bang cũng có thêm nhiều sự khác biệt và không đồng nhất, rất dễ gây ngộ nhận cho chủ tiệm Nail trong việc chứng minh thợ Nail là “independent contractor.”

Hiện nay, mặc dầu luật lệ thuế vụ và lao động Hoa Kỳ vẫn cho phép người thợ Nail làm việc như “independent contractor” trong tiệm Nail, nhưng hai tiểu bang New Jersey và Pennsylvania lại có luật cấm chủ tiệm Nail cho thợ thuê chỗ làm trong tiệm, và luật này khiến cho thợ Nail tại hai tiểu bang vừa kể trên không thể làm việc như “independent contractor” trong tiệm Nail của chủ.

Trong khi đó thì hội đồng thẩm mỹ (State Board) tại 20 tiểu bang khác lại có luật cấp thêm một thứ giấy phép cho những người thợ Nail thuê chỗ làm việc trong tiệm Nail như một “independent contractor.”

Loại giấy phép này mang các thứ tên gọi khác nhau tại từng tiểu bang (booth rental license, booth renter permit, booth shop, booth license, shop license, area renter, independent contractor license, independent contractor registration, v.v…), và điều kiện để được cấp giấy phép này cũng có sự khác biệt tùy theo luật riêng của mỗi State Board.

Nói chung, sự kiện vừa kể trên đây có nghĩa là State Board tại 20 tiểu bang trên nước Mỹ chánh thức cho phép thợ Nail thuê chỗ làm việc như một “independent contractor” trong tiệm của chủ. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng State Board không phải là cơ quan lao động hay sở thuế IRS, và các thứ giấy phép vừa kể trên đây do một số State Board cấp cho thợ thuê chỗ làm trong tiệm không phải là giấy tờ chứng minh người thợ là “independent contractor” như nhiều chủ tiệm và thợ Nail tại các tiểu bang đó vẫn lầm tưởng.

Trong thời gian vừa qua, do sự hiểu lầm này mà nhiều chủ tiệm Nail tại các tiểu bang có luật nói trên lâu nay dùng 1009-MISC để trả lương cho thợ đã bị phạt vạ khi bị kiểm tra bởi sở thuế vụ IRS hoặc cơ quan lao động, mà nguyên nhân là vì không chứng minh được người thợ là “independent contractor.”

Vấn nạn nghề Nail: Trả lương bằng tiền mặt

Từ mấy chục năm nay, hầu hết các tiệm Nail của người Việt vì nhiều nguyên nhân khác nhau, vẫn thường bao lương và trả một phần lương cho thợ bằng tiền mặt.

Trong thời gian sắp đến, với sự gia tăng kiểm tra các vi phạm trong vấn đề lương bổng nhắm vào tiệm Nail do Bộ Lao Ðộng liên bang Hoa Kỳ đề xướng, việc trả tiền mặt cho thợ Nail sẽ là một thứ ‘lợi bất cập hại’ đối với khá nhiều chủ tiệm Nail.

Lý do đơn giản là vì chủ tiệm khi trả lương bằng tiền mặt cho thợ Nail, sẽ không có chi phiếu để chứng minh số tiền lương thật sự đã trả theo đúng với số giờ làm việc của người thợ.

nail2

Nhiều người Việt ở Mỹ làm việc trong ngành Nail

Và trong trường hợp đó, nếu đang dùng W-2 để trả lương cho thợ, hoặc dùng 1099-MISC mà không chứng minh được thợ là “independent contractor,” chủ tiệm trả tiền mặt cho thợ sẽ dễ bị xem là đã vi phạm luật FLSA khi bị kiểm tra bởi cơ quan lao động, hoặc tệ hại hơn nữa là khi bị thợ Nail kiếm chuyện khiếu nại hay kiện cáo trước tòa án như thường xảy ra trong thời gian gần đây.

Cần lưu ý rằng thợ Nail dầu đi làm chui bất hợp pháp hay không có bằng hành nghề cũng vẫn được bảo vệ bởi luật FLSA, vì vậy sẽ có quyền kiện chủ tiệm vi phạm luật lao động để đòi bồi thường.

(NV)