Mỹ canh chừng Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông

Tòa Bạch Ốc chấp thuận kế hoạch canh chừng Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và các hành động của Bắc Kinh tại khu vực có nhiều tranh cãi chủ quyền lãnh thổ của nhiều nước.

Tổ chức thông tin Breitbart News (có sáng lập viên là Steve Bannon hiện đang là chiến lược gia trưởng của Tổng Thống Donald Trump) cho hay như vậy cuối tuần qua nhưng không tiết lộ nguồn từ đâu và kế hoạch đó gồm những gì.

Các nước có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc và nói chung cả khối ASEAN lâu nay vẫn có nhiều bất an khi không biết rõ rệt chính sách của nước Mỹ đối với khu vực trong khi Bắc Kinh càng ngày càng lộ rõ tham vọng bá quyền bành trướng. Điển hình là việc mở rộng nhiều đảo ở quần đảo Hoàng Sa và bồi đắp bảy đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa rồi biến chúng thành những căn cứ khổng lồ trên biển.

My -Trung

Khu trục hạm Stethem đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của đảo Tri Tôn, quần đảo Trường Sa, ngày 2 Tháng Bảy, 2017.

Các bản phúc trình của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) hằng tháng đều đưa ra các không ảnh kèm theo các bình luận về các hoạt động võ trang cho các chuỗi đảo và đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông. Cảng biển, phi đạo dài 3,000 mét cho các phi cơ quân sự lớn nhất lên xuống, nhà chứa máy bay cho hàng chục máy bay đủ loại, đài radar, hỏa tiễn phòng thủ và tấn công…

Với những gì ngày càng lộ rõ hơn, nhiều nhà phân tích thời sự từng báo động Bắc Kinh có thể tiến đến việc thiết lập Vùng Nhân Dạng Phòng Không (ADIZ) tại Biển Đông khi họ đã bố trí xong các trang bị quân sự trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa.

Tháng Bảy năm ngoái, Tòa Trọng Tài Quốc Tế tại The Hague, Hòa Lan, phán quyết tuyên bố đường chín đoạn nối lại giống như hình “Lưỡi Bò” của Trung Quốc chiếm hơn 80% Biển Đông là vô giá trị. Tuy nhiên, Bắc Kinh vốn biết mình đòi hỏi ngang ngược phi lý nên đã không tham gia vụ án và bác bỏ phán quyết, gọi đó là “trò hề” dù họ từng đặt bút ký vào Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS).

Bất chấp phản đối của các nước khác cũng tuyên bố chủ quyền một phần trên Biển Đông, Bắc Kinh cậy thế nước lớn, quân sự hùng mạnh, ngang nhiên bồi đắp các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa mà họ chỉ cướp của Việt Nam từ năm 1988, dù họ đã cam kết giữ nguyên trạng Biển Đông khi thỏa thuận với các nước ASEAN qua bản Tuyên Bố Ứng Xử Trên Biển Đông (DOC) năm 2002.

Hoa Kỳ nhiều lần tuyên bố không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ của các nước nhưng có quyền lợi trên Biển Đông. Khu vực Biển Đông là một thủy lộ quan trọng hàng đầu thế giới với $5,000 tỷ hàng hóa các loại được vận chuyển mỗi năm.

Trong cuộc hội thảo về Biển Đông tại trụ sở CSIS ở Washington hồi tuần trước, Tiến Sĩ Alexander Vuvinh, giáo sư tại Trung Tâm Á Châu – Thái Bình Dương về Nghiên Cứu An Ninh tại Honolulu cho rằng “Kẻ nào kiểm soát được Biển Đông thì kiểm soát được Đông Á Châu. Kẻ nào kiểm soát được Đông Á Châu thì kiểm soát được thế giới.”

Để bảo vệ lợi ích của mình, Hoa Kỳ thường xuyên tiến hành chương trình “tự do hải hành và phi hành” trên các vùng biển và không phận quốc tế, gồm cả những vùng bị coi là đòi hỏi chủ quyền quá đáng hoặc bất hợp pháp theo luật lệ quốc tế.

Dưới thời Tổng Thống Barack Obama, Hoa Kỳ đã không có hành động “tự do hải hành” nào trên Biển Đông từ 2012 đến 2015. Đến năm 2016, tức năm cuối của nhiệm kỳ thứ hai của ông Obama, người ta thấy có ba lần Hải Quân Hoa Kỳ thi hành ba lần. Bốn tháng đầu từ khi ngồi vào Tòa Bạch Ốc, người ta thấy ông Donald Trump không có hành động gì nhưng đến nay đã thấy có ba chuyến “tự do hải hành và phi hành” trên Biển Đông.

NV