Một lược sử về dầu cọ

Dù liên quan đến nạn bóc lột lao động, nạn phá rừng ở Đông Nam Á, nhưng dầu cọ vẫn là nguồn chất béo được sử dụng nhiều nhất trên thế giới.


Quả cọ dầu ở Bắc Aceh, Indonesia. Ảnh: Fachrul Reza / Barcroft Media via Getty Images

Ngày nay, dầu cọ hiện hữu ở khắp mọi nơi: trong thực phẩm, xà phòng, son môi, thậm chí cả mực báo in. Nó được mệnh danh là loại cây trồng bị ghét nhất thế giới vì liên quan đến nạn phá rừng ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, bất chấp các chiến dịch tẩy chay, thế giới vẫn sử dụng dầu cọ nhiều hơn bất kỳ loại dầu thực vật nào khác – hơn 73 triệu tấn vào năm 2020. Đó là vì dầu cọ rẻ. Loại cây tạo ra thứ dầu này là cây cọ dầu châu Phi – có thể sản xuất lượng dầu trên một hecta nhiều gấp 10 lần so với đậu nành.
Nhưng như những gì tôi* đã trình bày trong cuốn sách mới về lịch sử dầu cọ của mình, mặt hàng gây tranh cãi này không phải lúc nào cũng rẻ. Nó trở nên rẻ như vậy là nhờ vào di sản của chủ nghĩa thực dân và nạn bóc lột – những thứ vẫn còn định hình ngành công nghiệp ngày nay, và điều đó đã khiến con đường biến dầu cọ trở thành mặt hàng bền vững trở nên khó khăn hơn.
Trên những chuyến thuyền buôn bán nô lệ
Dầu cọ từ lâu đã trở thành loại thực phẩm chính ở khu vực trải dài từ Senegal đến Angola dọc theo bờ biển phía tây châu Phi. Nó tham gia vào nền kinh tế toàn cầu những năm 1500, trên những con tàu buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương. Trên hành trình chết chóc băng qua Đại Tây Dương, dầu cọ là loại thực phẩm quý giá giúp giữ cho những người bị giam cầm sống sót. Như một cuốn sách vào năm 1711 đã lưu ý, các thương nhân cũng bôi dầu cọ lên da của những người bị bắt để khiến họ “trông mịn màng, bóng khỏe và trẻ trung” trước khi gửi họ đến phiên đấu giá.
Vào giữa những năm 1600, người châu Âu cũng thoa dầu cọ lên da của mình. Các nhà văn châu Âu lúc bấy giờ đã học hỏi các phương pháp y học châu Phi, và tuyên bố rằng dầu cọ “có tác dụng chữa bệnh hiệu quả, chẳng hạn như các vết bầm tím hoặc biến dạng trên cơ thể”. Vào những năm 1790, các doanh nghiệp ở Anh đã thêm dầu cọ vào xà phòng để nó có màu cam đỏ và hương thơm như hoa violet.
Năm 1807, nước Anh bãi bỏ nạn buôn bán nô lệ. Trong những thập kỷ tiếp theo, Anh đã cắt giảm thuế đối với dầu cọ và khuyến khích các quốc gia châu Phi tập trung vào sản xuất dầu cọ. Đến năm 1840, dầu cọ đã đủ rẻ để thay thế hoàn toàn mỡ động vật hoặc dầu cá voi trong các sản phẩm như xà phòng và nền.
Khi dầu cọ ngày càng phổ biến, nó đã đánh mất danh tiếng là một mặt hàng xa xỉ. Các nhà xuất khẩu đã khiến nó thậm chí còn rẻ hơn bằng cách áp dụng phương pháp tiết kiệm lao động – để trái cọ lên men và mềm đi, mặc dù kết quả là khiến nó có mùi ôi. Lúc này, những người mua hàng từ châu Âu đã áp dụng các quy trình hóa học mới nhằm loại bỏ mùi hôi và màu sắc. Kết quả là dầu cọ đã có thể hoàn toàn thay thế các loại dầu và mỡ đắt tiền hơn.
Chủ nghĩa thực dân
Đến năm 1900, một ngành công nghiệp mới đã khai thác tất cả các loại dầu: Bơ thực vật (margarine). Nhà hóa học người Pháp Hippolyte Mège-Mouriès đã phát minh ra bơ thực vật vào năm 1869 như một chất thay thế rẻ tiền cho bơ sữa (butter). Nó nhanh chóng trở thành một nguyên liệu chính trong khẩu phần ăn của tầng lớp lao động ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Đầu tiên, dầu cọ được sử dụng để nhuộm vàng bơ thực vật, nhưng rồi nhà sản xuất nhận ra nó có thể trở thành một thành phần chính hoàn hảo, vì nó giúp bơ giữ được độ cứng ở nhiệt độ phòng và tan chảy khi đưa vào miệng, hệt như bơ sữa.
Các ông trùm trong ngành công nghiệp bơ thực vật và xà phòng như William Lever của Anh đã nhắm đến các thuộc địa của châu Âu ở châu Phi để sản xuất một lượng lớn dầu cọ tươi hơn, ăn được. Tuy nhiên, những cộng đồng ở châu Phi thường từ chối cho thuê hoặc bán đất canh tác cho các công ty nước ngoài vì làm dầu thủ công vẫn mang lại lợi nhuận cho họ. Những nhà sản xuất dầu thuộc địa đã nhờ đến chính phủ ‘ra tay’ nhằm giải quyết việc này.


Hãng Lever ra mắt xà phòng Sunlight có màu từ dầu cọ vào những năm 1880. Ảnh: SSPL vis Getty Images

Ở Đông Nam Á, mọi việc có phần dễ dàng hơn, họ đã tạo ra một ngành công nghiệp trồng cọ dầu mới. Những nhà cai trị ở đó đã cho phép các công ty sử dụng đất đai gần như không giới hạn. Các công ty đã thuê “cu li” (coolies) – một từ miệt thị của người châu Âu nhằm ám chỉ người lao động nhập cư từ miền nam Ấn Độ, Indonesia và Trung Quốc. Những người lao động này làm việc dưới các điều kiện phân biệt đối xử, tiền lương rẻ mạt và hợp đồng cưỡng bức.
Bản thân cây cọ dầu cũng thích nghi với xứ sở mới của nó. Trong khi những cây cọ ở các trang trại châu Phi mọc rải rác và cao ngất ngưởng, thì ở châu Á, chúng sinh trưởng trong các đồn điền, mọc có trật tự, dễ thu hoạch hơn. Đến năm 1940, các đồn điền ở Indonesia và Malaysia đã xuất khẩu nhiều dầu cọ hơn toàn bộ châu Phi.

Bức tranh “Sản xuất dầu cọ” (1844) của Édouard Auguste Nousveaux. Nguồn: Metropolitan Museum of Art
Tặng vật quý như vàng?
Sau Thế chiến Thứ Hai, khi Indonesia và Malaysia giành được độc lập, các công ty vẫn sử dụng đất đai với giá rẻ. Các nhà chức trách Indonesia gọi dầu cọ – ngành trồng trọt đang phát triển nhanh chóng của họ – là “tăng vật quý như vàng cho nhân loại”.
Tiêu thụ dầu cọ tăng lên và khi những loại dầu cạnh tranh khác bị loại bỏ dần: đầu tiên là dầu cá voi vào những năm 1960, sau đó là các chất béo như mỡ động vật và mỡ lợn. Trong những năm 1970 và 1980, những lo ngại về sức khỏe khi sử dụng các loại dầu nhiệt đới như dầu dừa và dầu cọ đã khiến nhu cầu ở châu Âu và Bắc Mỹ giảm hẳn. Nhưng các nước đang phát triển vẫn sử dụng dầu cọ thường xuyên để chiên và nướng.
Các nhà sản xuất đã mở rộng những đồn điền để đáp ứng nhu cầu. Họ giảm chi phí bằng cách tuyển dụng lao động nhập cư giá rẻ và thường không có giấy tờ từ Indonesia, Philippines, Bangladesh, Myanmar và Nepal – chẳng khác gì nạn bóc lột đã diễn ra từ thời thuộc địa.

Hai người làm đang gánh một chùm quả cọ dầu lớn ở một đồn điền tại Sumatra vào khoảng năm 1922. Ảnh:  J.W. Meijster, Royal Netherlands Institute of Southeast Asian and Caribbean Studies
Trong những năm 1990, các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ và EU đã cấm sử dụng chất béo trans (trans fat) không lành mạnh trong thực phẩm. Các nhà sản xuất đã chuyển sang sử dụng dầu cọ như một chất thay thế rẻ mà hiệu quả. Từ năm 2000 đến năm 2020, nhập khẩu dầu cọ của EU đã tăng hơn gấp đôi, trong khi lượng nhập khẩu của Mỹ tăng gần gấp 10 lần. Nhiều người tiêu dùng thậm chí không nhận thấy bước chuyển thay thế này.
Vì dầu cọ quá rẻ nên các nhà sản xuất đã tìm kiếm những công dụng mới cho nó, chẳng hạn như thay thế các hóa chất gốc dầu mỏ có trong xà phòng và mỹ phẩm. Nó cũng trở thành nguyên liệu cơ bản cho dầu diesel sinh học ở châu Á, mặc dù nghiên cứu cho thấy việc sản xuất diesel sinh học từ cây cọ sinh trưởng trên khu vực đất mới khai hoang sẽ làm tăng lượng khí thải nhà kính thay vì giảm chúng.
EU đang loại bỏ dần nhiên liệu sinh học từ dầu cọ vì lo ngại về nạn phá rừng. Ngược lại, Indonesia vẫn đang nỗ lực tăng thành phần cọ trong dầu diesel sinh học của mình – sản phẩm mà nước này quảng cáo là “Green Diesel”, cũng như phát triển các loại nhiên liệu sinh học khác từ cọ.
Tẩy chay hay cải thiện?
Ngày nay, có đủ đồn điền trồng dầu cọ trên toàn thế giới mà tổng diện tích thậm chí còn lớn hơn bang Kansas, và ngành công nghiệp này vẫn đang tiếp tục phát triển. Nó tập trung chủ yếu ở châu Á, nhưng các đồn điền cũng đang mở rộng ở châu Phi và Mỹ Latinh. Một cuộc điều tra năm 2019 với một công ty ở Cộng hòa Dân chủ Congo đã cho thấy các dấu hiệu về điều kiện làm việc nguy hiểm cũng như hành vi lạm dụng lao động – hệt như những ngành công nghiệp dầu cọ thời thuộc địa.
Điều này còn ảnh hưởng đến đời sống của động vật. Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), việc chặt phá rừng nhiệt đới để trồng cọ dầu đang đe dọa gần 200 loài có nguy cơ tuyệt chủng, bao gồm đười ươi, hổ và voi rừng châu Phi.
Tuy nhiên, IUCN và nhiều nhà vận động khác cho rằng việc chuyển sang dùng dầu khác thay thế dầu cọ không phải là câu trả lời. Vì cây cọ dầu có năng suất cao nên việc chuyển sang các cây có cầu khác thậm chí có thể gây hại nhiều hơn, vì việc này đòi hỏi nhiều đất đai hơn để trồng các loại cây thay thế.
Có nhiều phương pháp bền vững hơn để trồng dầu cọ. Các nghiên cứu cho thấy rằng những kỹ thuật nông lâm kết hợp quy mô nhỏ, giống như những kỹ thuật từng được áp dụng trước đây ở châu Phi và trong các cộng đồng hậu duệ Afro ở Nam Mỹ, mang lại hiệu quả về chi phí trong sản xuất đồng thời bảo vệ môi trường.
Câu hỏi đặt ra là, liệu người tiêu dùng có quan tâm đến điều này? Hội nghị bàn tròn về Dầu cọ Bền vững – một tổ chức phi lợi nhuận bao gồm các nhà sản xuất và chế biến cọ dầu, nhà sản xuất hàng tiêu dùng, nhà bán lẻ, ngân hàng và các nhóm vận động – đã cấp chứng nhận cho hơn 20% dầu cọ được sản xuất vào năm 2020. Nhưng chỉ một nửa trong số dầu cọ đó bán được – điều này cho thấy số người mua sẵn sàng trả một khoản phí bảo đảm sự bền vững vẫn còn rất ít. Chừng nào điều này chưa thay đổi, các cộng đồng và hệ sinh thái dễ bị tổn thương sẽ còn gánh chịu cái giá để thu được dầu cọ giá rẻ.
(*) Tác giả bài viết là Jonathan E. Robins, Phó Giáo sư Lịch sử Toàn cầu, Đại học Công nghệ Michigan
Hà Trang dịch
https://tiasang.com.vn/-doi-moi-sang-tao/Mot-luoc-su-ve-dau-co-28270