Nền công nghiệp giải trí của Hàn Quốc sau một thời gian ngắn đột phá và khiến cả thế giới kinh ngạc đã bộc lộ những mảng tối. Liên tiếp các vụ tự tử của các nghệ sĩ trẻ khiến người hâm mộ toàn thế giới chấn động. Nổi tiếng bởi sự khắt khe nhiều khi đến mức quá quắt của dư luận, cái chết của nữ ca sĩ Sulli (설리) khiến cư dân mạng Hàn Quốc một lần nữa bị lôi ra chê trách. Người ta nói chính những lời mắng nhiếc, miệt thị của dư luận Hàn Quốc với Sulli trong thời gian dài đã khiến cô không thể chịu nổi mà phải tìm tới cái chết. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, nếu cô gái trẻ không nổi loạn và hành động như vô ý thức thì đã không trở thành tâm điểm của những màn “làm nhục trên mạng”.

Dù là do cô khơi mào ra, cô vô tội hay có một chút sai lầm nhưng không đáng bị như vậy, thì Sulli cũng đã không thể vượt qua được con quỷ mang tên “cái tôi bị tổn thương” hay “cái tôi nhục nhã”.

Bởi “Nhục nhã là chốn sình lầy của tâm hồn” – (Brene Brown, trích trong Thiện, Ác và Smartphone của Đặng Hoàng Giang), nên người ta cần phải có nỗ lực, kỹ năng và cả may mắn mới thoát ra khỏi chốn sình lầy đặc quánh đó.

Lỗi của ai?

Chúng ta đang sống trong một vòng xoáy nguy hiểm của thế giới ảo, ở trên đó người ta chai lì trước nỗi đau và tủi hổ của người khác. Khi không có sự tiếp xúc vật lý để nhìn vào mắt nhau và cảm nhận, cái đặc tính mà như Franz Schönthan von Pernwaldt nói là “con người được sinh ra để vui, nếu họ không vui được về cái đẹp của bản thân thì sẽ vui về cái xấu xí của người khác”, càng được phóng đại đến kinh khủng.

Cái chết của những người tự tử vì áp lực dư luận sẽ chẳng bao giờ tìm ra được kẻ phải chịu trách nhiệm ngoài chính họ. Dư luận là một kẻ vô diện, vô tình và bất khả xâm phạm. Người ta lên án nhau sau những cái chết như của Sulli, và ai cũng nghĩ mình không có lỗi. Quy trách nhiệm, kết án dư luận sẽ khó mà làm giảm được tỷ lệ tự tử.

Khi những cái chết vô ích và vô lý bởi tự tử xảy ra, người ta đưa ra những lời khuyên để giúp những người đang có ý định tương tự, để ngăn chặn sớm những kết cục bi thương tiếp theo. Thế nhưng, có vẻ rất khó cho người đang chìm vô định, cô liêu giữa thế giới tăm tối, u mịch của họ. Họ như đã lạc ra khỏi thế giới bình thường, mất kết nối, mất dấu vết để tìm đường về.

Tên cô ấy là Sulli, với “sul” nghĩa là tuyết và “li” là hoa lê (ảnh: Twitter).

Một lời khuyên rằng hãy phấn chấn lên, hãy nói ra cõi lòng của mình, hãy suy nghĩ lại, ngoài này còn rất nhiều niềm vui… đều như một thứ ngoại ngữ đối với họ, họ không thể hiểu, không thể cảm nhận. Và cứ thế họ chìm dần trong nội tâm khủng hoảng của mình. Một khi đã để cho nỗi sợ hãi, chán nản và mất niềm tin thống trị, người muốn tự tử như mất khả năng làm chủ bản thân, hay khoa học gọi tên nó bằng một sự mất cân bằng sinh học, nó tấn công và làm tê liệt ý chí của họ. Việc để họ nhận thức ra được phải uống thuốc điều trị cũng khó như bảo họ hãy vui lên vậy. Nếu họ nhận thức được thì đã hành động được rồi.

Vậy thì chỉ có một cách ngăn chặn cuộc tấn công này bằng cách nuôi dưỡng nội tâm mạnh mẽ để không bao giờ sợ hãi đến đánh mất mình khi gặp những chuyện kinh thiên động địa trong đời.

Nội tâm vững vàng tới từ đâu?

Người xưa thường không dám tự tử không chỉ bởi đó là vi phạm điều đứng đầu trong trăm điều Thiện – Hiếu, mà còn bởi họ được giáo dưỡng để đạt được nội tâm vững vàng, khí chất mạnh mẽ. Làm sao để có được nội tâm vững vàng, khí chất mạnh mẽ đây? Đó là khi biết được khả năng của mình đến đâu, lại biết mệnh Trời, cho nên không lo buồn trước những cảnh ngộ trắc trở trong đời. Đồng thời vì được thấm nhuần những lễ giáo đạo đức sâu sắc, nên họ không làm điều gì trái đạo lý, không gây thù chuốc oán với ai, cho nên không sợ hãi, hiên ngang, đàng hoàng mà sống.

Thế nên Khổng Tử mới nói: “Người quân tử không lo buồn, không sợ hãi”. Ông cũng lại nói: “Người có lòng nhân ắt có tinh thần mạnh mẽ”. Bởi người có lòng nhân sẽ biết yêu thương con người, có sức mạnh tinh thần để kiềm chế những thói hư tật xấu, không làm điều gì mình không muốn bản thân phải chịu đựng cho người khác. Hơn nữa lòng nhân còn thúc đẩy người ta biết hy sinh, tấm lòng rộng mở, thoáng đãng, có thể chứa đựng được thiên hạ, thì nhìn đâu cũng thấy điều tốt đẹp của cuộc sống, sao có thể ủ dột, chán chường, đau khổ vì niềm đau riêng mà không nhìn thấy cái đẹp chung của nhân sinh. Nội tâm nhân ái sinh ra tinh thần mạnh mẽ, tinh thần mạnh mẽ sẽ lại sinh ra dũng khí, có thể chịu được gian khổ, sinh ra tĩnh khí có thể thản nhiên bất động trước biến thiên của cuộc đời.

Trong cuốn Đại Học, Chương 7: Chính tâm, Tu thân, khi bàn về tu sửa bản thân có nói đó là việc “làm cho lòng mình được chính đáng”. Theo đó giải thích, khi bản thân tức giận, sợ hãi, ham vui, lo buồn đều là đã làm tâm mình không được chính đáng. Tại sao lại như vậy? Bởi đây là những tình cảm bất thường có thể gây nên mâu thuẫn, xung đột cho cá nhân và những người xung quanh, thậm chí cho xã hội. Và quan trọng là nó xuất phát từ tư dục của bản thân mà ra, từ danh, lợi, tình, quyền bị tổn thất mà tự thấy kích động tâm tình.

Hoa lê (ảnh: Tieudungplus).

Khi ta không chỉ nghĩ về bản thân mình, quá coi trọng cái tôi và quyền lợi cá nhân, thì sẽ tự tại, ngoại cảnh, ngoại vật chẳng thể chi phối ta. Cảm xúc của ta lúc này là do ta làm chủ, không phải như cái ao bèo để người ngoài ném một viên đá là bèo đã xô dạt tứ phương.

Đạo học thời xưa quanh đi quẩn lại có mấy khái niệm, nhưng ý tứ rộng lớn, nội hàm thâm sâu. Những Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín giúp xây dựng nhân cách con người tự do tự tại nhưng lại khiêm nhường cung kính trước đạo của Đất Trời. Người người đều cố gắng tu thân để đạt được: “Người trí chẳng nghi ngờ, người nhân chẳng lo buồn, người dũng chẳng sợ hãi” – (Khổng Tử).

Cũng lại biết rằng trong mệnh có số, cưỡng cầu vô ích, trong phúc có họa, tu thân mới hóa giải được, nên con người không cố kết tranh đấu để đến lúc thất ý lại tuyệt vọng đau khổ. Không đặt cái nhu cầu, cảm giác của bản thân lên trên hết, không đặt mình vào vị trí trung tâm. Thế giới quan rộng lớn, nên một sự đổ vỡ sẽ không trở thành một điều kinh khủng không thể chịu đựng nổi. Ngày nay, người ta gọi là có kỹ năng mềm, kỹ năng sống để vượt qua khó khăn. Thời xưa, chính là tu thân, dưỡng tính mà trở nên đĩnh đạc, vững vàng.

Không sợ hãi, không lo buồn, không thất vọng, không oán trách, không cưỡng cầu… tâm trong veo như chai nước rỗng, thì sóng nào dìm được ta xuống đáy đây? Dù thân lênh đênh trong lòng biển, nhưng vẫn hướng lên trời cao, mưa gió gột rửa, để lúc nắng lên sẽ phản chiếu lung linh vậy.

Nguồn: dkn.tv