Lũng đoạn đào tạo thạc sĩ ở trường Đại học Sư phạm Sài Gòn

Ngay ở phần mở đầu luận văn về vật lý nguyên tử, Võ Thị Mộng L. thừa nhận nó thuộc chuyên ngành… thiên văn học: “Nói chung, việc nghiên cứu bụi đã trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng trong ngành Thiên văn học hiện đại”.

Trong chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Vật lý nguyên tử tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM không có môn học nào liên quan đến lĩnh vực Thiên văn học, đặc biệt là về máy quang phổ, kính thiên văn, kính viễn vọng, bụi và hợp chất hữu cơ trong môi trường xung quanh sao, sao lùn nâu… Thế nhưng, tranh thủ lúc “trời còn nhá nhem” người ta đã “tráo hàng”.

Rõ nhất là vào năm 2015, ông Cao Anh Tuấn – tiến sĩ (TS) thuộc chuyên ngành Thiên văn vật lý, Trưởng khoa Vật lý của Trường ĐH Sư phạm, đã hướng dẫn luận văn (LV) thạc sĩ chuyên ngành Vật lý nguyên tử cho học viên (HV) Võ Thị Mộng L. với đề tài “Nghiên cứu bụi trong môi trường xung quanh sao”.

su-pham

Văn phòng Bộ môn vật lý-kỹ thuật hạt nhân luôn đóng cửa

Trớ trêu là ngay ở phần mở đầu LV “Vật lý nguyên tử” này, HV Võ Thị Mộng L. thừa nhận LV thuộc chuyên ngành Thiên văn học: “Nói chung, việc nghiên cứu bụi đã trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng trong ngành Thiên văn học hiện đại”; “Mặc dù các nhà thiên văn học trên thế giới đã miệt mài tìm kiếm thêm những mẫu bụi nhằm bổ sung vào danh sách các phân tử trong mội trường liên sao…”.

Trên cơ sở nội dung của LV và lời mởi đầu của HV, một số nhà chuyên môn khẳng định LV thuộc chuyên ngành Thiên văn học (mã số 60440101) chứ không thể thuộc chuyên ngành Vật lý nguyên tử (mã số 60440106).

Trước đó, vào năm 2014, ông Cao Anh Tuấn đã hướng dẫn LV thạc sĩ chuyên ngành Vật lý nguyên tử cho HV Lê Tấn Ph. với đề tài “Khảo sát ảnh hưởng của bức xạ tương tự tia vũ trụ lên hợp chất hữu cơ mô phỏng môi trường liên sao”.

Cũng như HV Võ Thị Mộng L., ở phần tóm tắt LV, HV Lê Tấn Ph. thừa nhận đề tài LV thạc sĩ “Vật lý nguyên tử” của mình thuộc chuyên ngành Thiên văn học: “Việc nghiên cứu sự tiến hóa của vật chất trong môi trường liên sao rất quan trọng đối với ngành Vật lý thiên văn”.

Tiếp theo, trong phần mở đầu, HV Lê Tấn Ph. tái thừa nhận: “Một công việc quan trọng của ngành Vật lý thiên văn là khảo sát sự tiến hóa của các vật chất hữu cơ trong môi trường liên sao”.

Đặc biệt, vào năm 2013, ông Cao Anh Tuấn đã hướng dẫn LV Vật lý nguyên tử cho HV Nguyễn Ph. với đề tài “Nghiên cứu quang phổ thiên thể lắp đặt hệ phổ kế chụp phổ thiên thể vùng khả kiến”. Nội dung LV đã thực hiện được: lắp đặt máy quang phổ dùng cách tử truyền qua và cách tử phản xạ tại phòng thí nghiệm quang học của khoa Vật lý; kết nối với kính thiên văn và máy chụp CCD để chụp mặt trăng.

Khôi hài hơn, tác giả LV chuyên ngành “Vật lý nguyên tử” này lại rất quan tâm đến sự phát triển của ngành Thiên văn học khi đề xuất trong phần kiến nghị của LV: “Thời tiết ở TP.HCM mây mù, bụi rất dày và ánh sáng thành phố, nên cần thiết xây dựng phòng nghiên cứu thiên văn ở nơi hạn chế các điều nói trên”.

Như vậy, với đề tài của ba LV trên, từ ngoài “vỏ” cho đến trong “ruột” đều là thiên văn học chứ không có “mùi vị” của nguyên tử hạt nhân.

Nhưng mở đầu cho phong trào thiên văn “đóng thế vai” vật lý nguyên tử phải kể đến những đề tài do ông Phan Bảo Ngọc- TS chuyên ngành Thiên văn vật lý, giảng viên Trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TP.HCM- hướng dẫn năm 2012.

Điển hình là đề tài “Thử nghiệm Litium ở các ứng cử viên sao lùn nâu trẻ” của HV Nguyễn Anh Th.. Nội dung LV bao trùm các kiến thức thiên văn học như: sao lùn nâu là gì; các tính chất vật lý cơ bản của sao lùn nâu, tìm kiếm và phát hiện sao lùn nâu ở đâu; kính viễn vọng; các phản ứng hạt nhân ở các sao; ứng dụng phương pháp thử nghiệm lithium…

Mặc dù trong LV có đề cập đến các phản ứng hạt nhân (được các nhà bác học nghiên cứu từ năm 1938), nhưng các phản ứng này chỉ là phương tiện để chỉ ra lithium tồn tại trong các sao lùn nâu, và litium được sử dụng như là chất chỉ thị để phát hiện các loại sao này. Phương pháp này cũng đã được các nhà khoa học sử dụng từ năm 1995.

Ngoài ra ông Phan Bảo Ngọc còn hướng dẫn một đề tài “Vật lý nguyên tử” khác cho HV Đặng Đức C. là “Đặc tính hóa quá trình giải phóng lưỡng cực phân tử khí CO của các sao lùn nâu ở Ophiuchi và Taurus”. Ngược đời thay, nội dung cả hai đề tài “Vật lý nguyên tử” này lại đều được báo cáo tại hội nghị quốc tế về “Lực hấp dẫn, Vật lý thiên văn và Vũ trụ học” lần thứ 10 (ICGAC) tại Quy Nhơn vào tháng 12/2011.

Một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học và đào tạo sau ĐH chia sẻ: “Trong nghiên cứu khoa học có thể có đa ngành (kiến thức chuyên môn, phương tiện máy móc…) để giải quyết một bài toán khoa học nào đó; nhưng trong đào tạo thạc sĩ thì chỉ cho từng mỗi chuyên ngành.

Trong đào tạo thạc sĩ mỗi chuyên ngành có thể có các môn học liên quan đến ngành, liên ngành; nhưng các môn học này cùng với các môn học khác của chuyên ngành chỉ nhằm trang bị cho HV đủ năng lực thực hiện công tác chuyên môn và nghiên cứu khoa học trong chuyên ngành được đào tạo”.

(PN)